(HNMO) - Giữa mùa đông lạnh giá nơi miền sơn cước, học sinh tiểu học và THCS của xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đội mưa rét đến trường.
Đường lên Lao Chải dốc nối dốc, đèo nối đèo. Những ngôi nhà gỗ của bà con người Mông nằm thấp thoáng bên triền đồi chìm trong sương chiều. Giữa mùa đông lạnh giá đất Bắc, cả Lao Chải mờ ảo trong màn sương mù dày đặc. Từng tràn ruộng bậc thang nối nhau kéo dài lên tận đỉnh núi được coi là “tác phẩm” kì vĩ của bà con người Mông nơi đây. Nhưng nó lại chưa giúp bà con người Mông thoát nghèo. Lao Chải là xã nghèo nhất của huyện Mù Cang Chải, gần 100% dân số là đồng bào Mông. Cái nghèo, cái đói đã ảnh hưởng không nhỏ tới chuyện học hành của học sinh.
Viettel mang con chữ lại gần với các em nhỏ. |
Sau cả buổi lặn lội vượt qua mấy chục km đường rừng, chúng tôi mới lên đến trường PTDT bán trú Lao Chải. Ngôi trường thân yêu của các em học sinh người Mông hiện lên giữa bốn bề mây núi, thông thốc gió lùa. Từng làn gió lạnh tựa như kim châm chui qua khe cửa, luồn cả vào sống lưng của các em học sinh. Thầy trò của nhà trường đều co ro trong gió lạnh.
Cô giáo Hà Thị Thuận, phụ trách lớp tăng cường tiếng Việt cho học sinh người Mông nơi đây đã có 6 năm gắn bó với Lao Chải. Lớp của cô giáo Thuận có 22 em, nhưng chỉ có vài em nói được tiếng phổ thông nên muôn dạy học sinh, cô giáo phải học tiếng địa phương trước. Nhớ lại những ngày đầu tiên đi bộ lên Lao Chải, cô giáo Thuận chưa hết rùng mình, trường ở tít trên núi cao, đi cả ngày mới đến. Sinh hoạt ở nơi này thiếu thốn trăm bề khiến không ít thầy cô bị “choáng” khi lần đầu đặt chân lên đất này. Sống lâu thành quen, thành thương các em học sinh người Mông cũng đang gặp muôn vàn khó khăn. Cô giáo Thuận đến bản đi vận động học trò xuống lớp. Gặp trưởng bản là cô tranh thủ học tiếng của bà con người Mông. Chẳng mấy chốc, cô giáo Thuận có thể giao tiếp với bà con địa phương bằng tiếng Mông.
Thấm thoát 6 năm trôi qua, hình ảnh cô giáo Thuận đến hết bản này, bản khác dạy lớp tăng cường tiếng Việt cho học sinh đã ăn sâu vào tâm trí của bà con nơi đây. Sống lâu ở đất này cô giáo Thuận càng thương các em học sinh hơn. “Dạy các em nói tiếng phổ thông rồi mới dạy chữ được. Gia đình nào nơi đây cũng gặp rất nhiều khó khăn, thương các em các thầy cô còn san sẻ bớt cái ăn, cái mặc cho học sinh”, cô giáo Thuận chia sẻ.
Với diện tích rộng, dân cư thưa, giao thông đi lại khó khăn, hầu hết học sinh đều đi bộ đến trường nên việc duy trì sĩ số của lớp học cũng gặp rất nhiều trở ngại, đặc biệt là đối với lớp tăng cường tiếng Việt. Để huy động cao nhất số học sinh ra lớp, thời gian đầu, các thầy cô giáo đi bộ đến từng nhà học sinh để vận động gia đình cho con em mình đi học. Hôm nào trời mưa, các em ở xa điểm trường nghỉ học, các thầy cô lại phải đến tận nhà để đưa các em đến lớp học tiếng Việt.
Quả thực có lên miền sơn cước này mới hiểu hơn nỗi lòng của những giáo viên cắm bản. Quanh năm làm bạn với mây mù, đường xá đi lại khó khăn, trường lớp thiếu thốn trăm bề nhưng các thầy các cô luôn tận tình, tận tâm với việc gieo chữ. Trường PTDT bán trú tiểu học Lao Chải hiện nhà trường có 31 giáo viên. Đây là một trong những trường nghèo nhất huyện Mù Cang Chải nên nhiều điểm trường còn rất tạm bợ. Cả giáo viên và học sinh đều phải cùng nhau vượt khó. Được cái các em học sinh người Mông nơi đây rất hiếu học, đây là động lực để thầy cô giáo cố gắng gieo chữ ở vùng đất khó này.
Vượt khó vươn lên
Vào mùa đông rét mướt hàng năm, những tổ chức tình nguyện, những tấm lòng hảo tâm vượt đường rừng lên Lao Chải để trao quà từ thiện. Mỗi chiếc áo ấm, đôi dép, cuốn vở về với vùng sơn cước này đều rất đáng quý, rất đáng trân trọng. Nhờ đó mà các em thơ có thêm manh áo ấm để đến trường. Thầy Giàng A Súa, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học Lao Chải cho biết: “100% các em học sinh của trường đều là người dân tộc Mông. Tôi cũng là người Mông và trưởng thành trên vùng đất gian khó này nên tôi càng thương các em học sinh hơn. Có những em học sinh vì gia đình khó khăn quá, đứng trước nguy cơ phải bỏ học. Do vậy, sự giúp đỡ kịp thời của nhà trường và các nhà hảo tâm đến với các em học sinh nghèo hiếu học là vô cùng quý báu”.
Mùa đông năm nay ở Lao Chải sẽ bớt lạnh hơn vì có 10 em học sinh vượt khó hiếu học sẽ nhận được học bổng của chương trình Vì em hiếu học của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel. “Tôi rất xúc động khi nhận được thông báo là 5 em học sinh nghèo hiếu học bậc tiểu học và 5 em học sinh bậc THCS sẽ có vinh dự được hỗ trợ từ chương trình. Tôi đã thông báo đến gia đình các em, nó tựa như một món quà sưởi ấm lòng người dân trong những ngày mùa đông tháng giá này”, thầy Súa tâm sự.
Biết chúng tôi có ý định đến thăm các em học sinh sẽ nhận được học bổng của Tập đoàn Viettel thầy Súa xung phong dẫn chúng tôi đi. Trên đường vào nhà em Lờ Thị Ghênh (SN 2007) ở bản Hú Trù Lìn, thầy Súa bảo: “Nhà Ghênh nghèo lắm, lại đông anh em. Nhà ở xa trường, nhưng Ghênh vẫn quyết tâm đi bộ cả giờ đồng hồ mới đến trường”. Nhà Ghênh ở tít trên núi cao, bố mẹ Ghênh đi làm nương. Cô bé Ghênh xúc động lắm khi biết có nhà trường đến thăm. Cô bé người Mông người gày nhẳng nhưng có đôi mắt sáng và giàu nghị lực vươn lên. Ghênh bảo: “Được đến trường là niềm vui của cháu. Cháu hứa sẽ học hành tốt hơn để không phụ lòng mong mỏi của mọi người”.
Trong chuyến thăm Lao Chải lần này, tôi còn được đến thăm gia đình nhiều em học sinh người Mông hiếu học khác. Giữa nơi khó khăn chồng chất, nhưng nghị lực vươn lên trong cuộc sống của các em người Mông nơi đây khó có nơi nào bì được. Sự giúp đỡ kịp thời của Tập đoàn Viettel là động lực giúp các em học sinh vươn lên, góp phần làm vơi đi nỗi cơ cực của các em học sinh nơi vùng cao này.
Tháng 10-2014, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel chính thức triển khai chương trình Vì em hiếu học. Theo đó, mỗi năm sẽ có 26.000 học sinh ở những xã biên giới, vùng khó khăn nhận được sự giúp đỡ của Tập đoàn Viettel. Hội khuyến học của mỗi xã sẽ lựa chọn 10 em nhỏ xứng đáng nhất để trao học bổng hàng năm, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng. Số tiền này sẽ được quy đổi sang dụng cụ học tập, phương tiện đến trường hoặc các khoản học phí cho các em.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.