Theo dõi Báo Hànộimới trên

Theo dõi, đánh giá chính xác nguyên nhân động đất ở Kon Tum

Kim Nhuệ| 24/08/2022 20:25

(HNMO) - Chiều 24-8, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai họp trực tuyến bàn giải pháp ứng phó với tình hình động đất xảy ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài kết luận cuộc họp.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, từ ngày 23 đến 24-8, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra 12 trận động đất có cường độ từ 2,5 đến 4,7 độ richter; trong đó trận xảy ra lúc 14 giờ 8 phút ngày 23-8 mạnh 4,7 độ richter là lớn nhất từ trước đến nay.

Theo Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) Phạm Thế Truyền, nguyên nhân xảy ra các trận động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum có khả năng ảnh hưởng từ việc xây dựng và tích nước của các hồ chứa...

Đại diện tỉnh Kon Tum cho biết, mặc dù chưa có thiệt hại về người nhưng người dân trên địa bàn rất lo lắng. Hiện tỉnh Kon Tum có 80 hồ chứa thủy lợi, thủy điện, trong đó huyện Kon Plông có 3 công trình thủy điện nhưng được thiết kế chống chịu động đất ở mức cao nhất là cấp 7, cấp 8.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng) Lê Minh Long, cường độ những trận động đất vừa xảy ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn ở mức thấp. Các công trình xây dựng trên địa bàn hoàn toàn có thể chống chịu được...

Kết luận cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương lắp đặt thiết bị quan trắc động đất; đồng thời theo dõi và đánh giá nguyên nhân gây ra hiện tượng động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng phương án ứng phó các tình huống động đất có cường độ lớn hơn; trong đó, cần rà soát toàn bộ công trình xây dựng trên địa bàn các tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, đặc biệt chú ý đến công trình nhà tạm có người dân ở, các công trình công cộng chưa được sửa chữa...

"Các địa phương cần tăng cường thông tin để người dân chủ động ứng phó và yên tâm hoạt động sản xuất, tránh gây hoang mang không cần thiết...", ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Theo dõi, đánh giá chính xác nguyên nhân động đất ở Kon Tum

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.