(HNM) - Thành phố Davos xinh đẹp của Thụy Sĩ lại đang đón chào những vị khách đặc biệt. Nhưng, đó không phải là những du khách với bộ ván trượt tuyết ưa thích...
WEF - 43 được kỳ vọng sẽ đưa ra những khuyến nghị quan trọng để thế giới sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng. |
Diễn đàn kinh tế thế giới Davos (WEF) lần thứ 43 diễn ra khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã bước sang năm thứ sáu. Và cũng đã là lần thứ sáu, chuyện làm thế nào để thoát khỏi khủng hoảng đã trở thành chủ đề trọng tâm của khoảng 250 cuộc hội thảo trong khuôn khổ WEF. Còn nhớ, trong cuộc tập hợp hồi năm 2009, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso lần đầu tiên công bố gói giải cứu cho Hy Lạp, mở đầu cho một giai đoạn nợ nần và khắc khổ chưa từng có ở lục địa phồn hoa. Từ đó đến nay, chưa khi nào câu chuyện Châu Âu lại không xuất hiện trong chương trình nghị sự của diễn đàn Davos. Trong cuộc gặp gỡ thường niên lần này cũng vậy. Dù không còn bị vây bủa bởi tin đồn Hy Lạp sẽ vỡ nợ hay Tây Ban Nha, Italia sắp nối gót tiêu tán như năm ngoái, nhưng sự ì ạch của Châu Âu trong cuộc chiến nợ nần đã không thể khiến những vị khách của WEF-43 có cảm giác nhẹ nhõm. Bên kia bờ Đại Tây Dương, cường quốc số 1 thế giới đã may mắn thoát hiểm trong phút chót để tránh cú va đập trực diện vào "vách đá tài chính". Song, trần nợ công lơ lửng của nước Mỹ vẫn đang phủ bóng lên các nỗ lực hồi phục toàn cầu trong khi cuộc chiến ngân sách đang chờ đợi phía trước tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn mới không chỉ với nền kinh tế số 1 thế giới.
Mặc dù vậy, cuộc tập hợp Davos năm nay dường như đã có nhiều hơn sắc màu lạc quan. Thay vì sự u ám triền miên của những năm trước, có khoảng 52% trong số 1.330 tổng giám đốc điều hành (CEO) được khảo sát tin là nền kinh tế thế giới đã bước qua giai đoạn sóng gió nhất để tiến vào vùng bình yên và ổn định hơn. Trong khi đó, so với con số 48% của năm 2012, chỉ có 28% nhận định kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái mạnh hơn trong năm nay.
Phục hồi hay suy thoái, cả thế giới vẫn đang tìm kiếm lời đáp cho câu hỏi đã đặt ra. Cũng phải nhìn nhận rằng, bằng những cách thức khác nhau, từng khu vực và từng quốc gia trên khắp địa cầu đã cố gắng để chọn cho riêng mình một lối thoát khỏi cơn khủng hoảng hiện hữu. Song, với người sáng lập và cũng là Chủ tịch điều hành WEF-43 Klaus Schwab, đây cũng là điểm yếu chung của toàn cầu. "Sẽ không thể có sự hợp tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu nếu ai cũng chỉ muốn tìm cách tối đa hóa lợi ích của chính mình". Kêu gọi một sự đồng thuận và hợp tác sâu rộng hơn nữa nhằm đối phó hữu hiệu với những cú sốc chưa có tiền lệ và kéo dài, chủ đề "Năng động để thích ứng" của WEF-43 đã đề cập đến cách tư duy và tiếp cận mới trong giải quyết khủng hoảng. Trong sự biến đổi nhanh chóng của thế giới hiện nay, thúc đẩy tăng trưởng không chỉ là kết thúc khó khăn mà phải tạo ra những thời cơ mới. Do đó, năng động sẽ là yếu tố hàng đầu để khởi động lại cỗ máy kinh tế toàn cầu đã chìm lâu trong trì trệ. Tuy nhiên, chỉ vậy thôi là chưa đủ. Những biến cố liên tiếp thời gian qua cho thấy, một quốc gia có thể trụ vững hay không sẽ phụ thuộc vào khả năng chống chịu những cú sốc đột ngột. Vì lẽ đó, chỉ số thích ứng với sự thay đổi của đời sống kinh tế, chính trị thế giới trong một tư duy năng động sẽ là hành trang quan trọng để cuộc vượt thoát khó khăn khỏi các nguy cơ tài chính dần đi đến thành công.
Không phải là nơi có thể đưa ra những kết luận về chính sách, nhưng sự hội tụ của các nhà lãnh đạo, chủ tịch tập đoàn, doanh nhân, nhà kinh tế... hàng đầu thế giới đã khiến WEF trở thành diễn đàn có uy tín được chờ đợi nhất hằng năm. Hy vọng rằng, những khuyến nghị tại WEF-43 tại Davos sẽ mang lại niềm tin, sự lạc quan mới và dẫn thế giới đến một bến đỗ bình yên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.