Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đức Anh| 21/10/2017 07:43

(HNM) - Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số lượng lớn trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, đóng góp khoảng 45% GDP. Nhưng, khối doanh nghiệp này rất khó bứt phá do nguồn vốn hạn hẹp và gặp khó khăn trong tiếp cận vốn.

Tháo gỡ vốn tín dụng ngân hàng sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Nhật Nam


Thiếu vốn, doanh nghiệp gặp khó

Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đoàn Duy Khương, tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đóng góp 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động, đóng góp tích cực cho nền kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho toàn xã hội. Được xác định là động lực phát triển của nền kinh tế nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn.

Làm rõ thêm về những khó khăn, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, khiến chất lượng, hiệu quả kinh doanh, cũng như khả năng cạnh tranh không cao. Ngay cả những điểm được coi là lợi thế của khối doanh nghiệp này như: Cần ít vốn, chi phí quản lý, sử dụng nguồn lao động giá rẻ... cũng không còn là lợi thế, thậm chí trở thành bất lợi trong môi trường cạnh tranh quốc tế.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Quốc Toản, đại diện Công ty TNHH Toản Xuân (doanh nghiệp sở hữu chuỗi sản xuất gạo sạch xuất khẩu) nhận xét, việc Chính phủ ban hành chính sách cho vay để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và dự kiến xây dựng gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao đã thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa bền vững phục vụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, để chính sách tín dụng này đến với doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng, cũng như những doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung lại là vấn đề không đơn giản. Tìm lời giải cho vấn đề này chính là mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Lâm Văn Chiểu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân (doanh nghiệp chuyên sản xuất giống lúa lai F1 hàng đầu Việt Nam) cho rằng, để thực thi dự án công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, lãi suất vốn vay phải ở mức 5-6%/năm thì doanh nghiệp kinh doanh mới có hiệu quả và mạnh dạn đầu tư.

Gỡ “nút thắt” tín dụng

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng do thủ tục vay vốn phức tạp và thiếu tài sản bảo đảm. Trong khi đó, thông tin tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường thiếu đầy đủ, kém minh bạch, quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ... Do vậy, để có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn, các doanh nghiệp cần có chiến lược hoạt động hiệu quả, minh bạch thông tin. Điều này sẽ giúp các ngân hàng trở thành “bạn đồng hành” của doanh nghiệp. Được biết, lãi suất cho vay trong các chương trình kết nối, các gói tín dụng của các ngân hàng thương mại thường thấp hơn mặt bằng lãi suất chung 0,5-1,5%/năm. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được vay tín chấp tại các ngân hàng thương mại, điều trước đây rất hiếm thấy. Đặc biệt, từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (ngày 30-12-2016) quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, quan hệ tín dụng giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đã cởi mở hơn.

Về phía các ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, VietinBank đã giảm quy trình, mẫu biểu nhằm rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục và thông báo sớm cho khách hàng về kết quả thẩm định. Về chính sách lãi suất, VietinBank duy trì lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 6,5%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, đồng thời ban hành nhiều chương trình tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ. VietinBank cũng cam kết tiếp tục dành nguồn vốn ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Không chỉ VietinBank, đại diện nhiều ngân hàng khác cũng khẳng định đã thiết kế các sản phẩm dành cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, sẵn sàng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay tín chấp. Hiện, khối doanh nghiệp này đang khó tiếp cận vốn ngân hàng do không có tài sản bảo đảm, thời gian thành lập ngắn và không có báo cáo tài chính chuẩn để đáp ứng yêu cầu của ngân hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp này thường mới thành lập, trong khi tiêu chí truyền thống của ngân hàng là phải thành lập từ 2 đến 3 năm trở lên và phải đạt lợi nhuận vài năm liên tiếp mới đủ điều kiện vay vốn. Tuy nhiên, hiện một số ngân hàng vẫn cho doanh nghiệp mới thành lập từ 6 tháng trở lên được vay vốn.

Để ngân hàng và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành “bạn đồng hành”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa là chuyện không mới, nhưng vẫn nhức nhối. Bên cạnh việc tổ chức các diễn đàn để kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước, các ngân hàng thương mại cũng cần thường xuyên giao lưu, phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp để có cách làm tích cực hơn, qua đó khơi thông dòng vốn và giảm lãi suất cho các doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.