(HNM) – Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa kết thúc chuyến thăm hai ngày tới Ấn Độ. Sự hiện diện lần đầu tiên của
Đối với Nga, Ấn Độ là bạn hàng lớn về năng lượng, vũ khí và là một thị trường đầy tiềm năng, một quốc gia rất "khát nhiên liệu", phù hợp với tham vọng của Tổng thống V.Putin - nước Nga sẽ trở thành nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho Châu Á. Đặc biệt trong bối cảnh quan hệ với phương Tây tiếp tục căng thẳng liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga đang cân nhắc lại chính sách chiến lược trong tương lai và xu hướng tăng cường củng cố liên kết với Châu Á là một trong những chính sách đối ngoại nổi bật mà chính quyền của Tổng thống V.Putin hướng tới. Bên cạnh đó, việc nền kinh tế Nga đang phải hứng chịu nhiều tác động nặng nề do các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự xuống dốc của giá dầu mỏ trên thị trường thế giới, việc tăng cường hợp tác với Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực sẽ giúp nước này giải tỏa nhiều khó khăn trong giai đoạn trước mắt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. |
Còn với Ấn Độ, trước hết, Nga là một nước lớn và là quốc gia luôn ủng hộ lập trường của Ấn Độ về vấn đề Kashmir. Hai nước cũng có chung quan điểm trong việc giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu như Afghanistan, chương trình hạt nhân Iran hay cuộc chiến chống khủng bố. Hơn nữa Nga lại là nhà cung cấp năng lượng, công nghệ hạt nhân và vũ khí quan trọng cho Ấn Độ. Thắt chặt quan hệ với Nga sẽ tạo thuận lợi trong quá trình thảo luận Hiệp định thương mại tự do giữa Ấn Độ và Liên minh Á - Âu gồm Nga, Kazakhstan và Belarus. Thêm nữa, Nga là một thị trường rộng lớn. Việc quốc gia này ra lệnh trừng phạt nhiều mặt hàng của Mỹ và EU sẽ mở đường cho các mặt hàng của Ấn Độ xuất hiện tại xứ sở Bạch dương. Ngoài ra, Ấn Độ đang quan tâm đến việc Nga và Trung Quốc tăng cường củng cố mối quan hệ trong thời gian gần đây. Chính vì thế Ấn Độ không muốn "đứng ngoài cuộc" trong "tam giác" chiến lược Nga - Trung - Ấn vốn là một trục quan trọng trong mối quan hệ quốc tế.
Ở một khía cạnh khác, dễ dàng nhận thấy Ấn Độ đang thực hiện chính sách đối ngoại theo hướng độc lập và tự chủ hơn với mục tiêu cân bằng chiến lược với các nước lớn. Vì vậy, bên cạnh việc "kết thân" với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ không muốn làm "mất lòng" Nga. Đó là những lý do mà New Dehli nhận thấy cần có sự hợp tác cũng như thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ với Mátxcơva. Việc Thủ tướng Ấn Độ N.Modi mời Tổng thống Nga V.Putin thăm Ấn Độ giữa lúc quan hệ giữa Nga và phương Tây căng thẳng, là bằng chứng cho thấy Nga tiếp tục là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước này. Cũng vì vậy, ngay trước thềm chuyến công du của Tổng thống V.Putin, Mátxcơva đã nhận được sự cam kết ủng hộ vô cùng ý nghĩa từ phía New Dehli khi Chính phủ Ấn Độ tuyên bố không tham gia bất cứ biện pháp trừng phạt nào nhằm vào Nga và khẳng định Nga là một "đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền".
Theo các nhà phân tích, chuyến thăm Ấn Độ của ông chủ Điện Kremlin lần này là cực kỳ đúng lúc bởi chưa bao giờ Nga và Ấn Độ - hai nước có chung quan điểm phản đối mạnh mẽ mọi tư tưởng nhằm thiết lập một trật tự thế giới đơn cực cần nhau như lúc này. Sự nồng ấm của mối quan hệ hợp tác được thể hiện rõ ràng qua việc hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký kết 20 thỏa thuận hợp tác có trị giá hàng tỷ USD trong các lĩnh vực công nghệ, năng lượng hạt nhân, dầu khí, hợp tác quốc phòng. Trong đó, những thỏa thuận quan trọng nhất bao gồm việc Tập đoàn Rosatom của Nga sẽ xây dựng 12 lò phản ứng hạt nhân ở Ấn Độ trong 20 năm tới, Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga ký hợp đồng cung cấp dầu thô 10 năm với Công ty Essar Oil của Ấn Độ và một thỏa thuận cho phép Nga sản xuất một trong những trực thăng tiên tiến nhất của nước này tại Ấn Độ.
Dù chuyến thăm diễn ra không dài nhưng đã chính thức đưa quan hệ Nga-Ấn bước sang một giai đoạn mới mà sự hợp tác giữa hai nước sẽ có tác động không nhỏ tới trục quan hệ quốc tế trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.