(HNM) - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bất ngờ có chuyến thăm các binh sĩ Mỹ tại Afghanistan nhân dịp lễ Tạ ơn, chuyến công du đầu tiên của ông D.Trump tới Afghanistan kể từ khi nhậm chức tổng thống. Diễn ra một tuần sau cuộc trao đổi tù nhân giữa Washington và Kabul với phong trào Hồi giáo Taliban, chuyến thăm làm tăng hy vọng về việc khôi phục hòa đàm, vốn bị đình trệ từ tháng 9-2019, giữa Mỹ với phong trào hồi giáo này. Ngày 29-11, phía Taliban cho biết cũng sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Mỹ.
Kế hoạch nghỉ lễ Tạ ơn với lính Mỹ đồn trú ở Afghanistan của ông D.Trump đã được các trợ lý Nhà Trắng lên kế hoạch kỹ lưỡng trong nhiều tuần liền và giữ bí mật thông tin về chuyến đi cho tới phút cuối cùng. Dù thời gian ở lại vùng chiến sự không nhiều, song qua lời phát biểu ngắn của ông D.Trump trước các binh sĩ đồn trú tại Bagram, nhiều ý kiến cho rằng, Tổng thống Mỹ sẽ khép lại cuộc chiến lâu năm nhất của Mỹ ở nước ngoài và thúc đẩy “chuyến xe hòa bình” về đúng lộ trình.
“Cuộc chiến ở Afghanistan sẽ không được định đoạt trên chiến trường, mà bởi các giải pháp chính trị của chính người dân Afghanistan. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc không mệt mỏi cho đến ngày có thể đưa mọi người về nhà an toàn, và ngày đó sẽ đến" - Tổng thống D.Trump phát biểu.
Trên thực tế, suốt một năm qua, Mỹ đã xúc tiến tổng cộng 9 vòng đàm phán với Taliban nhằm đạt được thỏa thuận thúc đẩy hòa bình tại Afghanistan. Tại vòng đàm phán thứ chín, hai bên nhất trí một dự thảo thỏa thuận được đánh giá là bước đột phá để chấm dứt xung đột.
Theo các nhà phân tích, giới chức Mỹ đã đạt được tiến bộ chưa từng có trong các cuộc đàm phán với Taliban, gây áp lực buộc nhóm vũ trang từng che chở cho trùm khủng bố Osama bin Laden phải đưa ra một số cam kết: Không cho phép các tổ chức khủng bố như mạng lưới quốc tế al-Qaeda hoặc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lợi dụng Afghanistan làm "bàn đạp" để tiến hành các vụ tấn công vào Mỹ và những nước đồng minh. Đổi lại, Mỹ có kế hoạch rút 5.000 binh sĩ khỏi Afghanistan và đóng cửa 5 căn cứ quân sự trong vòng 135 ngày.
Tổng thống D.Trump thậm chí đã quyết định mời Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và các thủ lĩnh Taliban tới Trại David để ký kết thỏa thuận hòa bình tại một hội nghị thượng đỉnh vào ngày 8-9. Tuy nhiên, tất cả đã bị hủy bỏ vào phút chót sau khi Taliban mở một cuộc tấn công ở thủ đô Kabul ngày 5-9, khiến 12 người thiệt mạng trong đó có một lính Mỹ.
Trong khi đó, báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy, số dân thường thiệt mạng hoặc bị thương do xung đột tại Afghanistan từ tháng 7-2019 đến nay, đã tăng lên tới mức cao chưa từng thấy, hơn 1.174 người thiệt mạng và 3.139 người bị thương, tăng 42% so với cùng kỳ tháng 11-2018.
Như vậy, tính từ đầu năm 2019, đã có hơn 2.560 dân thường thiệt mạng và khoảng 5.600 người bị thương, hơn 41% trong số này là phụ nữ và trẻ em. Nếu tiến trình đàm phán hòa bình càng kéo dài, con số người dân chịu thương vong sẽ càng gia tăng. Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan (UNAMA) đã nhấn mạnh, thực trạng nói trên là không thể chấp nhận được, đồng thời cho rằng, đối thoại hòa bình hướng tới một lệnh ngừng bắn và sự dàn xếp chính trị lâu dài là rất cần thiết.
Mười tám năm đã trôi qua kể từ khi Mỹ đưa quân vào sau thảm họa tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001, Afghanistan vẫn chưa có một "nền hòa bình và ổn định" như mục tiêu mà Washington đề ra. Hiện vẫn còn khoảng 13.000 binh sĩ Mỹ ở lại quốc gia Nam Á này. Những động thái của Tổng thống D.Trump và sự xuống thang của Taliban một lần nữa thắp lên tia hy vọng hòa bình cho đất nước chìm trong bom đạn suốt gần 2 thập niên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.