Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi diện mạo và chất lượng giáo dục

Minh Khang| 09/07/2015 06:42

(HNM) - Chính thức triển khai từ tháng 1-2013, đến nay sau 3 năm học, dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) do Bộ GD-ĐT chỉ đạo triển khai đã tạo nên sự khởi sắc cụ thể tại các trường tiểu học. Số lượng trường học tham gia triển khai dự án ngày càng tăng, trong đó nhiều trường tự nguyện

Ngày càng nhiều trường tham gia mô hình trường học mới.



Số trường tham gia nhiều

Sau khi thí điểm tại 6 tỉnh khó khăn là Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, Kon Tum và Khánh Hòa, tháng 1-2013, dự án mô hình trường học mới chính thức được triển khai đối với HS lớp 2 và lớp 3, đến năm học 2014-2015 mở rộng cho HS từ lớp 2 đến lớp 5 ở 1.447 trường tiểu học tại 63 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, còn có hơn 1.000 trường tiểu học tự nguyện đăng ký triển khai mô hình này bằng nguồn lực xã hội hóa. Ba năm đầu thực hiện, dù có nhiều khó khăn, song với những nỗ lực của Bộ GD- ĐT và của chính các nhà trường tham gia, mô hình VNEN đã ngày càng khẳng định được sự ưu việt, phù hợp với xu thế phát triển giáo dục và có sức lan tỏa rộng rãi.

Báo cáo sơ bộ sau gần 3 năm triển khai của Bộ GD-ĐT cho thấy, cả 4 nội dung của dự án, bao gồm phát triển tài liệu, tập huấn giáo viên (GV), hỗ trợ các nhà trường, quản lý dự án và truyền thông đều đã được triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và bước đầu có tác động tích cực tới hoạt động của các nhà trường. Tính đến đầu năm 2015, bộ tài liệu dạy và học cho HS và giáo viên của mô hình VNEN ở cấp tiểu học đã được hoàn thành và đang tiếp tục phát triển tài liệu này ở cấp THCS. Công tác tập huấn GV được tiến hành đều đặn vào mỗi dịp hè với quy mô lớn ở cấp trung ương, cấp tỉnh, thành phố và cấp trường, thu hút hàng nghìn GV. Ngoài việc cung cấp tài liệu, tập huấn GV, các trường tham gia dự án được đáp ứng nhiều thiết bị hiện đại như máy tính, máy chiếu, camera, bộ nghe nhìn, máy photocopy… để phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học; hỗ trợ kinh phí mua sắm sách, tài liệu tham khảo… Với một mô hình trường mới, hoạt động truyền thông của dự án được coi là nội dung quan trọng, sau 3 năm cũng đã góp phần đáng kể nâng cao nhận thức của cán bộ, GV và cộng đồng về đổi mới giáo dục thông qua mô hình VNEN. Đây là một trong những yếu tố góp phần tạo nên sức lan tỏa của mô hình trường học mới tại Việt Nam và ngày càng nhận được sự ủng hộ, đồng thuận trong xã hội.

Từ những thành công ở cấp tiểu học và trước nguyện vọng của phụ huynh HS, năm học 2014-2015, Bộ GD-ĐT đã nhân rộng mô hình trường học mới ở cấp THCS với 24 trường ở 6 tỉnh, thành phố. Sự gia tăng về số lượng trường theo mô hình trường học mới là minh chứng rõ nét cho tính ưu việt và sự đáp ứng phù hợp của mô hình này đối với giáo dục Việt Nam.

VNEN là dự án xây dựng mô hình trường học mới với trọng tâm là đổi mới phương pháp, tổ chức lớp học và đánh giá HS theo xu hướng của giáo dục hiện đại. Thời gian thực hiện dự án là 41 tháng, bắt đầu từ tháng 1-2013.

Chất lượng dạy và học tăng

HS được chủ động, sáng tạo trong việc tiếp nhận kiến thức thông qua hình thức tự học có hướng dẫn là một trong những đặc trưng cơ bản nhất của mô hình trường học mới. Để đạt mục tiêu này, việc tổ chức các hoạt động, bao gồm hoạt động dạy và tổ chức, quản lý lớp học, sinh hoạt chuyên môn của GV tại các nhà trường có nhiều điều chỉnh. Trong đó, điều quan trọng nhất trong quá trình dạy học theo mô hình trường học mới là GV chỉ đóng vai trò là người cố vấn, tổ chức hướng dẫn mọi hoạt động giáo dục trong nhà trường. Phương pháp giảng dạy được chuyển đổi từ lối dạy chủ yếu là giảng sang tổ chức hướng dẫn cho HS học tập cá nhân hoặc học nhóm. Một điểm khác biệt nữa là trong khi ở mô hình truyền thống, việc tổ chức các hoạt động trong lớp học do GV điều hành thì ở mô hình trường học mới, HS tự điều hành mọi hoạt động của lớp.

Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Giám đốc dự án VNEN cho biết: Để trang bị cho đội ngũ GV kiến thức, kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu của mô hình trường học mới, hình thức và nội dung tập huấn cho GV có nhiều điểm mới. Điểm mới cơ bản trong hoạt động tập huấn của mô hình VNEN là hạn chế tối đa hình thức tập huấn qua cấp trung gian. Nội dung các khóa tập huấn không có nhiều lý thuyết, không mang tính hàn lâm, mà chủ yếu thông qua các hoạt động trải nghiệm. Việc đổi mới phương thức tập huấn bồi dưỡng đã giúp cho đội ngũ GV từ chỗ còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn khi tổ chức dạy học theo mô hình mới, đã dần làm quen và đến nay, hầu hết đều đã bước đầu chủ động được phương pháp dạy học theo mô hình VNEN. Không khí học tập trong lớp thoải mái hơn, thầy và trò tự tin hơn trong quá trình tổ chức hoạt động học tập. Kết quả học tập của HS ở các nhà trường thay đổi theo hướng tích cực và thực chất hơn.

Thực tế triển khai 3 năm qua khẳng định, mô hình VNEN đã thực sự làm thay đổi nhà trường, trong đó có những thay đổi căn bản trong phương pháp dạy và phương pháp học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi diện mạo và chất lượng giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.