(HNM) - Liên quan trực tiếp tới cuộc sống của người lao động, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã thực sự làm nóng nghị trường Quốc hội (QH) trong phiên làm việc hôm qua (23-5). Những nội dung của dự án luật liên quan tới quy định về lương tối thiểu, thời gian làm thêm, tuổi nghỉ hưu, chế độ nghỉ thai sản… của người lao động được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Nhiều điểm mới được tiếp thu, chỉnh lý
Sau thời gian dài chuẩn bị và tiếp thu ý kiến góp ý, báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH trình bày đã bổ sung nhiều điểm mới quan trọng. Gồm 244 điều, 17 chương, dự thảo bộ luật đã bổ sung các nguyên tắc đối với tiền lương tối thiểu theo tháng, tuần, ngày, giờ (được xác lập theo vùng, theo ngành và giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thị trường lao động, thực tiễn ngành, nghề, loại công việc từng thời kỳ). Về nguyên tắc, tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Chính phủ phải điều chỉnh mức lương tối thiểu khi chỉ số giá sinh hoạt tăng cao làm cơ sở cho các doanh nghiệp điều chỉnh tiền lương kịp thời nhằm bảo vệ lợi ích của người lao động, hài hòa lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động. Một điểm mới đáng ghi nhận là dự thảo đã quy định về Hội đồng tiền lương quốc gia (Điều 94) nhằm thực hiện chức năng tư vấn, thẩm định, đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước về mức tiền lương tối thiểu, tham gia xây dựng chính sách tiền lương quốc gia… Đây là cơ chế mới so với bộ luật hiện hành, thể hiện được đặc trưng của quan hệ lao động, qua đó tiền lương được xem xét công khai, toàn diện hơn, phù hợp với thị trường lao động và xu hướng tiến bộ.
Sản xuất máy in tại Công ty TNHH Canon Việt Nam - KCN Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt |
Về tuổi nghỉ hưu, dự thảo quy định cơ bản giữ như hiện hành, nhưng đã cho phép có thể điều chỉnh đối với nhóm lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo. Có quy định cụ thể thời gian tăng tuổi nghỉ hưu, đối với nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Nhóm lao động làm công tác quản lý, dự thảo đã thể hiện theo hướng có thể kéo dài thời gian làm việc (nhưng không quá 5 năm) nếu tự nguyện, có sức khỏe và nhu cầu lao động, tùy điều kiện trong từng giai đoạn, Chính phủ có thể xem xét quy định cụ thể. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cũng đã được điều chỉnh tăng từ 4 ngày lên 5 ngày.
Lương tối thiểu mới bảo đảm 60% nhu cầu thực tế
Báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH cho thấy, hiện nay mức tiền lương tối thiểu đang được xác định theo 4 vùng kinh tế - địa lý và đã có sự thống nhất một mức chung giữa các loại hình doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân từ năm 2011. Cụ thể vùng 1 là 2 triệu đồng, vùng 2: 1,78 triệu đồng, vùng 3: 1,55 triệu đồng và vùng 4: 1,4 triệu đồng. Đối với cán bộ, công chức, mức lương tối thiểu từ ngày 1-5-2011 là 830.000 đồng và từ ngày 1-5-2012 là 1.050.000 đồng/tháng. Theo đại biểu Đặng Ngọc Tùng (đoàn Đồng Nai), trong điều kiện hiện nay, mức lương tối thiểu mà Chính phủ quy định mới chỉ bằng 60% thực tế, điều này đã "vô tình" vi phạm khoản 1 Điều 92 của Bộ luật Lao động. Việc quy định mức lương tối thiểu cần phải bám sát thực tế để người lao động bảo đảm mức sống tối thiểu. Mặt khác, luật cũng cần quy định vai trò giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước trong xây dựng thang, bảng lương. Đại biểu Đặng Ngọc Tùng cũng yêu cầu Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần quy định bình đẳng thời gian làm việc đối với mọi lao động, không nên quy định công chức làm việc 40 giờ/tuần, trong khi người lao động lại 48 giờ/tuần như hiện nay.
Dẫn ra hiện tượng người lao động bị vắt kiệt sức lao động vì làm thêm, đại biểu Cù Thị Hậu (đoàn Hưng Yên) đề nghị cần có chế độ lương hợp lý để người lao động không phải làm thêm. Còn đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (đoàn Bắc Ninh) cho rằng dự thảo đưa ra lần này đã bảo đảm nhiều quyền lợi cho người lao động, nhưng chưa có các chế tài khuyến khích, tạo điều kiện để người lao động phấn đấu vươn lên, nâng cao trình độ. Vì vậy nên bổ sung những quy định theo hướng này, ví dụ như cho người lao động được nghỉ có hưởng lương khi đi thi cử. Đề xuất của đại biểu Trần Xuân Vinh (đoàn Quảng Nam) cũng là một ý kiến đáng lưu tâm khi đề nghị cho phép người lao động có con cái kết hôn được nghỉ phép 2 ngày nhưng vẫn hưởng lương.
Trong phiên thảo luận sáng qua, hầu hết ý kiến của các vị đại biểu đều đồng tình quy định tuổi nghỉ hưu như dự thảo (nữ 55, nam 60), tuy nhiên đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) lại có nhìn nhận khác khi cho rằng lao động và quyền lao động của mọi người là như nhau, do vậy cần phải có sự bình đẳng về độ tuổi nghỉ lao động giữa nam và nữ.
Đề nghị mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm tiền gửi Trong phiên thảo luận chiều qua về Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi, nhiều đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm thu hút vốn đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đề nghị xem xét việc bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý (vàng…) vì Nhà nước đang khuyến khích kiều hối và thu hút tiền gửi bằng ngoại tệ. Bổ sung quy định nguyên tắc, tiêu chí tính phí bảo hiểm tiền gửi, theo đó tính phí bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở định mức tín nhiệm, mức độ rủi ro của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi hoặc quy định ngay mức phí BHTG cụ thể trong luật. Cũng trong phiên họp chiều qua, QH đã nghe Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ QH trình bày tờ trình đề nghị QH bãi nhiệm tư cách đại biểu QH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, Đoàn đại biểu QH tỉnh Long An. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.