Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thảo luận về dự thảo Luật Căn cước công dân: Vẫn còn nhiều băn khoăn

Hà Phong| 20/06/2014 05:59

(HNM) - Dự thảo Luật Căn cước công dân thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc toàn thể tại hội trường ngày 19-6.



Việc đang sử dụng chứng minh nhân dân 9 số lại chuyển sang 12 số, sau đó đổi thành thẻ căn cước công dân đã tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội tổng thể khi triển khai chưa, có mang lại hiệu quả lan tỏa như Ban soạn thảo kỳ vọng không… là vấn đề nhận được nhiều ý kiến băn khoăn, đề nghị làm rõ.

Nếu thay đổi chứng minh nhân dân thành thẻ căn cước có thể gây khó khăn cho các giao dịch dân sự của người dân. Ảnh: Như Ý


Nguy cơ lãng phí đã hiển hiện

Trong khi QH đang cho ý kiến về dự thảo Luật Căn cước công dân với mục đích đổi chứng minh nhân dân thành thẻ căn cước công dân trong tương lai không xa, nhưng nhiều địa phương đã triển khai cấp mẫu chứng minh nhân dân mới 12 số. Do đó, theo ĐB Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương), mối quan tâm của dư luận hiện nay là việc này có gây lãng phí không? Đã tồn tại nhiều quan điểm trái ngược nhau, có ý kiến cho rằng đây chỉ là dự án mang tính chất thử nghiệm, song theo ĐB Phạm Trọng Nhân, trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn, chỉ riêng thay thế chứng minh nhân dân 9 số bằng chứng minh nhân dân 12 số đã rất tốn kém tài nguyên lưu trữ, làm chậm tốc độ truyền dẫn và xử lý dữ liệu. ĐB Phạm Trọng Nhân phân tích: "Với 9 số của chứng minh nhân dân phổ biến đang dùng, sẽ có gần 1 tỷ đầu số. Trong khi đó theo tờ trình của Chính phủ mới cấp hơn 68 triệu đầu số. Căn cứ tốc độ tăng dân số hiện nay, kho số này ít nhất dùng được hơn 400 năm. Bỏ đi 68 triệu chứng minh nhân dân cũ với những mối quan hệ đã thiết lập chằng chịt lan tỏa trong toàn xã hội là một việc làm cần được cân nhắc. Lúc này rất cần tính toán lại, dừng cấp chứng minh nhân dân 12 số và tiến hành hợp nhất toàn quốc kho chứng minh nhân dân 9 số hiện nay".

Lo ngại về một sự tốn kém nữa khi đổi từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) nêu quan điểm, xét kỹ có thể thấy bản chất của thẻ căn cước và chứng minh nhân dân không có gì thay đổi. Vì vậy, chỉ nên dùng một loại giấy tờ duy nhất để chứng minh nhân thân mỗi người, thay thế được hộ khẩu, hộ chiếu, các giấy tờ khác như giấy khai sinh, nhóm máu, mã số thuế… Cũng thể hiện quan điểm không đồng tình việc cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 15 tuổi, ĐB Nguyễn Ngọc Phương phân tích: "Bản thân dự luật đã có sự mâu thuẫn. Điều 3 quy định căn cước công dân là các thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhận dạng của công dân theo quy định của luật này để xác định một người cụ thể và phân biệt người này với người khác. Trong khi Điều 18 lại quy định đối với người dưới 15 tuổi thì không in ảnh, vân tay và ghi đặc điểm nhận dạng của người đó trên thẻ".

Tham gia thảo luận, ĐB Đặng Thị Kim Liên (Đoàn Yên Bái) cũng cho rằng, việc cấp thẻ căn cước cho công dân khi sinh ra là thêm thủ tục cho công dân, tạo sự tốn kém vô lý. Vì các em có đặc điểm nhận dạng chưa ổn định, chưa phải chịu trách nhiệm về hình sự và trong các giao dịch dân sự cũng cần có cha mẹ, người giám hộ làm đại diện.

Tích hợp thông tin - yêu cầu cấp thiết

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh), một vấn đề nữa rất cần mổ xẻ, làm rõ là sự cần thiết tích hợp thông tin nhất thể hóa căn cước, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Người dân mong muốn khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực, không còn phải cùng lúc mang quá nhiều giấy tờ tùy thân trong túi để thực hiện các giao dịch. Đây là điều Ban soạn thảo là Bộ CA không thể bỏ qua. Nhưng đến nay, câu trả lời thẻ căn cước công dân khi lập ra giải quyết được những vấn đề tích hợp thông tin nhất thể hóa ra sao, bao lâu thì làm xong, việc đồng bộ và hợp nhất với những giấy tờ chứng minh khác như thế nào, tốn kém bao nhiêu vẫn chưa có. Đặc biệt hiệu quả chính trị, kinh tế - xã hội lại càng mờ mịt. Do đó, ĐBQH phải được tiếp xúc với đề án triển khai, trong đó có những thông tin, thông số cần thiết, trước khi thông qua luật này.

Về cơ sở dữ liệu công dân, ĐB Đỗ Trọng Niễn (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, Ban soạn thảo đề xuất, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xác lập từ hai nguồn gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công dân trực tiếp đi khai báo khi đến làm thẻ căn cước công dân là chưa khoa học. Công tác chuẩn bị như vậy là chưa thật sẵn sàng, khó xác định nguồn chính xác để làm căn cứ, giải quyết mâu thuẫn khi thông tin không giống nhau. Giải pháp tốt nhất theo ĐB Đỗ Trọng Niễn là đẩy nhanh hơn nữa quá trình xây dựng, hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước khi ban hành luật.

Đồng tình với quan điểm này, một số đại biểu kiến nghị cần thay đổi mô hình, cách cập nhật thủ công trước đây; chỉ xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia duy nhất về căn cước và hộ tịch, giao trách nhiệm quản lý nhà nước cho một bộ duy nhất tiến hành cập nhật và đồng bộ dữ liệu hộ tịch vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong hệ thống này, mỗi công dân sẽ có một mã số để xác định các dữ kiện căn cước và sự kiện hộ tịch của công dân đó trong suốt cuộc đời… Căn cước, hộ tịch không thể tách rời, do đó nên nhập Luật Căn cước công dân trở thành một chương của Luật Hộ tịch để bảo đảm tính thống nhất. Mặt khác, nhu cầu cấp thẻ căn cước công dân là rất lớn, ngay từ bây giờ, Bộ CA cũng nên có hướng phân cấp thẩm quyền cấp thẻ cho CA cấp huyện ngay khi đủ điều kiện nhân vật lực.

ĐB Nguyễn Đức Chung (Đoàn Hà Nội): Thẻ căn cước công dân hay chứng minh nhân dân đều là vấn đề được dư luận quan tâm, dù công năng như nhau. Qua tâm tư nguyện vọng của các cán bộ chiến sĩ trong ngành CA và ý kiến cử tri, đề nghị luật này không nên dùng từ thẻ căn cước công dân mà để là chứng minh nhân dân. Nếu thay đổi thành thẻ căn cước công dân thì toàn bộ hệ thống phần mềm liên quan đến chứng minh nhân dân của các cơ sở ngân hàng tín dụng phải thay đổi. Tất cả các giao dịch hành chính liên quan đến chứng minh nhân dân cũng phải sửa biểu mẫu, phần mềm quản lý. Về vấn đề cấp thẻ căn cước công dân đối với trẻ em mới sinh ra, tôi có những thông tin thế này để các ĐBQH tính toán. Trẻ từ khi sinh ra đến trưởng thành rất nhiều lần phải sử dụng đến bản sao giấy khai sinh. Ví dụ như đi tiêm chủng, liên quan đến đi học, làm hộ chiếu, khám, chữa bệnh, đi lại bằng đường hàng không… Nếu chúng ta tính một lần làm chứng minh nhân dân cho các cháu, tốn chỉ 40 nghìn đồng thay vì đi lại sao giấy khai sinh thì về hiệu quả kinh tế, cải cách thủ tục hành chính đều hơn rất nhiều.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thảo luận về dự thảo Luật Căn cước công dân: Vẫn còn nhiều băn khoăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.