Sáng 26/12, tại Hà Nội, Viện Khảo cổ học và TT Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khảo cổ học Trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2012.
Hiện trường khai quật, thăm dò khảo cổ Trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2012. (Ảnh: HN) |
Việc tiếp tục nghiên cứu khu Di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được thực hiện theo khuyến nghị của UNESCO cũng như khuyến nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm làm rõ thêm giá trị của Di sản. Theo đó, năm 2012, Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật 500m2, khu vực phía Bắc Đoan Môn.
Theo kết quả khai quật, cấu tạo địa tầng gồm các lớp: Lớp hiện đại dày từ 0 cm đến 50 cm; Lớp văn hóa thời Nguyễn, dày 60 cm, đất có màu nâu có chứa nhiều di vật khảo cổ học như gạch vồ màu xám, đồ sành, đồ gốm có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20; Lớp văn hóa thời Lê, dày 55 cm đến 60 cm, toàn bộ lớp văn hóa này có hai lớp nhỏ hơn bao gồm lớp đất thời Lê trung hưng dày 35 cm, lớp đất thời Lê sơ dày 30 cm; Lớp văn hóa thời Lý – Trần, dày 3,54m, trong lớp văn hóa này xuất hiện các dấu tích kiến trúc thời Trần chồng lên dấu tích kiến trúc thời Lý.
Qua quá trình khai quật các nhà khoa học đã phát hiện dấu tích kiến trúc thời Lý gồm: đường nước xây bằng gạch vuông, gạch bìa, cọc gỗ chạy suốt chiều Đông – Tây của hố khai quật rộng 2m cao 2m; dấu tích móng tường chạy song song với đường nước theo chiều Đông – Tây, rộng 1,6m. Dấu tích kiến trúc thời Trần gồm: dải trang trí “hoa chanh” nằm trên móng tường thời Lý; hệ thống cống thoát nước gồm có hai nhánh chạy dọc theo hướng Bắc – Nam và Đông – Tây nằm trên đường nước thời Lý đổ trực tiếp xuống đường nước thời Lý; dấu tích bó nền dài 4,7m; dấu tích 2 loại móng trụ. Dấu tích kiến trúc thời Lê gồm: nền gạch vuông và gạch vồ; dấu tích nền gạch vồ màu xám và màu đỏ đã xuất lộ từ khu vực nền điện Kính Thiên đến Đoan Môn. Dấu tích kiến trúc thời Nguyễn: cống thoát nước dài 2m rộng 1,1m gồm có 2 thành cống được xếp bằng đá xanh và gạch vồ xám.
Với những phát hiện này, các nhà khoa học đã đưa ra một số nhận xét ban đầu cho các di tích khảo cổ tại các hố thăm dò năm 2012. Các kết quả khảo cổ một lần nữa cho thấy tại vị trí trung tâm trên đúng Trục trung tâm tầng văn hóa Thăng Long – Hà Nội rất dày ở độ sâu từ 0,50m đến 4,20m gồm các lớp văn hóa từ thời Lý đến thời Nguyễn đan xen, chồng xếp lên nhau; tiếp tục khẳng định sân nền gạch vồ lát từ khu vực Đoan Môn có dấu tích xuất hiện lan rộng trên toàn bộ không gian rộng lớn từ Đoan Môn đến phía trước nền điện Kinh Thiên; làm rõ hơn cấu trúc móng của ngự đạo thời Lê; làm rõ được quá trình xây móng tôn nền sân Đại triều thời Lê sơ ở bên dưới lớp sân gạch vồ; tìm thấy dấu tích kiến trúc của hai thời kỳ khác nhau trong thời kỳ Trần chồng lên nhau; lần đầu tiên tìm thấy dấu tích kiến trúc thời Lý đích thực ở khu vực Bắc Đoan Môn.
GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: Các nghiên cứu khảo cổ học tại đây sẽ góp phần rất quan trọng trong việc cung cấp các nhận thức mới về không gian của các Chính điện trong Hoàng thành Thăng Long, góp phần khẳng định hay phủ định những vấn đề đang còn là các giả thiết khoa học.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cũng đang hướng tới việc nghiên cứu hoàn trả không gian chính diện Kinh Thiên thời Lê sơ, nghiên cứu làm rõ hơn dấu tích không gian chính diện thời Lý và thời Trần.
Hiện nay, các di tích được các nhà khảo cổ học gấp rút chỉnh lý, định vị theo tọa độ quốc gia và tọa độ Hoàng thành Thăng Long. Sau khi xử lý xong hiện trường, theo thông lệ, trong khi chờ đợi kế hoạch, lộ trình nghiên cứu và bảo tồn tổng thể Di sản, Viện Khảo cổ học và Trung tâm sẽ phủ giấy Mec Nhật Bản và lần lượt lấp lại toàn bộ hố khai quật theo phương pháp khảo cổ học truyền thống để bảo vệ an toàn cho di tích./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.