Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thế vận hội mùa đông Sochi 2014: Dấu ấn của nước Nga

Quỳnh Chi| 10/02/2014 06:18

(HNM) - Nếu như 7 năm trước, không ít người tỏ thái độ ái ngại khi Tổng thống Nga Vladimir Putin lựa chọn Sochi là địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa đông 2014 thì sau đêm khai mạc 7-2 vừa qua, những nghi ngại như vậy đã bị dập tắt hoàn toàn.


Với màn biểu diễn mang nhiều ý nghĩa, đậm chất sử thi, khéo léo tái hiện dòng chảy lịch sử hào hùng của nước Nga bằng những kỹ xảo hiện đại, nhưng vô cùng tinh tế và không bị cuốn vào công nghệ, không ít ý kiến cho rằng Olympics Sochi đã mang lại niềm tự hào cho nước Nga như họ từng làm trong Thế vận hội Mátxcơva năm 1980 - thời kỳ hoàng kim của Xứ sở Bạch dương.

Nữ hoàng quần vợt Nga Maria Sharapova rước đuốc tại lễ khai mạc.


So sánh Sochi ở hiện tại với thời điểm cách đây 7 năm, nhiều người đã phải thốt lên rằng, chỉ có nước Nga mới có thể làm nên những thay đổi kỳ diệu đến như vậy. Dù là khu du lịch biển mùa hè lớn nhất và bận rộn nhất của đất nước, song khi Nga giành quyền đăng cai Olympics mùa đông 2014, cơ sở vật chất hạ tầng dành cho thể thao ở thành phố được mệnh danh là "viên ngọc trai Biển Đen" này vẫn gần như là con số không. Thế nhưng, chỉ trong vòng 7 năm, đã có hơn 400 công trình được xây dựng. Số tiền được ban tổ chức công bố cho kỳ Thế vận hội mùa đông thứ 22 đã lên tới trên 50 tỷ USD. Con số này vượt qua mức 40 tỷ USD mà Trung Quốc chi cho Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008 và gấp ba lần Olympics London 2012. Tính trung bình, mỗi nội dung thi đấu tại Olympics Sochi có giá 520 triệu USD.

Tuy nhiên, kinh phí chưa phải là vấn đề thu hút nhiều nhất sự quan tâm. Song song với các cuộc tranh tài tại Olympics Sochi 2014, một cuộc đấu khác vô cùng quyết liệt đang diễn ra giữa những kẻ khủng bố đang tìm cách phá vỡ Thế vận hội và lực lượng an ninh Nga - có nhiệm vụ ngăn chặn kế hoạch tấn công của khủng bố. Ai cũng biết Sochi chỉ cách vùng Bắc Caucasus vài trăm kilômét, nơi các nước CH Dagestan, Chechnya và Ingushetia thuộc Nga đều là tâm điểm của cuộc chiến ly khai đẫm máu từ nhiều năm qua. Trên thực tế, những kẻ khủng bố đã tiến hành chiến tranh với nước Nga, ngay sau khi Liên Xô tan rã. Mục tiêu của cuộc chiến này không còn là cuộc đấu tranh giành độc lập cho một khu vực cụ thể ở khu vực Caucasus mà là cuộc chiến nhằm thiết lập một "Vương quốc Hồi giáo Caucasus" dựa trên luật Shariah. Và Olympics Sochi 2014 đã bị các phần tử khủng bố coi là mục tiêu tấn công ưu tiên hàng đầu. Các vụ đánh bom gần đây ở Volgograd, và Pyatigorsk ở Bắc Caucasus cướp đi 30 sinh mạng là một phần nỗ lực nhằm gửi đi thông điệp về việc người Nga thiếu khả năng tự vệ và khiến cho phần còn lại của thế giới xa lánh Sochi. Tuy nhiên, việc lựa chọn tổ chức một trong những sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh tại đây cho thấy, nước Nga sẵn sàng đương đầu với bất cứ thách thức nào.

Bằng chứng là, Chủ tịch Ủy ban Olympics quốc tế (IOC) Thomas Bach, một trong những người đầu tiên đến Sochi đã đánh giá cao công việc chuẩn bị và cho rằng Sochi 2014 có thể sẽ là Thế vận hội xuất sắc nhất trong lịch sử Olympics. "Chúng tôi đã chứng kiến tất cả những gì mà nước Nga đã đạt được trong những năm gần đây. Các bạn đã làm mọi thứ cần thiết cho các vận động viên. Các bạn đã hoàn thành tất cả các cam kết được tuyên bố với Ủy ban Olympics Quốc tế cách đây 7 năm. Chúng tôi cảm ơn các bạn vì thành tích xuất sắc này". Nhận xét của ông Thomas Bach đã nhận được không ít sự đồng tình của dư luận quốc tế. Ngay cả phe đối lập tại Nga cũng như nhiều thế lực vốn không có thiện chí với Tổng thống V.Putin vì chi phí mà Điện Kremlin trang trải cho Sochi 2014 cũng phải thừa nhận thành công bước đầu của Thế vận hội mùa đông mà Nga đăng cai.

Đối với Tổng thống V.Putin và đồng minh của ông, Thế vận hội lần này là thắng lợi lớn của tinh thần Nga. Những lời phê bình từ việc không chuẩn bị đủ khách sạn, đến những khoản đầu tư khổng lồ, vấn đề an ninh và nhân quyền, tất cả đều như "bông tuyết bị phủi khỏi chiếc áo khoác mùa đông. Với những nỗ lực vượt bậc trong thời gian ngắn, nước Nga không chỉ muốn thế giới nhớ tới Sochi mà hơn hết, xứ sở Bạch dương muốn biến Sochi thành một sự kiện thể thao ấn tượng và ý nghĩa nhất trong lịch sử, qua đó khẳng định vị thế đang vươn lên mạnh mẽ của nước Nga.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thế vận hội mùa đông Sochi 2014: Dấu ấn của nước Nga

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.