Nỗ lực cứu hộ ở Nepal sau trận động đất kinh hoàng đang được khẩn trường tăng cường hơn nữa. BBC dẫn lời quan chức Nepal cho biết, theo thống kê vào sáng 26/4, đã có 1.805 người đã thiệt mạng và 4.718 người bị thương.
Giới chức Nepal lo ngại số người chết sẽ còn tiếp tục tăng lên. Phóng viên BBC cho biết, nỗ lực tìm kiếm người sống sót sáng 26/4 ngày càng tuyệt vọng. Đây là trận động đất tồi tệ nhất của Nepal trong 80 năm qua.
Sau trận động đất, hàng ngàn người dân Nepal mất nhà cửa đã phải ngủ trên vỉa hè, ngoài công viên dưới nhiệt độ lạnh lẽo, buốt giá. Trước tình cảnh khó khăn mà Nepal đang phải đối mặt, nhiều quốc gia và các tổ chức từ thiện quốc tế đã cung cấp viện trợ cho Nepal nhằm đối phó với thiên tai.
Đội tìm kiếm và cứu hộ của Mỹ chuẩn bị đồ đạc lên đường đến Nepal (ảnh: AFP) |
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nepal Minendra Rijal tuyên bố trên truyền hình rằng nước này đang tiến hành kế hoạch kêu gọi cứu hộ, cứu nạn lớn và còn rất nhiều việc phải làm sau thảm hoạ động đất.
Mỹ, Trung Quốc, Pakistan và các nước Liên minh châu Âu đều đã cam kết viện trợ Nepal. Đại sứ quán Mỹ ở Nepal cam kết viện trợ ban đầu là 1 triệu USD. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với chính phủ Nepal để trợ giúp và hỗ trợ nhiều hơn nữa”.
Ngày 26/4, Trung Quốc điều động một đội cứu hộ gồm 62 người đến Nepal. Các tổ chức từ thiện quốc tế như Hội Chữ Thập Đỏ, tổ chức Oxfam, tổ chức Bác sĩ không biên giới, tổ chức Christian Aid cũng điều người tới hiện trường vụ động đất.
Giám đốc của liên đoàn Hội Chữ Thập Đỏ và Trăng Lưỡi Liềm Đỏ (IFRC) khu vực Châu Á- Thái Bình Dương Jagan Chapagain: “Chúng tôi vẫn chưa thống kê được phạm vi thiệt hại sau động đất là bao nhiêu, nhưng chắc chắn đây là một trong những trận động đất đẫm máu và tàn khốc nhất ở Nepal kể từ năm 1934”.
Giới chức liên đoàn IFRC bày tỏ sự lo lắng đặc biệt về số phận của các ngôi làng gần tâm chấn của trận động đất, một số ngôi làng chỉ cách thủ đô Kathmandu khoảng 80km.
Ở châu Âu, Anh, Đức và Tây Ban Nha đã lên tiếng cam kết hỗ trợ. Riêng Na Uy cam kết viện trợ nhân đạo lên đến 3,8 triệu USD.
Bộ trưởng Phát triển Quốc tế của Anh Justine Greening nói: “Ưu tiên trong việc cứu nạn ngay bây giờ là phải tiếp cận được những người đang bị mắc kẹt và bị thương, đồng thời phải chuẩn bị được nới trú ẩn và bảo vệ cho những người dân đã bị mất nhà cửa”.
Trong thông tin liên quan, trận động đất kinh hoàng ở Nepal đã làm ảnh hưởng đến ngọn núi Everest, khiến một vụ lở tuyết lớn xảy ra. Theo thống kê của Reuters, có khoảng 300.000 khách du lịch nước ngoài ở Nepal lúc có động đất.
Một quan chức của phụ trách vấn đề leo núi ở Nepal, Gyanendra Shrestha cho biết, nước này đã tìm thấy 10 thi thể ở Everest. Số lượng các nhà leo núi mất tích, bị mắc kẹt trên núi hoặc bị thương hiện chưa được thống kê cụ thể.
Phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, trong số 10 người chết nói trên có 1 nhà leo núi người Trung Quốc và 2 người dẫn đường Sherpa.
BBC cho biết thêm, Dan Fredinburg, một giám đốc điều hành của Google cũng đã thiệt mạng khi đi leo núi, thám hiểm ở Everest do vụ tuyết lở xảy ra./
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.