(HNM) - Những trang thông tin cá nhân, hay web tương tác (blog, facebook…) giờ đã trở thành công cụ quen thuộc, giúp con người thiết lập mối quan hệ
Không thể phủ nhận mạng xã hội là một thành tựu của loài người, giúp khắc phục những hạn chế về không gian, thời gian, giao lưu, chia sẻ vui buồn hoặc những thông tin quan tâm trong đời sống. Nhưng khai thác thế giới ảo này như thế nào để mang lại hiệu quả tích cực trong cuộc sống, hay lại bị lôi kéo, có hành động mất tự chủ là tùy thuộc vào người sử dụng.
Mạng xã hội là một công cụ hữu ích, nhưng nó cũng như “con dao hai lưỡi” đối với những người không biết cách sử dụng. |
Sự lựa chọn thông thái
Ở tuổi 12, bé Nguyễn Thái Anh đã sử dụng thành thạo facebook, tham gia CLB làm mô hình máy bay, tàu thủy. Hằng ngày, ngoài giờ học, bé thường vào mạng trao đổi về cách làm mô hình, thay đổi màu sắc, vật liệu, chất kết dính… Thái Anh rất thích đọc Từ điển bách khoa toàn thư trên mạng, tìm hiểu các sự vật, hiện tượng thiên nhiên. Điều này rất được bố mẹ bé khuyến khích. Mẹ bé cho rằng: Việc này có tác dụng kích thích trí sáng tạo, tự lập và cả tính tự chủ trong lập kế hoạch học tập, làm việc của bé. Nhờ được bố mẹ giúp đỡ, giữa bạt ngàn tốt - xấu của mạng ảo, Thái Anh đã khôn ngoan lựa chọn được nội dung bổ ích, phù hợp với mình.
Tuy không thành thạo mạng ảo như bé Nguyễn Thái Anh, bà Lê Thị Khánh Huyền, 60 tuổi, ở phố Xuân Diệu, quận Tây Hồ, rất gắn bó với các hoạt động của CLB từ thiện qua mạng thuộc diễn đàn Webtretho. Cùng với con dâu, bà thường xuyên quan tâm đến tình cảnh, cuộc sống của những em bé có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tim bẩm sinh, tật nguyền, nạn nhân thiên tai… được đăng tải trên website. Nhiều lần, bà đã cùng các thành viên mạng xã hội đến tận nơi, trực tiếp chia sẻ, động viên các bé và gia đình vượt qua khó khăn, kiên trì chữa bệnh. Không riêng Webtretho, các CLB từ thiện qua mạng ảo đã tổ chức cho thành viên trực tiếp đến vùng cao, vùng xa; các tình nguyện viên hăng hái đóng góp tiền, quần áo, sách vở, sáng tạo ra nhiều cách làm để gây quỹ từ thiện, giúp đỡ người nghèo, người kém may mắn trong cuộc sống.
Với tiện ích giao lưu, kết bạn, trò chuyện, chia sẻ thông tin, nâng cao kiến thức, học cách ứng xử, làm việc… không thể kể hết những lợi ích của kết nối mạng. Bên cạnh việc giúp cho nhiều người thoát nghèo, thực hiện được những ước mơ trong cuộc sống (có thể tự học ngoại ngữ hoặc các bộ môn năng khiếu hay kiếm học bổng du học…), kết nối mạng còn tạo nên những làn sóng dư luận mạnh mẽ, lên án những hành vi, thói xấu, quan điểm, việc làm lệch chuẩn về đạo đức trong xã hội.
Mạng ảo - Đời thực
Ngày 19-3, TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử vụ đâm chém trả thù gây chết người từ một mâu thuẫn vu vơ trên mạng. Trong phút giây bồng bột mù quáng, 10 thanh niên tuổi từ 18 đến 27 đã cướp đi tính mạng của một thanh niên vô tội mới 17 tuổi. Kết quả là mỗi đối tượng trong vụ việc này sẽ mất từ 7 đến 18 năm trong quãng đời đẹp nhất của mình để trả giá cho tội lỗi đã gây ra. Ngày 22-1, tại Quảng Ninh, cũng từ mâu thuẫn trên mạng facebook, một học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 12 của thành phố Hạ Long bị chém gây thương tích nặng, sẽ phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật mới có thể trở về cuộc sống bình thường. Rồi cũng từ việc "làm quen" trên mạng đã có không ít vụ lừa đảo, "ăn cắp" tình cảm dẫn đến nhiều cặp vợ chồng phải chia tay, gia đình ly tán. Thậm chí có chuyện cười ra nước mắt, ở một tỉnh miền Trung, hai người đàn ông gần tới tuổi "Lục thập nhi nhĩ thuận" (tuổi 60 được cho là hoàn hảo về mặt tri thức và kinh nghiệm cuộc sống) còn hẹn hò tới quán bia để chửi bới, mạt sát nhau do ghen tuông vì cùng yêu một người đàn bà trong mạng ảo. Nếu không có sự can ngăn kịp thời, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra…
Khi gia nhập thế giới ảo, người ta luôn nghĩ rằng không phải chịu những lề luật, phép tắc như ở đời thường và họ được thực sự là chính mình, thả sức bình luận, mắng chửi, tung hê những lời mà ở đời thực phải rất e dè, cân nhắc. Sự hưởng ứng tức thời của một số thành viên có suy nghĩ tương đồng, a dua hoặc đối nghịch lại kích thích họ say sưa hơn. Nhiều người chìm đắm trong thế giới ảo, không thể rời mắt khỏi màn hình, lơ đãng với công việc, học hành. Theo nghiên cứu của một số chuyên gia, mạng xã hội hiện chiếm trung bình 22% thời gian online của cư dân mạng. Còn theo các nhà tâm lý học, sinh viên tham gia mạng xã hội facebook có kết quả học tập kém hơn những sinh viên khác khoảng 20%. Điều này cho thấy "thế giới ảo" với đầy đủ tốt - xấu, trắng - đen là một phần rất thực của cuộc đời.
Theo BS-TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng: Các mạng xã hội facebook, twitter, skype, blog… cơ bản là tốt. Nó giúp con người mở rộng mối quan hệ xã hội - một trong năm nguồn lực để giảm nghèo, phát triển con người. Khi có vướng mắc, khó khăn, mạng xã hội giúp con người trao đổi và lập tức có lời giải. Sự giải tỏa này rất tốt cho sức khỏe. Nhưng làm thế nào để có được thông tin tốt, có lợi, phục vụ hiệu quả cho mục tiêu, kế hoạch của mình thì còn phụ thuộc vào sự khôn ngoan của người sử dụng. Với thanh thiếu niên, cha mẹ cần quan tâm định hướng, giáo dục cho con em sàng lọc, lựa chọn những nội dung phù hợp. Dù là mạng ảo hay đời thực, sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, tình cảm và truyền thống gia đình vẫn là nền tảng vững chắc giúp các em phân biệt đúng - sai, vượt lên những cám dỗ, tiêu cực của đời sống. Mạng xã hội là một công cụ như "con dao hai lưỡi"; khai thác nó với những khía cạnh tích cực trong đời sống hay trở thành con rối trong vòng ảnh hưởng của nó là tùy thuộc sự lựa chọn của mỗi người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.