(HNM) - Bê bối nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa mới tạm lắng, Mỹ lại tiếp tục phải đối mặt với cơn thịnh nộ từ Paris, khi nhiều tờ báo Châu Âu dẫn tài liệu của trang WikiLeaks, tiết lộ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã tiến hành do thám 3 đời Tổng thống Pháp gồm:
Tổng thống Pháp F.Hollande (giữa) triệu tập cuộc họp với các lãnh đạo an ninh ngay sau khi WikiLeaks tiết lộ bê bối nghe lén. |
Những tiết lộ mới nhất được đăng tải đầu tiên trên nhật báo Pháp Liberation và trang web Mediapart cho rằng, NSA đã do thám các Tổng thống Pháp trong một khoảng thời gian rất dài. Các tài liệu bị tiết lộ gồm tóm tắt các cuộc hội thoại giữa các quan chức Chính phủ Pháp về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tương lai của Liên minh Châu Âu (EU), mối quan hệ giữa chính quyền Tổng thống F.Hollande với Chính phủ của Thủ tướng Đức A.Merkel, những tranh cãi giữa Chính phủ Mỹ và Pháp xung quanh việc Washington do thám Paris... Nguồn tài liệu cũng cho thấy, Tổng thống F.Hollande hồi đầu tháng 5-2012 đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp bí mật xung quanh những hậu quả của việc Hy Lạp rút khỏi Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), cân nhắc việc tái khởi động các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine mà không cần sự can dự của Mỹ. Tờ Liberation cho rằng, để nghe lén điện thoại lãnh đạo Pháp, một đơn vị tình báo đặc biệt chuyên thu thập thông tin (SCS) đã được đặt tại Đại sứ quán Mỹ, ngay Quảng trường Concorde ở Paris. Vị trí này rất thuận tiện vì rất gần Điện Elysée, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Quốc hội Pháp... và nhiều đại sứ quán khác.
Nguồn tài liệu do WikiLeaks cung cấp là một cú sốc không hề nhẹ đối với Pháp. Ngay lập tức, Tổng thống F.Hollande đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các bộ trưởng và những chính trị gia hàng đầu, đồng thời triệu Đại sứ Mỹ đến yêu cầu giải thích. Điều phối viên tình báo quốc gia Pháp Didier Le Bret cũng đã được điều tới Mỹ để làm rõ vụ việc.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ bị lên án vì hành động theo dõi đồng minh. Vào năm 2013, việc cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden lần đầu tiên tiết lộ NSA nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức A.Merkel và hàng triệu người dân Pháp, cả Lục địa già đã "ngã ngửa" khi biết hệ thống tình báo của Washington đã không "tha" ngay cả những quốc gia được cho là bạn bè thân thiết. Sau đó, "Chú Sam" đã phải tốn không ít công sức để giải thích, xoa dịu cơn thịnh nộ từ Cựu lục địa.
Với rắc rối vừa nảy sinh, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã nhanh chóng ra tuyên bố khẳng định NSA không nghe lén và sẽ không nhắm mục tiêu nghe lén vào Tổng thống Pháp theo các cam kết với Paris vào cuối năm 2013. Thế nhưng, theo các nhà phân tích, "ông chủ" Nhà Trắng đã "né" thời điểm giữa năm 2006 và 2012, mà đã bị WikiLeaks đề cập đến. Tức là, Mỹ chỉ không nghe lén đồng minh Pháp từ thời điểm sau năm 2013, sau khi "người thổi còi" Edward Snowden tung các tài liệu mật về chương trình nghe lén điện thoại của NSA, còn thời điểm trước đó thì không được nhắc tới.
Chắc chắn, câu trả lời của Nhà Trắng không đủ làm các đồng minh phía bên kia bờ Đại Tây Dương hài lòng. Đảng Xã hội của Tổng thống F.Hollande đã ban hành tuyên bố bày tỏ sự giận dữ cho rằng việc Mỹ do thám các nhà lãnh đạo nước này là hành động không thể dung thứ. Nhiều chính trị gia Pháp cũng đã gửi thông điệp tới các phương tiện truyền thông lên án hành động mà họ cho là không thể chấp nhận được của Mỹ. Theo giới quan sát, cáo buộc mới về việc Mỹ do thám có thể khiến nước này gặp khó trong việc tranh thủ sự ủng hộ từ Châu Âu trong các vấn đề quốc tế, đúng như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Michele Alliot-Marie đã nói: "Hành động của Mỹ đang làm dấy lên câu hỏi về mối quan hệ tin cậy giữa các đồng minh".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.