(HNM) - Trong cùng tháng 7, nữ nhà văn DiLi (Nguyễn Diệu Linh) hiện là giảng viên Đại học tại Hà Nội ra liền hai tập tản văn là
"Thị thành ký" gồm 28 câu chuyện thể hiện góc nhìn của tác giả về những buồn vui, thậm chí bi hài của nhiều vấn đề trong đời sống đương đại, tất nhiên gắn liền với những đặc trưng của chốn thị thành. Có thể kể đến "Giá trị của những "ly kem" với những tranh luận quanh nhu cầu xem phim giải trí; "Nghỉ dưỡng hay đầu tư" phác thảo một sự chuyển dịch trong sở hữu bất động sản của người thành phố mà thực chất là mổ xẻ tâm lý "của để dành" và sự manh nha văn hóa nghỉ dưỡng của người Việt… Cũng như vậy, DiLi có những bài viết sử dụng lợi thế nghề nghiệp của mình (giảng dạy về tiếng Anh và chuyên ngành PR) để kể chuyện "Người nổi tiếng và văn hóa PR"; "Trước công chúng khi nào thì nên nói thật"; “Giới hạn và những đám đông"… Câu chuyện nào cũng thấy ngồn ngộn tư liệu, từ Đông sang Tây, từ chuyện gần của bạn bè, đồng nghiệp, người xung quanh sang đến tận chuyện bên Mỹ… Nhưng tất cả được kết nối qua những trải nghiệm và nhận định của một nhà văn nữ khá "trực tính" mà cũng rất vui tính. Trong "Tập quán "dùng chung cho vui", DiLi gọi tên ra một thói quen, một nếp sinh hoạt dù là ở thị thành nhưng đều có chung nguồn gốc "cộng đồng làng xã", tức là cái gì cũng dùng chung… cho vui. Từ thói quen tưởng chỉ… để vui này dẫn đến việc "ít chịu làm việc gì một mình mà không có người khác làm cùng. Không dám giơ tay phát biểu trong lớp học, trong cuộc họp…, không dám một mình vào nhà hàng, vào rạp chiếu phim hay đi du lịch…".
Tất nhiên, nhận xét là của tác giả, bạn đọc có thể đồng tình hay không, hoặc đồng tình đến mức nào đó. Nhưng cốt yếu là trong "Thị thành ký", DiLi đã viết chân thành, tự tin. Thậm chí, chân thành đến độ ít có cuốn sách nào in một bài giới thiệu mà lại giữ nguyên cả đoạn "chê" tác phẩm của mình. Lời giới thiệu của một nhà báo viết rõ "DiLi khiến người đọc đôi lúc khó chịu vì cách đặt tít các ghi chép của cô. Ví như những cái tít to tát như "Giải mã nghệ thuật giới trẻ" hay "Những giá trị đang dần thay đổi"…". Tất nhiên, phê bình bằng sự thấu hiểu và diễn đạt hóm hỉnh, nhà báo này cũng cho thấy "những lý sự của DiLi trong tập sách này có đôi chỗ cực đoan, nhưng đó là sự cực đoan chân thành. Chính sự chân thành khiến cho những điều dù được viết với giọng châm biếm nhưng không hề có sự cay độc, ngược lại chỉ thấy rõ một tình cảm thiết tha của nhà văn với những người đang sống quanh cô".
Chân thành! Khó lắm! Cho dù biết đôi khi chúng bộc lộ cả những điểm yếu của mình. Nhưng có lẽ cũng với tinh thần trò chuyện thoải mái ấy mà ở cuốn tản văn "Gã tây kia sao lấy được vợ Việt", DiLi tiếp tục có được giọng văn khiến nhà thơ Trần Đăng Khoa khen là "chuyện của mỗi người, mỗi nhà, rất thuân thuộc với người đọc lại được lý giải, mổ xẻ sắc lẹm và thông minh…".
Đó là 25 bài viết dí dỏm mà cũng thú vị, sâu cay về chuyện hôn nhân, tình yêu, gia đình, nữ quyền, đặc trưng giới... Cũng vẫn là các tình huống ứng xử của vợ - chồng trước và sau hôn nhân thôi, nhưng mọi thứ trở nên sao mà hài hước. Thường những phê bình, góp ý trong hài hước khiến người ta dễ tiếp thu và nhớ lâu hơn. Đọc "Em yêu, anh chuẩn bị về", "Yes, dear" hay "Lãng mạn thời @"… lại liên tưởng đến "Luận về yêu" của Alain de Botton, khi tình yêu cũng là những triết luận, và luận về yêu cũng có thể viết một cách đời thường…
Hai tập tản văn của DiLi với triết luận đời thường ấy mà khiến cho người đọc thấy mình trong trang sách...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.