Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thi hành án dân sự: Gặp khó do… khách quan?

Hà Phong| 04/05/2013 06:37

(HNM) - Công tác thi hành án dân sự  4 tháng đầu năm 2013 chưa có chuyển biến mang tính đột phá, nhất là kết quả thi hành án (THA) đạt tỷ lệ thấp so với cùng kỳ năm 2012.


Tại hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết công tác THADS những tháng đầu năm 2013 diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Tư pháp cho biết, các cơ quan THADS mới thi hành xong 164.107/349.647 vụ việc có điều kiện thi hành; ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế THA đối với 3.427 trường hợp, giảm gần 570 trường hợp so với cùng kỳ 2012. Một số địa phương đạt kết quả thấp là: Tây Ninh, Tiền Giang, Hậu Giang, Hà Nam, Trà Vinh…

Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng thi hành một vụ án dân sự trên địa bàn. Ảnh: Văn Dũng



Về kết quả miễn, giảm THA, các cơ quan chức năng đã xét, miễn giảm thi hành đối với 718 trường hợp, với số tiền gần 4,5 tỷ đồng. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo những vụ phức tạp, kéo dài còn kém hiệu quả. Trong khi đó, công tác tự kiểm tra ở từng Chi cục THA vẫn mang tính hình thức, chưa chỉ rõ vi phạm, thiếu sót cũng như trách nhiệm cá nhân, tập thể và biện pháp khắc phục, xử lý; chỉ đến khi cơ quan cấp trên vào cuộc, mới lộ rõ những bất cập, hạn chế. Qua công tác thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý kỷ luật bằng các hình thức: khiển trách, giáng chức, hạ bậc lương, miễn nhiệm 25 cán bộ, công chức vi phạm đạo đức, lối sống, nghiệp vụ, tăng 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2012.

Gặp khó vì bất động sản "đóng băng"

Dù đã cách chức 1 Chi cục trưởng, cho thôi việc 3 trường hợp khác nhưng ông Nguyễn Văn Lực, Cục trưởng Cục THADS TP Hồ Chí Minh vẫn cho rằng, lượng cán bộ THA "nhúng chàm" hay "thiếu lửa" trong công việc chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tỷ lệ THA thời gian vừa qua tại nhiều tỉnh, thành thấp là do thị trường bất động sản trầm lắng, giao dịch thực tế ít, nhiều tài sản kê biên để THA không đấu giá được. Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều khu đất "vàng" được cơ quan THA tổ chức đấu thầu mấy lần nhưng… không có khách mua. Theo ông Nguyễn Văn Lực, đối với các trường hợp này chỉ nên thống kê tạm thời vào mục khó có điều kiện thi hành vì lý do khách quan, nếu không sẽ chưa phản ánh đúng tình hình thực tế và công sức của chấp hành viên.

Cùng nhận định này, ông Nguyễn Minh Quyết, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Tiền Giang cho biết, theo đánh giá phân loại, tỉnh Tiền Giang có trên 20.000 vụ việc với số tiền phải thi hành là trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 92% số tiền phải thi hành là có điều kiện nhưng đến nay cơ quan chức năng mới thu về được 130 tỷ đồng (khoảng 13%). Nguyên nhân cũng do thị trường bất động sản đang "đóng băng" khiến 4.000 vụ bán đấu giá không thành. Nếu không suy giảm kinh tế, giao dịch đất đai không ảm đạm thì lượng án thi hành sẽ tăng cao chứ không thấp như hiện nay.

Riêng tại TP Hà Nội, từ khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, số án hành chính thụ lý tại TAND TP tăng vọt từng năm, tập trung vào khiếu kiện các quyết định về quản lý đất đai. Trong đó, không ít vụ có tính chất rất phức tạp, phát sinh từ những dự án thực hiện trong nhiều năm và đã xảy ra khiếu nại kéo dài, nay lại được khởi kiện theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết 56/2010/NQ-QH12. Tuy nhiên, sau khi bản án hành chính có hiệu lực, số việc được đôn đốc THA hiệu quả chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các việc THADS khác, nhất là với trường hợp người phải THA là UBND cùng cấp. Sự việc điển hình nhất là đến nay UBND quận Hoàng Mai không chịu thi hành bản án số 12/HCPT ngày 29-9-2011 của TAND TP Hà Nội về việc hủy Quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 25-6-2009 của quận này, buộc UBND quận Hoàng Mai phải thực hiện hỗ trợ bằng bán nhà chung cư hoặc bồi thường bằng tiền cho một hộ dân trên địa bàn, dù Chi cục THADS quận Hoàng Mai đã có công văn đôn đốc. Chính thái độ bất hợp tác của chính quyền địa phương buộc cơ quan THADS phải báo cáo Bộ Tư pháp để xin hướng tháo gỡ; còn người dân không hiểu, lại cho rằng cơ quan THA "cố tình" kéo dài vụ việc... Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, để xảy ra tình trạng trên là do công tác báo cáo, phối hợp của Chi cục THA quận Hoàng Mai với UBND thành phố chưa tốt. Thời gian tới, UBND thành phố sẽ kiểm tra để làm rõ bản chất vụ việc.

Như vậy, có hai vấn đề đáng lo ngại đối với công tác THADS là: lượng tiền thi hành đạt thấp so với chỉ tiêu; tỷ lệ cán bộ ngành vi phạm và bị xử lý kỷ luật tăng. Thế nhưng, chỉ thấy các cơ quan THADS kêu khó, chưa có đơn vị nào đề xuất được biện pháp khắc phục trong từng giai đoạn cụ thể. Trong khi đó, nếu chậm hoặc không THA thì toàn bộ hoạt động của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trước đó trở nên vô nghĩa. Chính vì vậy, việc bảo đảm hiệu lực của các bản án, quyết định của tòa án là một yêu cầu khách quan trong hoạt động quản lý nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi hành án dân sự: Gặp khó do… khách quan?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.