Cách đây khoảng 3 tháng, cháu bé 11 tuổi ở huyện Mường La, Sơn La, bị chó cắn vào tay và không được tiêm phòng dại, sau đó cháu bị bệnh dại, tử vong vào ngày 9-4.
Thói quen thả rông, không rọ mõm cho chó, mèo ở nơi công cộng cùng với việc chuyển giao thời tiết nắng nóng là nguy cơ tiềm ẩn gây bùng phát bệnh, dịch dại. (Ảnh: Diệp Anh/TTXVN) |
Ngày 10-4, Sở Y tế tỉnh Sơn La xác nhận có một trường hợp tử vong vào ngày 9-4 do bị chó dại cắn.
Đây là ca tử vong thứ hai vì bệnh dại tại tỉnh Sơn La trong năm 2019, sau trường hợp tại bản Kéo Hỏn, xã Chiềng Công, huyện Mường La do chủ quan không đến cơ sở y tế tiêm phòng theo quy định.
Trường hợp tử vong là cháu Sồng A Nù Tông (sinh năm 2008), người dân tộc Mông, sống tại bản Co Sáy, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu.
Cách đây khoảng 3 tháng, cháu bị chó cắn vào tay và không được tiêm phòng dại. Đến ngày 7-4, gia đình đã đưa cháu vào Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Châu với triệu chứng đau bụng kèm theo nôn.
Sau khi cấp cứu và thấy tình hình bệnh nhân chuyển biến nặng khi đột ngột tiếp xúc với ánh sáng và tiếng ồn đã lên cơn co giật, vật vã kích thích tự cởi, xé rách quần áo, có biểu hiện muốn cào cấu cắn xé những người xung quanh, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Châu đã chuyển cháu lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La.
Tại đây, các bác sỹ hội chẩn cháu bị bệnh dại lên cơn do chó cắn, tiên lượng tử vong. Gia đình đã đưa cháu về nhà và cháu đã tử vong vào ngày 9-4.
Sau khi xác minh vụ việc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La (Sở Y tế tỉnh Sơn La) ghi nhận vẫn còn 16 người bị phơi nhiễm dại cùng với trường hợp tử vong của cháu Sồng A Nù Tông tại địa phương.
Chính quyền và các cơ quan chức năng đang tiếp tục vận động, tuyên truyền những người này đến Trung tâm Y tế huyện Yên Châu để tiêm phòng vắcxin dại.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có gần 1.900 trường hợp phải điều trị dự phòng do bị chó, mèo cắn. Trong số đó, trẻ em dưới 15 tuổi chiếm tỷ lệ lớn và chủ yếu là người dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa.
Bà Nguyễn Thị San - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La cho biết, những năm qua, dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền song nhận thức về phòng, chống bệnh dại của người dân trên địa bàn vẫn còn kém.
Hằng năm vẫn xuất hiện nhiều ca phơi nhiễm dại, tử vong vì lên cơn dại do chủ quan không đến cơ sở y tế tiêm phòng, tự điều trị hay dùng thuốc nam tại nhà.
Bà San khuyến cáo đối với những trường hợp bị chó, mèo cắn cần phải rửa sạch ngay vết thương với nước sạch, nước xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc dung dịch cồn iốt.
Đặc biệt, người bị chó, mèo cắn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn xử lý vết thương, điều trị dự phòng bằng vắcxin, huyết thanh kháng dại.
Thói quen thả rông, không đẹo rọ mõm cho chó, mèo ở nơi công cộng cùng với việc chuyển giao thời tiết nắng nóng là nguy cơ tiềm ẩn gây bùng phát bệnh, dịch dại.
Thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp chủ động phòng, chống bệnh dại, trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền để người dân chủ động đến các cơ sở y tế tiêm phòng khi bị chó, mèo cắn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.