Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm góc tiếp cận tác phẩm văn học chương trình phổ thông

Vân Lam| 20/04/2023 16:35

(HNMO)- Chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai năm 2023, ngày 20-4, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức sự kiện giao lưu ra mắt sách “Những miền lưu dấu - cảnh Việt trong văn chương” tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Đây là cuốn artbook tập hợp các đoạn trích hay nhất trong sách giáo khoa chương trình phổ thông viết về cảnh đẹp non sông gấm vóc Việt Nam do các họa sĩ hiện đại sáng tác.

Cuốn sách bao gồm 35 trích đoạn thơ, truyện ngắn của các tác giả Việt Nam từ trung đại đến hiện đại được giới thiệu trong sách giáo khoa chương trình phổ thông. Vẫn là những tác phẩm nổi tiếng và quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh, nhưng với tranh minh họa, mỗi tác phẩm lại có thêm một góc nhìn, thêm một cách tiếp cận mới. “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân chẳng hạn, thông thường nhắc tới sông là nghĩ đến màu xanh, nhưng bức họa trong cuốn sách “Những miền lưu dấu - cảnh Việt trong văn chương” lại mang đến màu đỏ như miêu tả sự dữ dội của con sông.

35 tác phẩm trong “Những miền lưu dấu - cảnh Việt trong văn chương” dẫn lối người đọc đi đến các miền đất trên khắp dải đất hình chữ S thân yêu qua con chữ và hội họa. Đó là những cảnh đẹp trong văn xuôi như “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, “Dòng sông thơ ấu” của Nguyễn Quang Sáng, “Đảo chìm” của Trần Đăng Khoa, “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, “Hòn đất” của Anh Đức, “Sao sao” của Vũ Hùng..., hay những áng thơ trác tuyệt gợi thanh, gợi hình trong “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm, “Quê hương” của Tế Hanh, “Tây Tiến” của Quang Dũng, “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận, “Dục Thúy Sơn” của Nguyễn Trãi, “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan…


Cảnh sắc Việt đã bước vào văn chương để rồi tiếp tục trở lại trước mắt người đọc qua những bức tranh của gần 30 họa sĩ đương đại với những chất liệu phong phú từ màu nước, acrylic, bột màu, sơn dầu, đến tranh khắc gỗ hay kỹ thuật số.

Phong cách của các họa sĩ cũng hết sức đa dạng, đó là sự lãng mạn của Trương Văn Ngọc, nét ấn tượng của Chu Hồng Tiến, hay đầy hùng tráng của Vũ Xuân Hoàn… Tất cả các họa sĩ đã chuyển hóa ngôn ngữ xúc cảm văn chương thành ngôn ngữ của nghệ thuật thị giác, từ đó làm nên bản hòa tấu ngợi ca vẻ đẹp Tổ quốc.


Bên cạnh việc trải rộng tấm bản đồ cảnh sắc quê hương phong phú và rực rỡ, cho mỗi người đọc thêm yêu và tự hào về đất nước quê hương, cuốn sách góp thêm cho giáo viên và học sinh một cách tiếp cận tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông ở sự giao thoa với các hình thức nghệ thuật khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm góc tiếp cận tác phẩm văn học chương trình phổ thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.