(HNMO) - Trước dấu mốc năm thứ 10 của danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú, HNMO khởi đăng loạt ký sự theo dấu chân của những nhân vật điển hình, ghi lại những câu chuyện cảm động, sự cống hiến hết mình của họ...
ần đầu tiên Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú được UBND TP Hà Nội tổ chức vào năm 2010, sau 9 năm, đã có 90 cá nhân ưu tú xuất sắc được vinh dự trao tặng danh hiệu cao quý này. Đó là những tấm gương tiêu biểu trong “vườn hoa” người tốt việc tốt Thủ đô, những con người sống, học tập và lao động hết mình, vì một tình yêu Hà Nội. Trước dấu mốc năm thứ 10 của danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú, HNMO khởi đăng loạt ký sựtìm theo dấu chân của những con người ưu tú, ghi lại những câu chuyện cảm động, sự cống hiến hết mình của những công dân Thủ đô tiêu biểu...
Bài 1: Nhà thơ Bằng Việt - Luôn tràn đầy dự định và khao khát sáng tạo
Bằng Việt là người có sức lao động đáng nể trọng trên nhiều lĩnh vực: Thơ, dịch, biên soạn sách, quản lý văn nghệ… và ẩn chứa trong sức lao động miệt mài ấy là niềm đam mê, một tài năng và một bề dày văn hóa.
Sâu lắng một tình yêu Hà Nội
Nhà thơ Bằng Việt từng thổ lộ “quê cha ở Sơn Tây, quê mẹ ở Bắc Giang, được sinh ra ở Huế” nhưng thẳm sâu trong tâm hồn ông là một tình yêu Hà Nội nồng nàn, đắm say, chung thủy.
Hơn nửa thế kỷ cầm bút trăn trở với sáng tạo thi ca, những bài thơ viết về Hà Nội của Bằng Việt vẫn là những bài thơ kết tinh chất thi vị, đằm thắm, sâu lắng nhất. Hà Nội là nơi ông ký thác những suy tư, trăn trở thầm kín nhất của mình:
“Nơi hò hẹn ban đầu, ta chẳng thể nào quên
Bao từng trải về sau càng gắn liền ta lại
Thành phố của tình yêu tươi mới mãi
Nơi cuối cùng lắng lại, hóa hồn tôi!”.
(Một chút thầm thì trong tình yêu Hà Nội)
Nhà thơ Bằng Việt - Công dân Thủ đô ưu tú năm 2013. |
Không chỉ làm thơ, nhà thơ Bằng Việt đã góp sức với Hà Nội bằng đúng khả năng chuyên môn được đào tạo bài bản (cử nhân luật trường Đại học Kiev, Liên Xô cũ), khi là Thư ký thường trực, rồi là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố (2 nhiệm kỳ). Sau đó, ông có gần 20 năm đồng hành với văn nghệ sĩ Thủ đô trên cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội (đến tháng 4-2018).
Lãnh đạo hội văn học nghệ thuật lớn nhất cả nước, nơi tập hợp những con người tài năng mà cá tính rất mạnh, phải là một người có tài, có tâm để có thể đoàn kết, phát huy thế mạnh cho hội phát triển, đồng thời phải quan tâm định hướng, tổ chức để văn nghệ sĩ sáng tác, tạo điều kiện cho các thành viên được trang bị các thông tin về văn học - nghệ thuật cần thiết ở trong nước và cả quốc tế, sau đó tập hợp, đánh giá tác phẩm thông qua việc tổng kết các cuộc phát động sáng tác và các giải thưởng văn học nghệ thuật hằng năm, góp phần vào sự nghiệp xây dựng văn hóa và con người Thủ đô.
Với kiến văn, tầm văn hóa luôn chịu học, chịu đọc, chịu nghiên cứu, nghiền ngẫm, Bằng Việt còn tham gia thẩm định hàng loạt tác phẩm, công trình văn hóa, văn nghệ, viết lời tựa cho nhiều tuyển tập… không chỉ trong văn chương mà cả những tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc lớn của thế giới.
Nhà thơ Bằng Việt từng tham gia nhiều công trình khoa học về văn học nghệ thuật đóng góp cho thành phố như: “Từ điển văn học I và II” (đồng tác giả) do Nhà xuất bản Văn học tổ chức biên soạn, “Tổng tập Văn hiến Thăng Long” của Nhà xuất bản Văn hóa (xuất bản đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 2010).
"Kẻ sĩ Thăng Long" - cuốn biên khảo chuyên sâu của Bằng Việt về giới trí thức khoa bảng và nho sĩ của kinh đô Thăng Long từ khi lập đô (1010) đến Cách mạng Tháng Tám (1945). |
Với tư cách là Trưởng ban tư vấn chuyên môn của mảng sách văn hóa - nghệ thuật trong “Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến” - một đề án nghiên cứu và xuất bản lớn được Thành ủy và UBND thành phố giao cho Nhà xuất bản Hà Nội thực hiện từ hơn 10 năm nay (từ năm 2007 đến nay) - với hơn 150 đầu sách, nhà thơ Bằng Việt thực sự đã gắn bó tận tụy và trọn vẹn với tủ sách đồ sộ bao quát rất nhiều lĩnh vực, kiến thức uyên bác bách khoa này. Ông chủ biên tập cuốn “Tản văn Xứ Đoài”, dày gần 1.000 trang và đặc biệt là tác giả của cuốn biên khảo chuyên sâu về giới trí thức khoa bảng và nho sĩ của kinh đô Thăng Long từ khi lập đô (1010) đến Cách mạng Tháng Tám (1945), có nhan đề “Kẻ sĩ Thăng Long”.
Bằng Việt còn là Chủ tịch Hội đồng chấm giải “Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” suốt 11 năm qua. Ông rất vui vì những năm gần đây, giải này đã trao cho khá nhiều người nước ngoài khi họ thể hiện tình cảm gắn bó với cuộc sống của Hà Nội và biết thể hiện một tình yêu sâu sắc và cụ thể với Thủ đô.
Với những đóng góp xuất sắc qua nhiều công trình khoa học về văn học nghệ thuật cho thành phố và nhiều tập thơ, tác phẩm viết về Thủ đô Hà Nội, năm 2013, ông vinh dự được trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú. Và từ đó đến nay, ông vẫn luôn tràn đầy dự định và khát khao sáng tạo để tiếp tục đóng góp cho Thủ đô.
Một người thơ Hà Nội
Trò chuyện với nhà thơ Bằng Việt lúc nào cũng vậy, ông luôn cho cảm nhận về một con người trẻ trung, đa cảm, chân thành, trăn trở trước cuộc đời.
Bằng Việt từng học luật rồi làm phóng viên chiến trường, nhưng cái “nghiệp” suốt đời của ông là… thơ. “Mang tiếng nói sâu lắng và trong sáng của lớp thanh niên trí thức mới”, trong thập kỷ 1960, Bằng Việt khởi đầu hành trình thơ của mình với tập thơ “Hương cây - Bếp lửa” (1968 - in chung với Lưu Quang Vũ). Kể từ đó, ông ghi dấu ấn đậm nét của mình lên thơ ca Việt Nam hiện đại với một phong cách thơ trí tuệ rất riêng, một hồn thơ tinh tế, dạt dào cảm xúc: Từ “Bếp lửa” (1963) - bài thơ ấm áp về tình bà cháu, còn tỏa hơi nóng đến tận hôm nay, đến những bài thơ tình thời chống Mỹ của Bằng Việt được chép trong sổ tay của nhiều thế hệ.
Đi qua những năm ác liệt ở tuyến lửa khu bốn và dọc đường mòn Hồ Chí Minh trong quân số của Đoàn bộ 559, Bằng Việt đã trở thành một phóng viên chiến trường dày dạn và để lại nhiều bài thơ nóng hổi hơi thở của người lính trong bom đạn đúng vào những năm ác liệt nhất của Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Tây Nguyên và dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Những bài thơ viết ở chiến trường của ông, sau này được tập hợp lại trong các tập thơ như “Những gương mặt, những khoảng trời”, “Khoảng cách giữa lời”, “Đất sau mưa”, đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật.
Nói đến Bằng Việt mà không nhắc đến mảng thơ dịch là một thiếu sót lớn. Ông đã thổi hồn mình vào câu chữ, đã tái sinh tác phẩm của nhiều tên tuổi trên thế giới như Bertolt Brecht (Đức), Paul Eluard (Pháp), Evgheni Evtushenko (Nga), Nazim Hikmet (Thổ Nhĩ Kỳ), Federico Garcia Lorca (Tây Ban Nha), Yannis Ritsos (Hy Lạp), Pablo Neruda (Chile)… khi chuyển ngữ sang tiếng Việt. Đặc biệt, độc giả Việt Nam không thể quên những bài thơ dịch tuyệt bút như “Mùa lá rụng”, “Mùa hè rớt”… của nữ thi sĩ Olga Berggoltz (Nga) qua tài năng của ông.
“Hoa tường vi” (2018) - tập thơ mới nhất của Bằng Việt. |
Kỷ niệm 50 năm hoạt động văn chương (tính từ “Hương cây - Bếp lửa” 1968), Bằng Việt vừa xuất bản tập thơ mới nhất mang tên “Hoa tường vi” (2018), gồm 45 bài thơ tác giả tự chọn trong suốt nửa thế kỷ làm thơ.
Bằng Việt chia sẻ: “Lòng tin và sự hướng thiện vào cuộc đời trong tôi chưa bao giờ bị mất đi. Nhưng sự bung ra, vỡ ra sau 50 năm cầm bút là sự chiêm nghiệm rằng, không nên và không thể khuôn ngòi bút của mình về một hướng chỉ ca ngợi cái đẹp hoặc mặt nhân hậu của cuộc sống, mà phải tính cả đến những giây phút chùng lại, lắng xuống, những dằn vặt, chua cay... Vì ngay cả những ngang trái chưa thể hoàn chỉnh kia cũng vẫn là đời, cũng vẫn cần người nghệ sĩ chia sẻ, đồng cảm, góp phần giải đáp”.
Mãi mãi một tình yêu sáng tạo
Gặp nhà thơ Bằng Việt vào một ngày đầu xuân Kỷ Hợi, ông rất vui và chia sẻ mình đang bước vào một giai đoạn mới sau khi đã được nghỉ mọi công việc quản lý hành chính - sự vụ. Ông có nhiều thời gian tự do để kịp lên cho mình một kế hoạch đầy đặn trong dăm năm tới, khi hãy còn tràn đầy dự định và sức sáng tạo.
Nhà thơ Bằng Việt luôn tràn đầy dự định và khát khao sáng tạo. |
Trước tiên, ông vừa ký với Hội Nhà văn Việt Nam một hợp đồng đầu tư cho một tập sách biên khảo về thơ, là: “Thơ - Thưởng thức và thẩm định”. Ông dự định sẽ hoàn thành tập sách này trong một năm rưỡi, có độ dày khoảng 300 trang in, chứa đựng những suy nghĩ và ghi chép của ông về thơ qua nhiều năm, cả với thơ thế giới và thơ trong nước.
Sau đó, ông ước muốn được hoàn chỉnh một tập thơ dịch của riêng cá nhân mình với các nền thơ thế giới, từ cổ điển đến hiện đại, dày khoảng 800 trang, trên cơ sở biên tập lại và bổ sung cho hoàn chỉnh tập “Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX” mà ông từng dịch (của 117 nhà thơ thế giới cận và hiện đại, chưa có phần cổ điển, đã xuất bản từ năm 2004).
Cuốn sách thứ ba mà ông đang tập hợp tư liệu và hoàn chỉnh là cuốn biên khảo “Từ tinh thần thượng võ tới chủ nghĩa anh hùng”, nói về con người và khí phách của những bậc hào kiệt, những anh hùng từng thấm đẫm hào khí ngàn đời của vùng đất địa linh nhân kiệt Thăng Long - Hà Nội. Đây vốn là một đề cương đã được duyệt trong “Tủ sách Thăng Long 1.000 năm văn hiến” của nhà văn Nguyễn Khắc Phục, nhưng không may, ông đã mắc bạo bệnh và qua đời. Vì tình bạn thân thiết với người bạn quá cố, Bằng Việt đã nhận lại toàn bộ tư liệu mà nhà văn Nguyễn Khắc Phục chuẩn bị, quyết tâm chấp bút để hoàn thành cuốn sách, theo đúng ý đồ mà nhà văn Nguyễn Khắc Phục ấp ủ.
Một công việc cũng rất ý nghĩa nữa, mà Bằng Việt vừa mới nhận với nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, là sẽ chủ trì và chịu trách nhiệm để chọn lọc bài vở, tổ chức dịch thuật, nhằm làm sao có thể ra mắt được ngay trong năm 2019 một tờ tạp chí định kỳ, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, in bằng tiếng Anh, lấy tên là “Việt Nam. Nhà văn và tác phẩm” (Vietnam. Writers and works). Đây là một dự định và ao ước từ rất lâu của các nhà văn Việt Nam, nhưng chưa thực hiện được. Vì vậy, lần này nếu khởi động lại, thì phải chuẩn bị bài bản và làm công phu.
Nhà thơ Bằng Việt và phu nhân. |
Quả thực, so với tuổi tác, Bằng Việt hôm nay vẫn là một người tràn đầy dự định và khao khát sáng tạo không ngưng nghỉ. Mong cho ông luôn giữ được sức khỏe, khả năng tư duy trí tuệ bền bỉ và sức dẻo dai, sự năng động trong cảm xúc, để có thể thực hiện được trọn vẹn những dự định chưa bao giờ vơi cạn của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.