(HNM) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, từ ngày 10-7-2019 đến ngày 10-7-2020, thành phố Hà Nội mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Với một địa bàn rộng, tập trung số lượng lớn các cơ sở kinh doanh thực phẩm, việc nhân rộng mô hình này là rất cần thiết. Song, để đạt hiệu quả, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, quá trình thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm thực chất.
Vẫn còn tâm lý... nể nang
Từ ngày 15-11-2015 đến ngày 15-11-2016, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm theo Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg ngày 9-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian thí điểm tại 5 quận, huyện (với 10 xã, phường), Hà Nội đã thành lập 65 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.
Qua thanh tra, kiểm tra hơn 3.500 cơ sở, các đoàn đã phát hiện 786 cơ sở vi phạm, trong đó phạt tiền 371 cơ sở, với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng. So với trước khi thí điểm, số cơ sở bị phạt tiền tăng 237% và tổng số tiền phạt tăng 240%.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của thành phố cho rằng, mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến cơ sở đã giúp tăng hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đơn cử như, thời gian đào tạo lực lượng thanh tra ngắn, thiếu nhân lực, nên thanh tra viên tại các địa phương vẫn chủ yếu là kiêm nhiệm. Đặc biệt, ở tuyến xã, phường, việc thanh tra, kiểm tra vẫn còn nể nang, đôi lúc xử lý vi phạm chưa quyết liệt.
Tại huyện Đông Anh, năm 2016 đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở xã Kim Chung và xã Uy Nỗ. Bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh chia sẻ: "Ban đầu khi bắt tay triển khai, chúng tôi cũng vấp phải nhiều khó khăn. Cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm thiếu, trong khi các cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhỏ lẻ, không có địa điểm cố định, thường xuyên biến động gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, rà soát và tổ chức thanh tra.
Hơn nữa, cán bộ ở cấp xã còn tâm lý “tình làng, nghĩa xóm”, vì đa phần các hộ kinh doanh là người quen biết, nên khi kiểm tra, chủ yếu là nhắc nhở, chứ không xử phạt. Huyện đã phải bố trí lực lượng hỗ trợ cho các đoàn thanh tra của xã để việc thanh tra, xử lý vi phạm được nghiêm minh".
Còn theo ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại địa phương đã được tiến hành thường xuyên. Song, tổ chức thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận và phường là vấn đề mới, nên ban đầu triển khai cũng không tránh khỏi lúng túng.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, quận đã hỗ trợ các phường đào tạo thanh tra viên, đào tạo cán bộ lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm… Trong thời gian tới, quận sẽ kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thí điểm tại tất cả các phường để kịp thời khắc phục những tồn tại.
Về phía doanh nghiệp, bà Chu Hương Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương bày tỏ, việc thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm có thể mang lại hiệu quả thiết thực, nhưng nếu xảy ra tình trạng lạm dụng quyền sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân. Thậm chí, trong quá trình kiểm tra, một số cán bộ có thể vận dụng máy móc, thiếu linh hoạt hoặc chưa nắm vững nghiệp vụ, thiếu kiến thức về pháp luật dẫn đến xử phạt chưa đúng…
Tránh chồng chéo, lạm quyền
Rút kinh nghiệm từ đợt đầu thí điểm, ngay từ đầu năm 2019, thành phố đã tổ chức đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng thanh tra viên. Sau hơn 6 tháng tổ chức đào tạo (tổng cộng hơn 3.000 thanh tra viên), đến nay, 100% các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã có đủ lực lượng để thành lập từ 1 đến 2 đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết, trong khi lực lượng thanh tra ở tuyến trung ương, tuyến tỉnh, thành phố còn mỏng, thì việc thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã huy động thêm nguồn lực, nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát ở lĩnh vực này.
Giải đáp về việc doanh nghiệp lo lắng tình trạng thanh tra chồng chéo, ông Nguyễn Văn Nhiên thông tin, theo quy định của Luật Thanh tra và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc thanh tra không được trùng lặp. Đối với doanh nghiệp, thanh tra không quá 1 lần/năm, trừ trường hợp có vi phạm rõ ràng hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau những lần thanh tra, phải có đánh giá về những yếu tố nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm. Từ đó xác định mục đích thanh tra trong những lần sau. Điều này vừa tránh tình trạng thanh tra chồng chéo, vừa bảo đảm hiệu quả công việc.
Vì vậy, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của thành phố đề nghị các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn để phân loại rõ nơi nào có nguy cơ cao cần tập trung thanh tra, kiểm tra.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, quá trình thanh tra, kiểm tra phải được tiến hành thực chất. Cụ thể, tuyến quận, huyện, thị xã phải kiểm tra được ít nhất 25%; tuyến xã, phường, thị trấn phải kiểm tra ít nhất 50% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Việc thanh tra phải minh bạch, xử phạt phải công minh và nếu cơ sở, doanh nghiệp không đồng ý kết quả thanh tra phải tiến hành xem xét, thanh tra lại. Mục đích là ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nguy cơ gây hại tới sức khỏe người dân từ thực phẩm bẩn.
Trong quá trình thanh tra, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền không chỉ cho cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, mà cho cả người tiêu dùng, tiến tới thay đổi hành vi, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.