(HNMO) - Ngày 30/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 22/2011/TT-NHNN (Thông tư 22) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 (Thông tư 13) quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Theo đó, Thông tư điều chỉnh hệ số rủi ro đối với một số tài sản có bằng ngoại tệ khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất của việc sửa đổi này là Thông tư 22 hủy bỏ các quy định liên quan tới tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động được quy định tại Thông tư 13 và Thông tư 19. Theo quy định tại Thông tư số 13 (đã được sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19), Tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng nguồn vốn huy động để cấp tín dụng với điều kiện trước và sau khi cấp tín dụng đều đảm bảo tỷ lệ về khả năng chi trả và các tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại Thông tư và việc cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động không được vượt quá tỷ lệ 80% đối với ngân hàng và 85% đối với tổ chức phi tín dụng ngân hàng; việc cấp tín dụng bao gồm các hình thức cho vay, cho thuê tài chính, bao thanh toán, chiết khấu giấy tờ có giá và công cụ chuyển nhượng.
Khi quy định trên ra đời, các tổ chức tín dụng đã có phản ứng mạnh bởi việc sử dụng vốn trên số vốn huy động của nhà băng giảm sút, đưa chi phí vốn tăng, làm lãi suất cho vay cao.
Như vậy, từ ngày thời điểm Thông tư mới có hiệu lực (1/9), các ngân hàng sẽ được cho vay quá 80% vốn huy động.
Sự điều chỉnh trên sẽ giúp việc luận chuyển vốn hiệu quả giữa thị trường 1 và thị trường 2, giữa các ngân hàng dư thừa và thiếu vốn, giúp hạ dần lãi suất cho vay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.