(HNM) - Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, đã tác động lớn đến hoạt động tập luyện và thi đấu của các vận động viên thành tích cao trên cả nước. Dù vậy, trong những tháng cuối năm 2021 đã có hàng chục giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia được tổ chức. Việc này cho thấy sự cố gắng của ngành Thể dục - Thể thao khi thích ứng linh hoạt trong mọi hoàn cảnh, nỗ lực đưa các giải đấu trở lại trong điều kiện “bình thường mới”, giúp cho đời sống thể thao “khởi sắc” và hoàn toàn có thể tự tin vào tương lai.
“Phá băng” các giải đấu đỉnh cao
Sau gần 7 tháng các giải đấu bị "đóng băng" do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong vòng ba tháng cuối năm 2021, hàng ngàn vận động viên đã được tham gia thi đấu ở các giải đấu đỉnh cao của các môn: Bóng đá, cờ, bóng bàn, bơi lặn, quần vợt, taekwondo, pencak silat, vật, điền kinh... được tổ chức, giúp cho đời sống thể thao của Việt Nam sôi động trở lại.
Ngay trong tháng 11-2021, sự kiện thể thao đáng chú ý đầu tiên được tổ chức trong điều kiện “bình thường mới” tại Việt Nam là trận đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, diễn ra trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Sau gần 2 năm đóng cửa, Sân vận động quốc gia Mỹ Đình đã mở cửa đón khoảng 12.000 khán giả (30% công suất khán đài) vào sân cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo thi đấu với đội tuyển bóng đá Nhật Bản, đánh dấu sự trở lại của thể thao thành tích cao.
Giải vô địch Cờ vua xuất sắc quốc gia 2021 diễn ra trong tháng 11-2021, cũng là giải thể thao thành tích cao đầu tiên cùng với bóng đá được tổ chức, sau khi cả nước thực hiện quy định “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đã kết thúc an toàn tại tỉnh Quảng Ninh. Trên địa bàn Hà Nội, Giải điền kinh vô địch quốc gia năm 2021 vào tháng 12-2021, được tổ chức thành công trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình là giải đấu thể thao thành tích cao đầu tiên, ngoài bóng đá, được tổ chức trên địa bàn thành phố...
Theo Phụ trách bộ môn điền kinh (Tổng cục Thể dục - Thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, nếu chỉ tập luyện mà không có thi đấu, thì vận động viên không thể nâng cao được trình độ. Còn theo Phó Tổng Cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn, dù rất khó khăn, song ngành Thể dục - Thể thao đã cố gắng tổ chức các giải đấu này trong điều kiện bình thường mới, vừa giúp các bộ môn hoàn thành chỉ tiêu của năm, vừa tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng vận động viên củng cố trình độ chuyên môn, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu ở tất cả các cấp độ, đội tuyển.
Trong khi đó, vận động viên đội tuyển điền kinh quốc gia Nguyễn Thị Oanh chia sẻ: “Việc giành Huy chương vàng tại Giải điền kinh vô địch quốc gia vừa qua giúp tôi biết được phong độ của mình đến đâu. Từ đó, tôi tiếp tục nỗ lực tập luyện, chỉnh sửa thiếu sót để hướng tới mục tiêu giành Huy chương vàng tại SEA Games 31, được tổ chức ở Việt Nam”.
Cùng với bóng đá, cờ vua, điền kinh, bơi lội, quần vợt…., còn có hàng chục giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia được tổ chức trong 2 tháng cuối năm. Phó Tổng Cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn cho rằng, việc tổ chức các giải đấu trong thời điểm này là sự nỗ lực rất lớn đối với Ban Tổ chức, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, đòi hỏi toàn bộ các đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ khi tham gia tổ chức và có kế hoạch chi tiết thực hiện các nhiệm vụ trước, trong và sau giải đấu.
Duy trì phong độ nhưng phải an toàn
Theo Phó Tổng Cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn, việc tổ chức các giải đấu thể thao là cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, duy trì phong độ cho các vận động viên, nhưng vẫn phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài... và những người tham gia giải đấu. Thế nhưng, để thực hiện được “mục tiêu kép” này là nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với ngành Thể dục - Thể thao trong điều kiện dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp.
Tổng Thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (Tổng cục Thể dục - Thể thao) Đoàn Thanh Tùng cho rằng, bài học rút ra từ việc tổ chức giải là Ban Tổ chức các giải đấu, thành viên tham dự cần thực hiện theo quy trình “bong bóng khép kín” cũng như tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh. Giải Quần vợt vô địch quốc gia - Cúp Hanaka 2021 là một trong những giải đấu được tổ chức theo hình thức này và đã diễn ra an toàn. Giải đấu đánh dấu sự trở lại của quần vợt Việt Nam, sau hơn nửa năm phải tạm dừng vì dịch Covid-19, được tổ chức thi đấu tập trung tại cụm sân quần vợt Hanaka Paris Ocean Park, phường Đồng Nguyên, thành phố Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh).
“Bên cạnh việc thực hiện nguyên tắc "5K", khai báo y tế đầy đủ, có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong thời hạn 72 giờ, trước khi đến địa phương đăng cai tổ chức giải, có giấy chứng nhận tiêm vắc xin phòng Covid-19… Các thành viên tham dự giải thực hiện ăn nghỉ tập luyện, tập trung, hạn chế tối đa tiếp xúc bên ngoài, thực hiện "một cung đường, hai điểm đến" giữa khách sạn - nhà thi đấu…”, ông Đoàn Thanh Tùng nói.
Còn theo Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục - Thể thao) Hoàng Quốc Vinh, phương án tổ chức các giải đấu theo hình thức “bong bóng khép kín” là phương án khả quan nhất hiện nay, vừa duy trì hoạt động chuyên môn, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 một cách tối đa nhất có thể.
“Hình thức này đã được Ban Tổ chức Giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam áp dụng cho các trận đấu của giải diễn ra tại Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Ở thời điểm nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hàng trăm thành viên dự giải đã tập luyện, thi đấu gần 40 trận với tiêu chí "tập trung cách ly". Nhờ những biện pháp triệt để được thực hiện nghiêm túc mà hàng trăm thành viên trên đều an toàn tuyệt đối trong quãng thời gian kéo dài tới hơn 2 tháng”, ông Hoàng Quốc Vinh chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn cho biết, khi tổ chức các giải đấu theo hình thức khép kín, các bộ phận tham gia được quy định rõ chức năng, nhiệm vụ. Ngoài ra, giai đoạn tổ chức cũng được lên phương án cụ thể, các bộ môn phải phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp ở địa phương đó để xây dựng những kịch bản chi tiết cho từng công đoạn, như đưa đón vận động viên, di chuyển, bố trí các khu vực tập luyện riêng của từng đội, tổ chức trao giải...
Có thể thấy rằng, việc tổ chức thành công các giải đấu thể thao ở thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không chỉ giúp ngành Thể dục - Thể thao duy trì được hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng của thể thao thành tích cao, mà còn là bước đệm, tập dượt để tổ chức tốt Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) diễn ra tại Việt Nam vào tháng 5-2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.