(HNM) - “Kêu cứu” và “báo động” là những cụm từ được gắn liền với câu chuyện ô nhiễm và bị xâm lấn, thu hẹp của hồ Hà Nội liên tục trong những năm gần đây.
Các nhà chuyên môn đã đưa ra những con số cụ thể: Tính đến cuối năm 2015, nội thành Hà Nội còn 112 hồ, giảm 10 hồ so với năm 2010. Nhiều địa phương vốn sở hữu nhiều mặt nước xanh quý giá như Đống Đa (30 hồ), Tây Hồ (chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội)… đều chịu chung cảnh bị thu hẹp cả chục nghìn mét vuông diện tích mặt nước.
Nhưng không chỉ bị thu hẹp, biến mất mà ngay cả khi còn, hồ nhiều nơi trên địa bàn thành phố cũng trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng, và như cách nói của nhiều người - đang bị “bức tử”.
Thực sự, làm sạch hồ, giữ lại những khoảng xanh mặt nước cho thành phố không đơn thuần chỉ là hành động thuận lẽ tự nhiên, góp phần điều hòa không khí, điều hòa lượng nước, chống úng ngập mà rộng hơn không gian xanh “trời cho, người tạo” này còn giúp nâng cao chất lượng đời sống đô thị, thu hút du lịch, tạo dựng nét văn hóa đặc sắc riêng cho Thủ đô và cả nước. Xâm chiếm, thu hẹp diện tích hồ vì lợi ích trước mắt; bức tử hồ vì sự thiếu ý thức, nếp sinh hoạt lạc hậu… không chỉ là hành động thiếu khôn ngoan, tự gây hậu họa cho cuộc sống mà còn đi ngược với xu thế chung về bảo vệ môi trường của thế giới.
Lý thuyết là vậy, tuy nhiên trên thực tế, tình trạng xâm chiếm, ô nhiễm tại các hồ vẫn diễn ra đây đó cho dù đã có không ít những nỗ lực “cứu” hồ của chính quyền thành phố cũng như các tổ chức xã hội… Cuộc chiến giữ hồ liên tục bước tiến, bước lùi mà chưa đi đến chuyển biến mạnh, bền vững, với hệ thống giải pháp có tính căn cơ, đủ sức bảo vệ, phát huy dài lâu nguồn tài nguyên mặt nước này.
Có thể kể đến chương trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông hồ trên địa bàn thành phố suốt 6 năm qua của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện Nghị quyết 03/2009/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội về đề án “Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn Hà Nội”. Trong đó có những ý tưởng cứu hồ mang lại hiệu quả, được người dân ủng hộ như lắp đặt thiết bị máy tập thể dục tranh thủ lực tác động của người tập để đưa nước qua bể lọc… Bên cạnh đó, một nhóm bạn trẻ trong “Dự án hồ Hà Nội” suốt nhiều năm nay đã trực tiếp dọn rác, vớt rác quanh hồ, thả bè thủy sinh làm sạch nước hồ…, thu hút cả người dân xung quanh xắn tay vào cuộc…
Còn nhiều việc làm cụ thể khác đã khiến nhiều mặt hồ được cứu, nhưng cũng còn những hồ vẫn trong danh sách “ô nhiễm nặng”, hàng chục hồ chưa được cải tạo về chất lượng nước, xuống cấp cả về cảnh quan, môi trường…
Để không phải tiếp tục báo động về hồ Hà Nội, rõ ràng rất cần tiếp tục nguồn lực tổng thể từ Nhà nước đến cộng đồng xã hội, nhân dân. Trong đó, có các giải pháp căn cơ nhằm chia tách, xử lý nguồn nước thải sinh hoạt không để tràn vào hồ; triệt để xử lý nạo vét đáy hồ bị ô nhiễm… Rồi đẩy mạnh xã hội hóa để thực thi các dự án này một cách hiệu quả, bền vững, tránh tình trạng đã hồi sinh rồi lại tái ô nhiễm. Đặc biệt cần nhiều hơn các ý tưởng sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm cải thiện môi trường nước lòng hồ. Giữ hồ cũng phải cụ thể bằng cách đưa tiêu chí này vào nhiệm vụ cụ thể của địa phương; thậm chí đưa xuống từng khu dân cư, tổ dân phố nơi đang sở hữu những không gian mặt nước. Kinh nghiệm cho thấy, càng nhiều mô hình, sáng kiến từ cơ sở thì hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường càng cao.
Hành động và hành động, thay vì chỉ báo động cũng là cách hiện thực hóa quy hoạch “Hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050” để giữ cho thành phố mãi trong xanh màu xanh mặt nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.