Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thắp lên ngọn lửa nhân ái

Bắc Vũ| 16/12/2022 06:26

(HNM) - “Một giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại”. Thông điệp ý nghĩa và nhân văn này đã, đang trở thành hành động của nhiều người, với suy nghĩ cao cả: Sống là đâu chỉ cho riêng mình…

Hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện rõ nhất truyền thống "tương thân, tương ái", "thương người như thể thương thân" của dân tộc ta. Vì thế, trong nhiều năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện đã thu hút được rất nhiều người dân tham gia. Trong thời gian vừa qua, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học đã tích cực đồng hành, tổ chức các ngày hiến máu đạt hiệu quả thực chất. Nhờ vậy, lượng máu tiếp nhận thời gian gần đây đều đạt cao, trung bình 34.000 đơn vị máu/tháng.

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các cơ sở y tế đã tiếp nhận hơn 254.000 đơn vị máu do người dân Thủ đô hiến tặng, đạt 108% kế hoạch năm…

Điều ý nghĩa là từ giọt máu hồng được sẻ chia đã mang đến sự sống cho rất nhiều người bệnh; thiết thực góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Và hơn thế, những người hiến máu tình nguyện đã thắp lên ngọn lửa của lòng nhân ái, tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm cao cả với cộng đồng.

Trên hết, ai cũng hiểu, hiến máu là hành động cho đi những giọt máu trong cơ thể chúng ta một cách tự nguyện, nhằm giúp đỡ những người cần đến nó. Khi ta trao đi những giọt máu, tuy chỉ là một phần nhỏ nhưng đem lại hy vọng cho những người cần máu gấp. Vì thế, mỗi cá nhân, mỗi tập thể cần hăng hái hưởng ứng các phong trào hiến máu cứu người và coi đó là trách nhiệm, bổn phận thiêng liêng của mỗi chúng ta.

Để tiếp tục đưa phong trào hiến máu tình nguyện lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, nhiệm vụ quan trọng cần được các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là ngành Y tế làm tốt hơn nữa là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. Làm sao để mọi người dân đều nâng cao hiểu biết về hiến máu và thấy được tình cảm, trách nhiệm của bản thân với cộng đồng xã hội, nhất là với người bệnh đang cần đến máu. Việc tuyên truyền phải được thực hiện thiết thực, dễ hiểu, bằng nhiều hình thức khác nhau như trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các chương trình giao lưu, mít tinh, văn nghệ, hội thi tuyên truyền viên giỏi, các đội truyền thông lưu động, giao lưu trực tiếp với những người đã nhiều lần tham gia hiến máu…

Đặc biệt, cần lồng ghép tuyên truyền và thực hiện hiệu quả các “chiến dịch” và sự kiện lớn về hiến máu tình nguyện, như: Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết, Lễ hội Xuân hồng, Chủ nhật Đỏ; Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4); Ngày Quốc tế người hiến máu (14-6); Chiến dịch những giọt máu hồng hè, Hành trình đỏ… Cùng với đó, tiếp tục phát huy hiệu quả và mở rộng các loại hình câu lạc bộ hiến máu tình nguyện, hiến máu dự bị, người có nhóm máu hiếm, gia đình, dòng họ hiến máu…

Hành trình trao đời sự sống phải là liên tục, thường xuyên. Nhưng trên thực tế, tình trạng thiếu máu vẫn xảy ra ở một số địa phương, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, thời điểm diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai… Do đó, ngay từ thời điểm này, các cơ sở y tế cùng các cơ quan, đơn vị liên quan cần chủ động kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thu hút người dân tham gia hiến máu; thực hiện tốt việc tổ chức tiếp nhận người hiến máu với quy mô, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau…

Máu là loại "thuốc đặc biệt", máu an toàn chỉ có thể hiến tặng từ chính những người khỏe mạnh, tình nguyện và hiến máu thường xuyên, cùng nhau thắp lên ngọn lửa nhân ái. Mỗi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy luôn sẵn sàng, hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu cứu người. Qua đó, giúp cho mỗi người kiểm tra sức khỏe của mình, cứu giúp người bệnh, vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thắp lên ngọn lửa nhân ái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.