Thế giới đã lên án mạnh mẽ vụ bắt cóc con tin tại nhà thờ Thiên chúa giáo ở Iraq hôm 31/10 làm gần 60 người thiệt mạng và hơn 70 người bị thương.
Trong một tuyên bố ngày 1/11, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs nhấn mạnh "Mỹ kịch liệt lên án hành động bạo lực điên rồ của những kẻ khủng bố làm hại những người dân vô tội này," đồng thời khẳng định Mỹ luôn bên cạnh người dân Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố.
Nhân viên an ninh gác bên ngoài nhà thờ Sayidat al-Najat. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton cũng lên án "hành động tấn công không thể chấp nhận được nhằm vào người vô tội" ở nhà thờ Saidat al-Najat.
Bà Ashton bày tỏ "chia buồn sâu sắc" với gia đình và người thân của những nạn nhân, đồng thời khẳng định EU hoàn toàn ủng hộ nhân dân Iraq. Bà cũng kêu gọi chính giới Iraq hợp tác cùng nhau chống lại mối đe dọa bạo lực.
Giáo hoàng Benedict XVI lên án "hành động bạo lực phi lý" nhằm vào các tín đồ Thiên chúa giáo ở Iraq. Ông cầu nguyện cho các nạn nhân của thảm kịch trên và kêu gọi hòa bình ở Trung Đông.
Jordan, quốc gia có 96% dân số theo đạo Hồi, cũng tuyên bố lên án "hành động khủng bố" nhằm vào nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Baghdad.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nasser Judeh khẳng định: "Jordan lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, đặt biệt là nhằm vào dân thường, đồng thời ủng hộ Iraq trong nỗ lực đảm bảo an ninh."
Ông Nasser cũng cho biết Jordan ủng hộ đề xuất của Arập Xêút tổ chức các cuộc đàm phán nhằm giải quyết bế tắc chính trị tại Iraq đang tạo ra khoảng trống chính trị tám tháng sau cuộc bầu cử quốc hội.
Trước đó, Quốc vương Arập Xêút Abdullah ngày 31/10 đã mời các lãnh đạo chính trị Iraq tớithủ đô của nước nàysau dịp nghỉ lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo, nhằm tìm cách giảm bất đồng và đi đến thỏa thuận về việc thành lập một chính phủ mới ở Iraq.
Liên quan đến vụ việc này, Ai Cậpngày 1/11đã bác bỏ tối hậu thư của nhóm "Nhà nước Hồi giáo Iraq" đòi Giáo hội Coptic ở Ai Cập thả hai phụ nữ mà nhóm này cho là đang bị giáo hội Thiên chúa giáo này giam giữ sau khi họ cải đạo theo đạo Hồi.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập "dứt khoát bác bỏ việc đưa tên Ai Cập cũng như các vấn đề của Ai Cập dính líu vào những hành động tội phạm như vậy," đồng thời lên án mạnh mẽ vụ tấn công vào nhà thờ ở Iraq.
Nhóm "Nhà nước Hồi giáo Iraq" có liên hệ với al-Qaeda đã nhận trách nhiệm về vụ bắt con tin, yêu cầu Giáo hội Coptic trong vòng 48 giờ phải thả hai phụ nữ trên, nếu không nhóm này sẽ tấn công người Cơ đốc giáo trên toàn khu vực.
Hai người phụ nữ này là bà Camilia Shehata và Wafa Constantine, vợ của hai linh mục thuộc Giáo hội Coptic. Bà Shehata đã mất tích vài ngày hồi tháng Bảy vừa qua, sau đó, cảnh sát đã tìm thấy và đưa bà về nhà, nhưng việc này đã gây ra sự phản đối của người Hồi giáo cho rằng Giáo hội Coptic đã bắt giữ bà. Bà Constantine cũng mất tích năm 2004.
Hai trường hợp này đe dọa gây xung đột giáo phái ở Ai Cập, nơi các tín đồ thuộc Giáo hội Coptic chiếm khoảng 10% trong tổng số 80 triệu dân nước này và thường xuyên là mục tiêu của các vụ tấn công./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.