(HNM) - Phát triển cây dược liệu là một trong những chiến lược nhằm định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ngành Nông nghiệp, mang lại cơ hội tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, thế mạnh này đang bị bỏ ngỏ.
Hiện cả nước có hơn 3.900 loài cây thuốc, tuy nhiên mới chỉ có 10% đang được trồng và khai thác, số còn lại vẫn ở dạng mọc tự nhiên. Theo khảo sát mới đây của ngành Nông nghiệp tại một số vùng đang sản xuất cây dược liệu thì giá trị kinh tế của loại cây này cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác, thậm chí, gấp từ 5 đến 10 lần trồng lúa. Đơn cử như trồng atiso cho thu nhập từ 60 đến 80 triệu đồng/ha/năm; đương quy cho thu nhập từ 90 đến 100 triệu đồng/ha/năm, trong khi cây lúa chỉ từ 20 đến 40 triệu đồng/ha/năm.
Một trong những người tiên phong trồng và khai thác nguồn cây dược liệu tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), chị Nguyễn Thanh Tuyền chia sẻ: Chị đã thuê đất và cùng nông dân xã Bắc Sơn (Sóc Sơn) xây dựng vùng sản xuất dược liệu hữu cơ. Hiện với 5ha, chị đang trồng có hơn 65 loại thảo dược và mở rộng vườn dược liệu tại một số xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn với quy mô 13ha. Sản phẩm tại vườn dược liệu đều được các công ty dược bao tiêu sản phẩm.
Ngoài cung cấp nguyên liệu, chị Tuyền còn chế biến thành các sản phẩm như: Tinh dầu, gối chườm, mỹ phẩm thảo dược; trà hoa, thảo mộc… cung cấp cho thị trường Việt Nam và bước đầu xuất khẩu.
Chị Tuyền khẳng định: Đây là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể như cây râu mèo, một loại dược liệu trị bệnh sỏi thận, sỏi túi mật... chỉ trồng một lần có thể cho thu hoạch 5 đến 6 năm, giá trị đạt 200 triệu đồng/ha/năm; trà hoa vàng trồng 5 đến 6 năm mới cho thu hoạch nhưng giá trị đạt hàng tỷ đồng/ha/năm...
Mặc dù cho hiệu quả kinh tế khá song việc khai thác nguồn cây dược liệu của nước ta còn đang bị bỏ ngỏ. Nghịch lý là, dù tiềm năng lớn nhưng do không được quy hoạch, đầu tư phát triển nên hơn 80% nguồn dược liệu chế biến thuốc trong nước phải nhập khẩu.
Theo Viện Dược liệu (Bộ Y tế), hiện cả nước chỉ có 18 cây dược liệu được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn Hệ quản lý chất lượng GACP của Tổ chức Y tế thế giới. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Để phát huy thế mạnh từ nguồn cây dược liệu, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1976/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu là phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới trang thiết bị trong nghiên cứu chọn tạo giống, trồng trọt, chế biến, chiết xuất, chuyển giao công nghệ...; nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Rõ ràng, để phát triển cây dược liệu thành nguồn nguyên liệu cho ngành Dược, trước hết, cần quy hoạch cụ thể vùng sản xuất theo điều kiện phù hợp. Đặc biệt, cần tổ chức sản xuất gắn với chế biến, không nên xuất khẩu dạng thô như hiện nay. Để giúp doanh nghiệp đầu tư phát triển cây dược liệu, Nhà nước nên có chính sách ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất giống cây thuốc phục vụ công tác nuôi trồng và phát triển dược liệu theo quy mô lớn.
Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác nghiên cứu tại các vùng trồng dược liệu trọng điểm. Trước mắt, cần lựa chọn 100 cây dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cao để quy hoạch phát triển theo hướng nhân rộng đại trà, góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm, đồng thời tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.