Phần lớn các trường học và đại học ở Gaza đã bị phá hủy trong xung đột giữa Israel và Hamas, hệ thống giáo dục tại vùng lãnh thổ này gần như sụp đổ hoàn toàn.
Ngày 18-8 (giờ địa phương), Bộ trưởng Giáo dục của Chính quyền Palestine (PA) Amjad Barham thông báo, 290 trong số 309 trường học tại Gaza đã bị phá do ảnh hưởng của xung đột. Số trường còn lại được sử dụng làm địa điểm trú ẩn cho những người phải di dời. Các địa điểm giáo dục thuộc cơ quan Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) cũng không an toàn trước những đợt tấn công do Israel tiến hành.
Dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Amjad Barham, hãng thông tấn Palestine Wafa cho biết, tình hình giáo dục ở Gaza rất bi thảm và Israel muốn hủy hoại tương lai của “con em chúng ta”.
Trong bối cảnh xung đột căng thẳng, 80% số trường đại học cũng đã bị phá hủy, khiến 630.000 sinh viên không thể tiếp cận môi trường giáo dục, 19.000 sinh viên đã tới Ai Cập để có thể tiếp tục theo đuổi quá trình học tập.
Bộ trưởng Amjad Barham khẳng định, hoạt động giáo dục vẫn sẽ được tiến hành thông qua hình thức trực tuyến dành cho tất cả học sinh tại Gaza và bên ngoài vùng lãnh thổ này. Kỳ thi trung học cũng sẽ được tổ chức dù đối diện nhiều khó khăn.
Các cơ quan nhân đạo cảnh báo, việc thiếu giáo dục sẽ trở thành rào cản và khiến trẻ em khó có cơ hội tiếp tục học tập. Người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini lo ngại, trẻ em ở Gaza có nguy cơ bị cưỡng bức lao động hoặc trở thành mục tiêu tuyển dụng của các nhóm vũ trang. Tình trạng xung đột kéo dài cũng sẽ gây ra những hậu quả lâu dài đối với sức khỏe tinh thần của các em.
Nhiều quan chức cũng cảnh báo, quá trình tái thiết Gaza sau xung đột có thể kéo dài nhiều năm, làm dấy lên câu hỏi về công tác giáo dục đối với trẻ em tại vùng lãnh thổ không có trường học.
Về lệnh ngừng bắn ở Gaza, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định, vấn đề này vẫn đang được tiến hành và có khả năng đạt được, bất chấp những bất đồng quan điểm giữa Israel và Hamas.
Theo Times of Israel, các nhà đàm phán cảnh báo sẽ không có thỏa thuận nào nếu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu quyết duy trì sự hiện diện của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở Hành lang Philadelphi.
Trước đó, Hamas chính thức bác bỏ các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin được thảo luận tại Doha (Qatar) trong các ngày 15 và 16-8. Lực lượng này cũng đổ lỗi cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu vì những trở ngại mới trong các cuộc đàm phán.
Về phần mình, Thủ tướng Benjamin Netanyahu được cho là "bi quan" về cơ hội đạt được thỏa thuận, đặc biệt trong bối cảnh Israel đang đàm phán với các quốc gia trung gian thay vì với Hamas - lực lượng đã từ chối cử phái đoàn tham gia vòng đàm phán mới nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.