Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm “chất men” cho sáng tạo

Tú Nhi| 12/10/2013 07:45

(HNM) - Nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và tham gia nhiệt tình, hoạt động đi thực tế sáng tác của các cây bút văn chương trẻ đang ghi được một số thành quả ban đầu khả quan.

Đoàn nhà văn, nhà thơ trẻ đi thực tế tại Cao Bằng.



Hiệu quả ban đầu

Tham dự các chuyến đi thực tế trong thời gian qua do Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, các nhà văn, nhà thơ trẻ từ nhiều tỉnh, thành, ngành, nghề khác nhau đã có chung niềm hứng thú khi lần đầu được thâm nhập, trở lại những vùng đất cách mạng, vùng văn hóa ở các tỉnh Hà Giang, Ninh Bình, Bắc Ninh. Mới đây nhất là chuyến đi bốn ngày qua ba tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, từ ngày 26 đến 29-9.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Trưởng ban Nhà văn trẻ nhận xét: Những chuyến đi thực tế của các bạn trẻ hiện nay, do điều kiện tổ chức, đặc thù công việc của mỗi người, không thể kéo dài ngày. Nhưng lòng nhiệt tình của địa phương nơi đến, sự hăng hái của các cây viết trẻ, cùng lịch trình luôn được xếp kín, không quản ngại xa xôi, mỏi mệt, các cây bút đã thu hoạch được nhiều thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc sáng tác. Hầu hết các tác giả, sau khi đi thực tế trở về đã có được những bài báo, bút ký, ghi chép kịp thời hay những chùm thơ tâm đắc, được đăng tải rộng rãi. Những chuyến đi còn lưu lại nhiều tình cảm đẹp qua các cuộc giao lưu với các nhà văn, nhà thơ của các tỉnh, các đồn biên phòng Đồng Văn - Hà Giang, Đàm Thủy - Trùng Khánh - Cao Bằng… và sinh viên Trường ĐH Ninh Bình, Trường Sĩ quan chính trị Bắc Ninh,

Đặc biệt, tại các địa phương, hiệu quả ban đầu thấy rõ với những phản hồi tích cực từ những cơ sở, địa chỉ nơi các cây bút đi thực tế. Nhà thơ Huyền Minh, Trưởng phòng Biên tập xuất bản Tạp chí Văn học nghệ thuật Hà Giang, từng đưa các đồng nghiệp từ Hà Nội lên thực tế cao nguyên đá và biên giới Hà Giang trong cái lạnh cắt da cho biết, nhiều tác phẩm được sáng tác sau đó, đăng tải trên tạp chí và một số báo chí khác tại Hà Nội, rồi còn đưa vào in sách, được nhiều bạn đọc ở Hà Giang đón nhận, trong đó, nhiều chiến sĩ biên phòng rất hoan nghênh.

Phải chắp cánh hơn

Những hiệu quả ban đầu trên cho thấy sự phù hợp và khả năng phát huy của hoạt động đi thực tế sáng tác cho các cây bút trẻ trong điều kiện hiện nay. Ban đầu, khi lên ý tưởng, những người làm tổ chức vẫn lo các hoạt động có tính chất "lãng mạn dông dài" như đi thực tế để khơi gợi, nuôi giữ cảm hứng, xây dựng ý tưởng cho công việc sáng tác sẽ khó tồn tại lâu trong nhịp sống gấp gáp hiện nay. Ngay mỗi tác giả cũng phải gồng gánh nhiều công việc, nhiệm vụ khác nhau, không phải lúc nào cũng sắp xếp được thời gian để dự những chuyến đi thực tế. Nhưng khi các chuyến đi được tổ chức, các tác giả vẫn dành cho hoạt động này sự hăng hái, nhiệt tình.

Cây bút Hoàng Anh Tuấn, công tác trong ngành công an Lào Cai, lần đầu tiên đi thực tế theo lời mời của Ban Nhà văn trẻ cho rằng, một chuyến đi như vậy, với người "ở xa trung tâm" như anh, giống như một sự "truyền lửa", giúp gặp gỡ, trao đổi với nhiều cây bút đồng nghiệp và khích lệ niềm say mê sáng tác. Kết thúc chuyến đi thực tế mới đây, nhà thơ Trần Hùng, Phó Chủ tịch tỉnh Cao Bằng và nhà văn Đoàn Lư, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Cao Bằng cho biết, sẵn sàng đón chào các cây bút trẻ tiếp tục về thực tế, tìm hiểu, sáng tác tại địa phương. Được biết, tại Gia Lai, từ lâu nhà thơ Văn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã liên hệ, lên kế hoạch, sẵn sàng đón đoàn các cây bút trẻ vào thực tế để cảm nhận không khí, bản sắc buôn làng Tây Nguyên…

Hiệu quả đã rõ, sự vào cuộc của các cây viết trẻ cũng rất nhiệt tình nên chăng Ban Nhà văn trẻ cần tạo sự kết nối rộng rãi hơn với các hội văn học nghệ thuật tỉnh, thành trong cả nước để có thể mời thêm được nhiều hơn nữa những gương mặt tác giả trẻ vào các chương trình đi thực tế. Và ngoài các tác giả trẻ tham gia đi thực tế, những người tổ chức còn phải mời gọi được sự hưởng ứng của những cây bút trẻ tại chính các địa bàn thực tế. Ngoài những giờ phút rong ruổi, thâm nhập cuộc sống nơi đến cũng rất cần có thêm những cuộc trao đổi, tọa đàm xung quanh các vấn đề về quan niệm, nghiệp vụ, kinh nghiệm sáng tác… giữa các cây bút trẻ trong và ngoài địa phương. Nhà thơ Dương Khâu Luông, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn cho rằng, thêm nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi về chuyên môn sẽ góp phần nâng cao năng lực thẩm định, sáng tác cho các cây bút trẻ ở trong tỉnh. Còn nhà văn Nguyễn Đình Tú, Phó ban Nhà văn trẻ cũng hy vọng, mỗi dịp đi thực tế của các nhà văn, nhà thơ trẻ sẽ là một dịp gợi mở các sáng kiến, tạo thêm chất xúc tác cho hoạt động nghề nghiệp đối với hội văn học nghệ thuật và các cây bút ở địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thêm “chất men” cho sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.