(HNMO) - Đây là thông tin do Cục Tài chính Doanh nghiệp nêu tại cuộc họp báo về kết quả thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2011-2016 diễn ra chiều 23-12 tại Hà Nội. Báo cáo cho thấy, trong 6 năm, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã thoái hơn 11.500 tỷ đồng vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm, gồm bất động sản, chứng khoán...
Tuy nhiên, số tiền thu về lại thấp hơn giá trị đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, còn lại 11.192 tỷ đồng. Nguyên nhân thất thoát vốn là do khoản đầu tư của Tập đoàn Dầu khí (800 tỷ đồng) vào OceanBank, Tổng công ty Lương thực miền Nam đầu tư 1,3 tỷ đồng vào VNCB sau khi hai ngân hàng này được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Ngoài ra, khoản đầu tư 100,6 tỷ đồng của Tổng công ty Thanh Lễ thoái tại Khu biệt thự vườn Chánh Mỹ trong năm 2016 cũng chỉ thu về 18,3 tỷ đồng. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc đầu tư không tránh khỏi sẽ có những khoản lỗ, lãi, song quan trọng là phải bảo toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước. Từ năm 2009, việc đầu tư ngoài ngành đã có quy định khống chế và hiện nay là giai đoạn xử lý những tồn tại của giai đoạn trước. Được biết, năm 2016, có 56 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Các đơn vị đã thoái được 3.646 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 6.840 tỷ đồng. Trong đó, các Tập đoàn, Tổng công ty đã thoái được 490 tỷ đồng, thu về 450 tỷ đồng. Mục tiêu của Bộ Tài chính giai đoạn 2016-2010 là tiếp tục thực hiện cổ phần hóa nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.