(HNM) - Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương triển khai đề án
Lợi ích của đề án này là người dân có thể lập tức phản ánh việc chậm giải quyết, gây khó khăn của đội ngũ cán bộ, công chức khi giải quyết TTHC. Điều đó cũng có nghĩa, cơ quan hành chính nhà nước sẽ có công cụ giám sát, quản lý hiệu quả.
Tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” quận Tây Hồ. Ảnh: Bảo Kha |
Hiện nay, mỗi ngày các cơ quan hành chính nhà nước tiếp nhận khoảng 600.000 giao dịch hành chính từ người dân và tổ chức. Tuy nhiên, các chủ thể trên lại gần như không biết tình hình giải quyết TTHC của mình đến đâu, có vướng mắc hay không và bao giờ có kết quả. Cho dù người dân và tổ chức đều nhận được giấy hẹn trả kết quả của cơ quan hành chính nhà nước, nhưng thực tế có quá nhiều trường hợp không được trả kết quả đúng hẹn. TS Lê Vệ Quốc, chuyên viên Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) cho biết: Các cơ quan, bộ, ngành và địa phương chỉ nhận được 1.692 phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, trong đó các bộ, ngành tiếp nhận 787 phản ánh, kiến nghị và các địa phương tiếp nhận 905 phản ánh, kiến nghị. Con số này là quá thấp, không phản ánh đúng thực tế bức xúc của người dân. Nguyên do vì người dân không thể biết, không có cơ chế để theo dõi TTHC của mình có được giải quyết hay không và giải quyết chậm thì phản ánh ở đâu, như thế nào? Đó là một nguyên nhân làm người dân, tổ chức thiếu niềm tin vào cơ quan hành chính nhà nước.
Bên cạnh đó, việc báo cáo, thống kê, cập nhật dữ liệu, thông tin về công tác kiểm soát TTHC chưa được điện tử hóa và áp dụng chung cho toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Người dân, tổ chức chưa được thể hiện vai trò làm chủ của mình thông qua việc giám sát toàn bộ quá trình xử lý công việc của các cơ quan hành chính nhà nước liên quan đến cá nhân, tổ chức dẫn đến xảy ra tình trạng tùy tiện, thiếu trách nhiệm ở một bộ phận cán bộ, công chức. Điều đó cho thấy đang thiếu một hệ thống thông tin tổng thể đóng vai trò là công cụ hỗ trợ cho công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị cũng như giải quyết TTHC. Hệ thống này cần thống nhất, tập trung, trực tiếp trên phạm vi toàn quốc.
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan cũng cho rằng: Tuy đã có cơ sở pháp lý nhưng chúng ta chưa có công cụ để người dân có thể phản ánh, kiến nghị TTHC đến cơ quan chức năng. Vì vậy, đề án "Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền" chính là công cụ để người dân phản ánh, kiến nghị cũng như biết được TTHC của mình đang nằm giai đoạn nào, bao giờ có kết quả chính thức… Dự kiến, hệ thống sẽ có khoảng 50.000 người sử dụng để nhập số liệu trực tiếp và khoảng 10 triệu dân, tổ chức tham gia truy cập tìm kiếm thông tin. Hệ thống sẽ đáp ứng được tối thiểu 600.000 giao dịch hồ sơ thụ lý dịch vụ công hằng ngày và cập nhật hồ sơ TTHC, hồ sơ văn bản có quy định về TTHC của khoảng 600 cán bộ, công chức làm công tác kiểm soát TTHC.
Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương sẽ tạo thuận lợi để đề án được triển khai, thực hiện. Tuy nhiên, đây là việc liên quan đến nhiều cấp, ngành nên rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị. Trước tiên, cần phải chú ý đến việc đầu tư, sử dụng hạ tầng kỹ thuật chung, bảo đảm sự đồng bộ, xuyên suốt, tránh chồng chéo. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, riêng phần hạ tầng của hệ thống phải hoàn thành trước tháng 5-2015; cổng thông tin điện tử cơ quan nhà nước và mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ phải hoàn thành trong năm 2016. Do vậy, các cơ quan, đơn vị phải rất khẩn trương vào cuộc để hoàn thành nhiệm vụ.
Theo các chuyên gia, cùng với việc xây dựng hạ tầng, cần tính đến việc xây dựng quy định, chế tài, làm sao để cơ quan hành chính nhà nước phải cập nhật thông tin, tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về TTHC của người dân; đồng thời, phân công rõ trách nhiệm ai là người tiếp nhận thông tin, chuyển thông tin đến cơ quan chức năng để giải quyết, nếu xảy ra sai sót việc xử lý như thế nào... Theo ông Lê Quốc Hữu, đại diện Tập đoàn FPT: "Phải tính toán kỹ lưỡng xem các thông tin về TTHC đã giao dịch cần lưu trữ trong bao nhiêu năm, khi mà mỗi năm chúng ta có tới hơn 50 triệu giao dịch TTHC". Ông Hoàng Thanh Phúc, đại diện Công ty HIPT lại băn khoăn về việc cung cấp thông tin và sẵn sàng cung cấp thông tin ở cơ quan hành chính nhà nước, bởi đây là vấn đề không đơn giản, đã đề cập nhiều nhưng chưa thay đổi được.
Ngoài ra, nhiều ý kiến tâm huyết cũng cho rằng, đề án cần cân nhắc xem sẽ cung cấp kết quả giải quyết TTHC chung theo nhóm hay cung cấp tới từng trường hợp cụ thể? Và, hiện có 11.000 xã… thì cấp xã có được thụ hưởng lợi ích từ đề án này không?... Đó là những vấn đề mà Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì triển khai đề án cần tính toán kỹ lưỡng để khi "Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền" đi vào hoạt động sẽ mang lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.