Chuyện đó đây

Thế hệ bị bỏ rơi ở Gaza

Thương Nguyệt 10/09/2024 - 12:10

Hàng trăm nghìn trẻ em tại Gaza không có cơ hội đến trường vì ảnh hưởng của xung đột giữa Israel và Hamas, làm dấy lên những lo ngại về thế hệ bị bỏ rơi.

Năm học mới tại các vùng lãnh thổ của người Palestine chính thức bắt đầu vào ngày 9-9. Tuy nhiên, các trường học tại Gaza vẫn ngừng hoạt động trong bối cảnh lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas vẫn chưa thể đạt được.

“Thông thường, một ngày như vậy sẽ là dịp những đứa trẻ mặc đồng phục mới, đến trường và mơ ước trở thành bác sĩ hoặc kỹ sư. Hôm nay, tất cả những gì chúng tôi hy vọng là chiến tranh sẽ kết thúc”, Umm Zaki, mẹ của Moataz (15 tuổi) đáng lẽ đã vào lớp 10, nói với Reuters.

Giới chức giáo dục Palestine cho biết, tất cả trường học ở Gaza vẫn đóng cửa và 90% đã bị phá hủy hoặc hư hại trong các cuộc tấn công do Israel tiến hành nhằm loại bỏ hoàn toàn Hamas kể từ sau sự kiện ngày 7-10-2023.

1(1).jpg
Hàng trăm nghìn trẻ em Gaza có nguy cơ trở thành thế hệ bị bỏ rơi do không được tiếp cận môi trường học đường. Ảnh: Reuters

Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA), đơn vị quản lý khoảng một nửa số trường học ở Gaza, đã chuyển đổi nhiều trường học nhất có thể thành nơi trú ẩn khẩn cấp cho hàng nghìn gia đình phải di dời.

Giám đốc Truyền thông UNRWA Juliette Touma lo ngại, thời gian nghỉ học kéo dài khiến trẻ em khó theo kịp chương trình học và đối diện nguy cơ trở thành thế hệ bị bỏ rơi, trở thành nạn nhân của nạn bóc lột, lao động trẻ em hoặc bị các nhóm vũ trang tuyển dụng.

Theo Reuters, 625.000 trẻ em Gaza đã đăng ký đi học nhưng hoàn toàn không có cơ hội đến trường, trong đó có 58.000 em đến tuổi vào lớp một trong năm nay. Tháng trước, UNRWA đã triển khai chương trình học tập tại 45 địa điểm trú ẩn, bố trí giáo viên tổ chức một số hoạt động như kịch, nghệ thuật, âm nhạc và thể thao để giúp trẻ em cải thiện sức khỏe tâm thần.

Liên quan những nỗ lực đẩy lùi bệnh bại liệt, Liên hợp quốc đã kêu gọi người dân Palestine ở phía Bắc Dải Gaza đến các cơ sở y tế để tiêm vắc xin cho trẻ em dưới 10 tuổi. Các đợt tạm ngừng giao tranh đã được triển khai nhằm tạo điều kiện tiêm chủng cho 640.000 trẻ em Gaza.

Đến nay, chiến dịch tiêm chủng vắc xin bại liệt ở miền Nam và miền Trung Gaza đã tiếp cận được hơn một nửa số trẻ em. Đợt tiêm chủng thứ hai sẽ được triển khai 4 tuần sau đợt đầu tiên.

Xác nhận 450.000 trẻ em ở Gaza đã được tiêm vắc xin, Giám đốc Juliette Touma vẫn lo ngại tình hình tại phía Bắc trong bối cảnh Israel đã ban hành lệnh di tản mới đối với người dân tại một địa điểm chỉ định ở khu vực này.

Tuần tới, Đại hội đồng Liên hợp quốc dự kiến sẽ tiến hành bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết của Palestine với nội dung yêu cầu Israel chấm dứt “sự hiện diện bất hợp pháp tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng” trong vòng 6 tháng.

Dự thảo nghị quyết do Chính quyền Palestine (PA) soạn thảo thể hiện sự đồng thuận với Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về việc Israel chiếm đóng bất hợp pháp các vùng lãnh thổ và khu định của người Palestine.

Động thái của ICJ không mang tính ràng buộc nhưng có giá trị theo luật pháp quốc tế và có thể làm suy yếu sự ủng hộ đối với Israel. Tuy nhiên, Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Danny Danon đã kêu gọi Đại hội đồng “từ chối thẳng thừng nghị quyết này, thay vào đó thông qua một nghị quyết lên án Hamas và kêu gọi thả ngay lập tức tất cả các con tin”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế hệ bị bỏ rơi ở Gaza

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.