(HNNN) - Trong số 5 đô thị vệ tinh đã được quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, với cơ sở hạ tầng hiện hữu, Hòa Lạc và Sóc Sơn được đánh giá là có tính khả thi cao hơn cả. Sở dĩ vậy là do tại hai khu vực này đã hội tụ một số điều kiện thuận lợi về hạ tầng, đặc biệt là về giao thông, dự án phát triển kinh tế - xã hội lớn giúp thúc đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị vệ tinh. Dù còn nhiều “khoảng trống” chờ được phủ lấp, nhưng đã thấy thấp thoáng đâu đó hình hài những đô thị vệ tinh.
Đô thị khoa học công nghệ ở cửa ngõ phía Tây
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Nhưng đến nay, mới chỉ có đô thị Hòa Lạc đã được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/10.000. Theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 28-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ, đô thị Hòa Lạc có quy mô nghiên cứu khoảng 17.274ha. Theo đó, đây là đô thị khoa học công nghệ, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước; trung tâm đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề; trung tâm y tế, khám chữa bệnh điều dưỡng...
Bên cạnh đó, khu đô thị này cũng có khu sinh thái, nghỉ dưỡng theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh, tiết kiệm năng lượng, là trung tâm vùng phía tây Hà Nội trên cơ sở gắn kết địa hình tự nhiên với hệ thống không gian, cảnh quan khu vực Ba Vì - Đồng Mô và sông Tích, hệ thống giao thông cấp vùng và quốc gia (quốc lộ 21, đường Hồ Chí Minh). Dự báo đến năm 2025, dân số đô thị Hòa Lạc khoảng 150.000 người và đến năm 2030 là khoảng 600.000 người. Đô thị Hòa Lạc được phân thành 7 khu vực chức năng chính thì Khu vực Đại học quốc gia Hà Nội (HL1) và Khu vực công nghệ cao (HL2) - hai khu vực vô cùng quan trọng đã hình thành và đang được tiếp tục đầu tư phát triển, hứa hẹn tạo ra sự đột phá.
Không chỉ hai khu vực chức năng trên đã phần nào giúp hình dung về đô thị Hòa Lạc tương lai mà các tuyến giao thông hiện hữu cũng cho thấy sự hứa hẹn phát triển trong tương lai. Đại lộ Thăng Long hiện đại, trong đó phần dải phân cách được quy hoạch để xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5 đoạn đi qua đô thị Hòa Lạc dài khoảng 12,8km với 5 nhà ga. Không những vậy, trong khu vực còn có đường sắt nối các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai. Đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình cũng sẽ được đầu tư kết nối toàn tuyến, tạo sự liên thông thông suốt thúc đẩy kết nối liên kết vùng.
Ông Lê Hải Đăng, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai cho biết, khu vực nghiên cứu đô thị Hòa Lạc có liên quan tới 6 xã trên địa bàn huyện với tổng diện tích 5.575,71ha. Thông tin phát triển đô thị Hòa Lạc thực sự là tin mừng với người dân địa phương. Khu đất đấu giá của huyện gần Đại lộ Thăng Long đã có lô trúng thầu với mức giá gần 70 triệu đồng/m2. Thời gian qua, huyện cũng đã chủ động đầu tư phát triển hạ tầng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trong đó có tính tới mục tiêu kết nối đồng bộ với khu đô thị Hòa Lạc trong tương lai.
Theo ông Đăng, ngoài Đại lộ Thăng Long đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2010, theo quy hoạch, quốc lộ 21 đoạn qua đô thị Hòa Lạc cũng sẽ được cải tạo, mở rộng với mặt cắt ngang rộng 80m gồm 14 làn xe, trong đó có 4 làn đường gom. Các tuyến đường trục chính đô thị và đường liên khu vực kết nối với đường cao tốc và trục chính đô thị như tỉnh lộ 446 cũng sẽ được mở rộng với mặt cắt ngang 30 - 50m với 4 - 8 làn xe (tùy khu vực). Hiện nay huyện cũng đã được giao triển khai thực hiện đường vành đai phía đông Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có mặt cắt rộng 50m. Tuyến đường Bắc - Nam thị trấn Quốc Oai nối Đại lộ Thăng Long với đường 421B cũng đang được đầu tư xây dựng.
Còn ông Đỗ Đăng Diên, cán bộ địa chính xã Phú Cát (huyện Quốc Oai) cho biết, người dân địa phương rất phấn khởi khi nghe thông tin phát triển đô thị vệ tinh. Tuy nhiên, để công tác quản lý, thuyết phục người dân thuận lợi, đặc biệt là khi tiến hành thu hồi đất để thực hiện các dự án, đề nghị các cơ quan chức năng sớm có quy hoạch phân khu chi tiết hơn.
Đô thị công nghiệp và dịch vụ hàng không ở cửa ngõ phía Bắc
Không có quy mô lớn như đô thị vệ tinh Hòa Lạc và cũng chưa được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/10.000, nhưng nói tới đô thị vệ tinh Sóc Sơn, có thể nhiều người sẽ dễ hình dung ra với những công trình, dự án hiện hữu. Theo quy hoạch, đô thị vệ tinh Sóc Sơn sẽ là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái... với quy mô 5.500ha và 250.000 dân. Ngoài Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tấp nập ngày đêm với năng lực phục vụ 20 - 25 triệu hành khách/năm, các tuyến giao thông đường bộ kết nối, đi qua Sóc Sơn cũng đã phát triển đồng bộ, hiện đại như cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, quốc lộ 18...
Dù chưa xuất hiện khu đô thị, chung cư nhưng với Khu công nghiệp Nội Bài, Khu công nghiệp Sóc Sơn, cùng hệ thống giao thông thuộc diện “mẫu mực” như đã nêu, Sóc Sơn cũng phần nào “hội tụ” những yếu tố ra dáng một đô thị vệ tinh trong tương lai gần. Đó là chưa kể nhiều dự án đã, đang và sắp được triển khai trên địa bàn huyện như: Tổ hợp vui chơi giải trí - Trường đua ngựa, dự án trường quay ngoài trời Đài Truyền hình Việt Nam, dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, các dự án thuộc Khu vui chơi giải trí cuối tuần đền Sóc...
Đảng bộ huyện Sóc Sơn đã xác định trong giai đoạn 2020 - 2025 tiếp tục định hướng đầu tư phát triển hạ tầng là khâu đột phá để hướng tới đô thị vệ tinh. Bên cạnh các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp trường học, công trình y tế, văn hóa..., huyện sẽ ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng khung, đặc biệt là 6 tuyến đường có mặt cắt rộng từ 16m trở lên nhằm tăng tính kết nối trong khu vực.
Tuy nhiên, phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn kiến nghị các cơ quan chức năng sớm hoàn thành quy hoạch đô thị vệ tinh và các quy hoạch phân khu. Về phía mình, huyện xác định sẽ hết sức coi trọng công tác quản lý, thực hiện quy hoạch, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, bảo đảm thuận lợi nhất cho việc thực hiện các dự án theo quy hoạch. Công tác thông tin, tuyên truyền cũng được huyện đặc biệt chú trọng để người dân hiểu, đồng tình, ủng hộ chủ trương thực hiện các dự án đầu tư.
Rõ ràng, các địa phương đã xác định rõ quyết tâm thực hiện khâu đột phá “Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đã đề ra. Đó là cơ sở để tin tưởng việc hình thành các đô thị vệ tinh sẽ nhanh hơn, thuận lợi hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.