Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thấp thỏm chờ “luồng gió mới”

Minh Quang| 26/02/2012 07:47

(HNM) - Chưa lúc nào Đội tuyển vật Việt Nam có hy vọng giành vé chính thức đến Olympic 2012 như lúc này. Không hy vọng vào các đô vật nam, các nhà quản lý đã hoàn toàn đặt niềm tin vào các đô vật nữ.


Không thiếu “thợ”

Không ngẫu nhiên khi danh sách đội tuyển vật quốc gia được tập trung chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế năm 2012 chỉ có 2 đội vật tự do nữ và vật tự do nam. Đội tuyển vật cổ điển không được tập trung do chưa chứng tỏ được khả năng vươn xa tại châu lục. Còn vật tự do vốn gần gũi với vật dân tộc ở nhiều đòn thế nên ít nhiều đã gây được tiếng vang.


Trần Thị Diệu Ninh, niềm hy vọng Olympic của Đội tuyển Vật Việt Nam.

Những đô vật nữ được đầu tư trọng điểm cho vòng loại Olympic 2012 gồm Nguyễn Thị Lụa (hạng 48kg), Trần Thị Diệu Ninh (55kg), Dương Thị Lan (59kg), Lương Thị Quyên (hạng 63kg). Trong số này, Nguyễn Thị Lụa là đương kim á quân ASIAD 16, nhận được nhiều kỳ vọng giành vé đến Olympic 2012. Cũng bởi thế, Tổng cục TDTT, Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao Hà Nội đã đầu tư khá mạnh tay cho Lụa. Thế nhưng, khi danh sách các VĐV châu lục đã giành vé đến Olympic 2012 được công bố thì Lương Thị Quyên (Thanh Hóa) lại có nhiều cơ hội đến London 2012 nhất. Ở Châu Á, hạng 63kg của Lương Thị Quyên đã có 4 đô vật hàng đầu được dự Olympic 2012 gồm Jing Ruixue (Trung Quốc), Ochirbatyn (Mông Cổ), Kaori Icho (Nhật Bản) và Kim Ran-Mi (CHDCND Triều Tiên). Vắng các đô vật hàng đầu châu lục trên, cơ hội đã mở ra cho Lương Thị Quyên, từng tuyên bố giải nghệ sau khi bị xử ép tại SEA Games 26. Nguyễn Thị Lụa cũng có hy vọng khi không phải đối đầu với những đối thủ trên tài ở hạng 48kg nữ như Zhuldyz (Kazakhstan), Zhao (Trung Quốc), Hitomi (Nhật Bản) - đều đã có vé dự Olympic.

Ở Giải vô địch Châu Á vừa qua, trong khi những niềm hy vọng như Nguyễn Thị Lụa, Lương Thị Quyên đều không gây ấn tượng thì một đô vật khác của đội tuyển Việt Nam là Trần Thị Diệu Ninh lại gây chú ý bằng việc đoạt HCB hạng 55kg. Có thể thành tích tại Giải vô địch Châu Á không mang đến cái nhìn chuẩn xác về cơ hội tại vòng loại Olympic nhưng vật Việt Nam vẫn có thêm hy vọng. Còn các đô vật nam vẫn chưa làm nên chuyện tại giải châu lục. Điều này chỉ càng cho thấy, hy vọng đến Olympic 2012 đặt vào các đô vật nữ có cơ sở thế nào.

Chỉ còn chờ "thầy"

Ngay từ đầu năm 2012, danh sách Ban huấn luyện đội tuyển vật quốc gia đã được làm mới. Ông Nguyễn Thế Long, phụ trách bộ môn vật (Tổng cục TDTT) không còn đứng tên HLV trưởng để tập trung làm công việc quản lý. Thay vào đó là Đới Đăng Hỷ, học trò ruột của ông Long tại đội tuyển Hà Nội trước đây. Nhưng thay đổi quan trọng hơn cả là sự vắng mặt của chuyên gia người Gruzia Fridon. Cùng với một đồng hương khác là Soso, ông Fridon đã làm việc ở Việt Nam gần chục năm nay. Trước đây, cả hai làm việc tại Hà Nội. Sau ngày ông Nguyễn Thế Long chuyển từ bộ môn vật Hà Nội lên bộ môn vật (Tổng cục TDTT), cả hai vị chuyên gia trên cũng được đưa lên đội tuyển quốc gia. Một thời gian dài làm việc tại Việt Nam, tinh hoa của cả hai đều đã thể hiện hết. Không có "võ" mới cũng như sự độc đáo trong khâu huấn luyện nên việc hai chuyên gia trên chia tay vật Việt Nam là tất yếu. Thậm chí, nhiều chuyên gia vật còn đánh giá, sự chia tay ấy vẫn là hơi muộn.

Đến nay, công cuộc "làm mới" ở khu vực chỉ đạo của đội tuyển vật tự do nữ Việt Nam vẫn dang dở. Người phải đi đã đi trong khi người cần đến vẫn chưa đến vì những lý do khách quan. Chuyên gia người CHDCND Triều Tiên đã được "nhắm" tới nhưng tất cả vẫn ở chế độ chờ. Các nhà quản lý đã rất hy vọng vào chuyên gia người Triều Tiên, đặc biệt là phương pháp huấn luyện. Ở châu lục và thế giới, các đô vật nữ CHDCND Triều Tiên đã vươn lên đỉnh cao thế giới và châu lục nên đấy cũng là cơ sở để hy vọng vào người mới.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến vòng loại Olympic đầu tiên trong năm 2012 của vật Việt Nam. Các HLV nội vẫn dẫn dắt các đô vật nữ, còn các nhà quản lý vẫn đang thắc thỏm chờ "luồng gió mới" từ Triều Tiên. Chậm một ngày, nỗi thắc thỏm càng dày, hy vọng đến Olympic 2012 càng trở nên chông chênh.

Đội tuyển vật Việt Nam sẽ dự ba cuộc thi vòng loại Olympic là vòng loại Châu Á (từ ngày 30-3 đến 1-4 tại Astana, Kazakhstan - giải có 36 suất đi Olympic); vòng loại thế giới thứ nhất (từ ngày 27 đến 29-4, tại Taiyuan, Trung Quốc - tranh 50 suất); vòng loại thế giới thứ hai (từ ngày 4 đến 6-5 tại Helsinki, Phần Lan - tranh 36 suất).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thấp thỏm chờ “luồng gió mới”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.