(HNM) - Tự điển chữ Nôm lớn nhất từ trước tới nay do NXB KHXH ấn hành, vừa ra mắt công chúng, được giới nghiên cứu đánh giá rất cao. GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng, chuyên gia đầu ngành ngôn ngữ học đã chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới về công trình tâm huyết của mình.
- Đã có một số cuốn tự điển chữ Nôm gây chú ý trong giới nghiên cứu. Công trình này có gì mới, khác so với trước đây, thưa giáo sư?
- Các cuốn tự điển chữ Nôm trước đây, kể cả bộ do chính tôi chủ biên (Tự điển chữ Nôm - NXB Giáo dục, 2006) đều được hoan nghênh. Nhưng, sau đó không lâu tôi vẫn chưa yên tâm về những gì đã có, trăn trở về việc phải làm điều gì đó tốt hơn. Đó là lý do cho sự ra đời của công trình này. Có thể thấy những điểm mới là: Dung lượng lớn hơn, số chữ nhiều hơn, gồm hai tập, dày 2.323 trang, sưu tầm 9.450 chữ Nôm trên vốn tư liệu từ 124 tác phẩm và văn bản khác nhau. Thứ hai, chất lượng cao hơn về mọi mặt, phân tích chữ, giải nghĩa, phiên âm, dẫn những câu tương đối tiêu biểu cho từng chữ một. Năm 2008, tôi đã xuất bản cuốn "Khái luận văn tự học chữ Nôm" (NXB Giáo dục), công trình này sử dụng khung lý thuyết của chuyên luận đó. Về cách trình bày, "Tự điển chữ Nôm dẫn giải" giúp người xem dễ tra cứu hơn hẳn.
Tập 1 và 2 “Tự điển chữ Nôm dẫn giải”. |
- Giáo sư có thể nói rõ hơn về ý nghĩa công trình này?
- Chữ Nôm là di sản văn hóa lâu đời của dân tộc, từ thế kỷ XII trở lại đây, thể hiện qua những tác phẩm quý giá. Ví dụ như "Truyện Kiều" của Nguyễn Du và rất nhiều tác phẩm mà các em học sinh biết đến như thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến… Giờ đây, trong sách giáo khoa, các tác phẩm đó đều được thể hiện bằng chữ quốc ngữ. Có lần tôi đã từng kiến nghị rằng, bên cạnh chữ Quốc ngữ thì trong sách giáo khoa nên in thêm phần nguyên bản chữ Nôm để người dạy, người học tham khảo. Chúng ta cần giúp cho các em học sinh và mọi người biết rằng cha ông đã sáng tạo nên một thứ di sản văn tự như thế và đã dùng nó làm nên những tác phẩm bất hủ cho nền văn học Việt Nam.
- Với dung lượng lớn của công trình này, theo giáo sư, khả năng ứng dụng của nó như thế nào?
- Chúng ta có thể dựa vào đó để học chữ Nôm. Hiện nay ta ít mở lớp dạy chữ Nôm, chủ yếu dạy chữ Hán. Sau khi học được một vốn chữ Hán, người học có thể căn cứ vào tự điển để tự học chữ Nôm. Bản thân tôi không học chữ Nôm ở trường nào hết, mà tự học. Tôi tin cuốn sách sẽ giúp ích rất nhiều cho các em ham mê tìm hiểu văn hóa dân tộc. Còn ở các địa phương, nơi đình, chùa, miếu mạo vẫn còn nhiều câu đối chữ Nôm chứ không chỉ chữ Hán như nhiều người đến tham quan vẫn tưởng. Nếu ở những nơi đó có sách để những người quản lý, trông nom di tích cũng như đến tham quan tìm hiểu, tra cứu thì cũng rất tốt.
Xây dựng công trình này, tôi nỗ lực để cuốn tự điển phản ánh không chỉ về chữ Nôm mà cả tiếng Việt trong quá khứ. Có nhiều chữ và tiếng mà giờ đây ta không hiểu, hoặc ít dùng, nên có nhu cầu tra cứu. Về văn học thì trong cuốn sách này có trích dẫn nhiều tác phẩm danh tiếng, có giá trị của người xưa, hay các tục lệ văn hóa của cha ông ta... Như vậy, không chỉ là chữ Nôm, cuốn tự điển có thể phản ánh bộ mặt văn hóa chung trong quá khứ của người Việt Nam chúng ta.
- Thưa giáo sư, ông có nhận được sự tài trợ, giúp đỡ nào để hoàn thành khối lượng công việc lớn như vậy?
- Về cuốn sách, tôi đã nghĩ trong nhiều năm; việc biên soạn mất 7 năm. Trong quá trình này, tôi không xin tài trợ của nhà nước hay một cơ quan, tổ chức nào. Đương nhiên phải có sự giúp đỡ rất nhiều về tư liệu của các đồng nghiệp. Chỉ có việc in ấn là tôi không tự lực được, vì để in 1.000 cuốn thì phải có gần 400 triệu đồng. May sao, Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm đã tài trợ cho 15.000 USD và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tài trợ thêm 3.600 USD nữa, đủ để NXB KHXH có thể ấn hành công trình này.
- Nhiều ý kiến chuyên môn đánh giá công trình này là đồ sộ, hoành tráng. Suy nghĩ của giáo sư thế nào?
- Thực ra tôi không thích chữ đồ sộ, với tôi mọi cái đều như nhau. Các công trình mà tôi thực hiện và giới thiệu đến bạn đọc trong và ngoài giới chuyên môn, tôi đều yêu như nhau vì đều là con của mình cả.
- Chân thành cảm ơn giáo sư!
PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh - Tổng Biên tập Tạp chí Hán Nôm: Để thực hiện công trình này, GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng đã có một quá trình tích lũy sâu qua những năm hướng dẫn nghiên cứu sinh về chữ Nôm và khi chủ biên cuốn "Tự điển chữ Nôm" xuất bản năm 2006. GS đã đưa ra cấu trúc hình thể, cấu trúc chức năng, cấu trúc chiều sâu, môi trường hình thức… của chữ Nôm mà chưa ai có được, để xây dựng cuốn sách này. Một công trình lao động phi thường mà chúng tôi và lớp trẻ cần học tập. TS Trần Trọng Dương - Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Đối với tôi cuốn sách của GS Nguyễn Quang Hồng là một mốc dấu quan trọng. Làm nghiên cứu đã nặng, làm tự điển lại càng nặng. Ở đây có thể tìm thấy lịch sử một con chữ, lịch sử của một ngữ tố tiếng Việt và chúng ta có thể thấy cả lịch sử văn hóa Việt nữa. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.