(HNM) - Không nằm ngoài dự đoán, liên minh cánh hữu Likud - Beitenu cầm quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Ngoại trưởng Avigdor Lieberman đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội nước này ngày 22-1.
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ được giới truyền thông Do Thái đưa ra ngày 23-1, liên minh cầm quyền Likud - Beitenu giành chiến thắng sít sao trước đảng ôn hòa Yesh Atid của ông Yair Lapid. Theo đó, liên minh này giành được 31 ghế, trong khi đảng Yesh Atid có thể giành được từ 18 đến 19 ghế trong Quốc hội 120 ghế của Israel.
Chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội nhưng liên minh của Thủ tướng B.Netanyahu sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian tới. |
Với kết quả này, liên minh của ông B.Netanyahu dù về nhất nhưng vẫn ít hơn 11 ghế so với kết quả 42 ghế mà họ nhận được trong cuộc bầu cử trước và sẽ phải tìm kiếm một liên minh mới hội tụ đủ 61 nghị sĩ để có được đa số và thành lập chính phủ. Như vậy, ông B.Netanyahu không có lựa chọn nào khác ngoài việc dành cho ông Yair Lapid một trong ba ghế Bộ trưởng quan trọng - Quốc phòng, Ngoại giao hoặc Tài chính.
Kết quả này gây ngạc nhiên vì trước cuộc bỏ phiếu, nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy, liên minh tranh cử giữa đảng cực hữu Likud của ông B.Netanyahu và đảng Yisrael Beitenu theo đường lối dân tộc chủ nghĩa có thể giành được nhiều phiếu nhất (từ 61 đến 67 ghế) và bỏ xa các đảng đối thủ. Kết quả này cho thấy, sự ủng hộ dành cho đảng Likud đã sụt giảm. Trong khi đó, với vị trí thứ hai, đảng Yesh Atid đã chứng tỏ được rằng, cử tri Israel muốn trao cho ông Yair Lapid niềm tin trong các cuộc thương thảo chính sách với Thủ tướng B.Netanyahu. Bởi trước đó, lãnh đạo đảng Yesh Atid cam kết sẽ đấu tranh vì quyền lợi của cộng đồng chính thống đang ngày càng đông đảo tại Nhà nước Do Thái.
Kết quả chính thức cuộc tổng tuyển cử sẽ được công bố vào ngày 30-1 tới. Sau đó, Tổng thống Shimon Peres sẽ yêu cầu người đứng đầu đảng hoặc liên minh lớn nhất tại Quốc hội thành lập Chính phủ mới. Tuy nhiên, bất kể đảng nào lên cầm quyền, Chính phủ sắp tới của Israel vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức từ chính sách đối ngoại trước đây để lại. Đó là mối đe dọa từ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Trong nhiệm kỳ trước, ông B.Netanyahu tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, đã đưa vấn đề hạt nhân của Iran lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc tế khi kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nếu Tehran bước qua "ranh giới đỏ". Thêm vào đó, mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh lớn nhất của Israel trong khu vực, trở nên căng thẳng sau khi Israel tấn công một tàu chở hàng nhân đạo tới Dải Gaza vào năm 2010. Còn mối quan hệ giữa Tel Aviv với Washington cũng vừa chứng kiến nhiều sóng gió. Không phải ngẫu nhiên, ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu ở Israel, trong bài viết được phóng viên của Bloomberg, Jeffery Goldberg ghi lại, Tổng thống Mỹ Barack Obama được cho là đã coi ông B.Netanyahu như một "nhà chính trị nhút nhát" trong vấn đề hòa đàm với người Palestine cũng như những dự án về khu tái định cư tại Bờ Tây. Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, việc Tel Aviv mở rộng các khu định cư đã và đang đưa Nhà nước Do Thái này đến chỗ gần như bị cô lập hoàn toàn. Bằng chứng là cuối tháng 11-2012, Đại hội đồng LHQ đã ủng hộ nỗ lực không mệt mỏi của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khi trao quy chế Nhà nước quan sát viên phi thành viên cho Palestine. Mặc dù, Tel Aviv lớn tiếng phản đối nhưng các cường quốc Châu Âu như: Pháp, Tây Ban Nha, Italia đã đều bỏ phiếu thuận. Điều đó chứng tỏ rằng Israel đã để mất không ít sự ủng hộ của Liên minh Châu Âu (EU) về vấn đề Palestine...
Cùng với chính sách đối ngoại không dễ dàng, Chính phủ mới của Israel còn phải giải quyết những vấn đề đối nội hóc búa. Đó là bài toán "thắt lưng buộc bụng" nhằm kiềm chế thâm hụt ngân sách, trong khi vẫn phải xoa dịu sự phản đối của dân chúng trước các chi phí sinh hoạt leo thang và mất cân bằng về thu nhập.
Mặc dù trong bài phát biểu đầu tiên sau khi thắng cử tại trụ sở liên minh ở thủ đô Tel Aviv, ông B.Netanyahu khẳng định nỗ lực thành lập một chính phủ có sự tham gia rộng rãi nhất của các bên nhằm đối phó với các khó khăn, thế nhưng chặng đường phía trước của chính quyền Do Thái còn quá nhiều thách thức không dễ vượt. Thêm vào đó, sự kiện liên minh cánh hữu tiếp tục nắm quyền đã phát đi "thông điệp" tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ vẫn là một con đường khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.