(HNM) - "Tiêu chí xét giải của BGK thuộc về chính cách thể hiện của nhà làm phim. Phim nào nhân văn, có sáng tạo, hấp dẫn thì BGK chọn phim đó"- đạo diễn của những phim "bom tấn", ông Phillip Noyce đã chia sẻ như vậy tại buổi gặp gỡ với báo giới tại LHP quốc tế Việt Nam (VNIFF) lần thứ I.
Trước thềm VNIFF, khá nhiều ý kiến băn khoăn về việc đa số phim tranh giải hướng về giới trẻ, chỉ có Việt Nam ta “đứng” một dòng riêng với 2 phim về chiến tranh và danh nhân văn hóa. Nhưng quan điểm của đạo diễn Phillip Noyce đã hóa giải phần nào lo lắng đó.
Điện ảnh không chỉ dựa vào cốt truyện mà còn là cách kể. Sở dĩ vị đạo diễn khá “kỹ tính” này được thế giới biết tới là bởi khả năng “kể chuyện” một cách tinh tế và nhân văn. Vậy thì cũng không nên mất quá nhiều thời gian cho câu chuyện đề tài, mà nói như đại diện đoàn làm phim “Đôi giày đỏ” trong buổi chiếu ra mắt sáng qua (18-10) là “Hãy xem phim và cảm nhận!”.
Ngay ở các thể loại ít gây “sốt” hơn như phim ngắn và phim tài liệu, các thành viên BGK như Juhani Alanen (Giám đốc LHP Tampere, Phần Lan), Mathieu Poirot, đạo diễn hình ảnh Pháp… cũng không ngần ngại bày tỏ rằng họ tham dự VNIFF với mục tiêu tìm kiếm tài năng điện ảnh mới của châu Á, Việt Nam, chọn những phim hay cho các LHP thế giới…
Đó thực sự là cơ hội vàng cho nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam.
Dù hôm qua, 18-10, mới là ngày thứ hai của VNIFF và việc phát vé cho những đại biểu, phóng viên tham dự hết sức chặt chẽ nhưng không khí đăng ký xem phim vẫn rất sôi động. Công chúng không còn “thấy gì xem nấy” nữa, mà chủ động tìm kiếm những phim hay của những tác giả nổi tiếng.
Bên cạnh các phim tranh giải, đáng chú ý là phim trong hạng mục Điện ảnh thế giới ngày nay cũng rất đắt hàng. “Chuyện tình cây táo gai” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu hấp dẫn với cả báo giới và khán giả. Những phim khó xem như “Khổng Tử” của đạo diễn trẻ người Trung Quốc - Hồ Mai (1982) gây bất ngờ bởi số lượng người đăng ký. Điện ảnh thế giới ngày nay thu hút công chúng nhờ một dòng phim mà khán giả khó có thể được thưởng thức trên hệ thống phim phát hành ngoài rạp, nhờ sự đa dạng trong phong cách thể hiện. Bên cạnh sự hiện diện của những nền điện ảnh quen thuộc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Điện ảnh thế giới ngày nay còn có những tên tuổi mới như Thái Lan, Philippines, Luxembourg, Ba Lan, Venezuela và sự trở lại của những nền điện ảnh một thời gần gũi với khán giả Việt Nam như Nga, Ấn Độ…
VNIFF khép lại sau 3 ngày nữa, sự chia sẻ của đạo diễn Phillip Noyce cũng như bầu nhiệt huyết của người xem có thể sẽ góp thêm động lực cho điện ảnh Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.