(HNM) - Việc triển khai thu hồi nợ xấu gặp nhiều vướng mắc vì khách hàng thiếu hợp tác; công tác phát mãi tài sản phức tạp, tốn nhiều thời gian... Không muốn hình thành "gánh nặng", nhiều ngân hàng thương mại tại thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị các cơ quan chức năng đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn để thu hồi nợ xấu...
10 năm chưa đòi được nợ
Nhiều ngân hàng thương mại tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đang gặp không ít khó khăn trong việc rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Thậm chí, có những vụ việc kéo dài 10 năm chưa giải quyết được.
Đơn cử, năm 2011, khách hàng có khoản vay tại Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) nhưng sau đó không trả được nợ. Năm 2017, ngân hàng khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận (thành phố Hồ Chí Minh) và đã có bản án, chuyển qua cơ quan thi hành án để bàn giao tài sản cho ngân hàng xử lý nợ. Nhưng, bản án chưa kịp thi hành thì năm 2018, vợ của khách hàng này nộp đơn lên cơ quan thi hành án yêu cầu công nhận tài sản chuẩn bị giao cho ngân hàng xử lý nợ là tài sản chung; do đó, quyết định thi hành án tạm phải dừng lại. Sau 10 năm, khoản vay gồm gốc và lãi đến nay đã là 27 tỷ đồng, nhưng ngân hàng chưa thể thu hồi tài sản thế chấp để xử lý nợ vì phát sinh liên quan đến bên thứ ba.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Hiện ngân hàng có 8 hồ sơ xử lý nợ tại tòa án đã khởi kiện từ năm 2018 nhưng chưa giải quyết xong, với tổng dư nợ gần 50 tỷ đồng; 13 hồ sơ xử lý nợ đã khởi kiện trong giai đoạn từ năm 2010-2016 vẫn chưa được xét xử, với tổng dư nợ là hơn 350 tỷ đồng.
Liên quan tới công tác thu hồi nợ xấu, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBANK) Nguyễn Thị Hương cho biết, theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm nếu trong hợp đồng bảo đảm hoặc văn bản khác giữa tổ chức tín dụng và khách hàng có nội dung đồng thuận về việc thu giữ tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, nhiều hợp đồng bảo đảm vốn vay được lập trước khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực, trong nội dung về xử lý tài sản bảo đảm khi người vay mất khả năng chi trả khoản vay lại không ghi rõ nội dung việc thu giữ. Điều này khiến các tổ chức tín dụng không đủ căn cứ để tiếp quản tài sản bảo đảm.
Về phía tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân quận 1 Quách Hữu Thái cho rằng, nguyên nhân của sự chậm trễ, bế tắc ở nhiều vụ việc là do quá trình thẩm định tài sản bảo đảm ở một số ngân hàng không chặt chẽ, dẫn tới tranh chấp, khó xử lý khi phát sinh thêm những người và tài sản khác có liên quan. Bên cạnh đó, pháp luật về thi hành án vẫn còn một số kẽ hở giúp cho người phải thi hành án lợi dụng trốn tránh, kéo dài thời gian thi hành, như tình trạng tài sản khi kê biên có tranh chấp thì phải hoãn thi hành án chờ kết quả giải quyết của tòa.
Cần cơ chế pháp lý đủ mạnh
Theo bà Nguyễn Thị Hương, công tác xử lý, thu hồi nợ xấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các ngân hàng thương mại, cần phải có cơ chế pháp lý rất rõ ràng. Khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực, ABBANK mong muốn nghị quyết mới sẽ sớm được ban hành trên cơ sở phát huy tích cực những kết quả và kinh nghiệm từ việc áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Còn Giám đốc xử lý nợ (Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - SCB) Nguyễn Văn Hải kiến nghị, cơ quan lập pháp xây dựng chế tài xử lý đủ mạnh đối với đương sự cố ý không chấp hành, tạo tranh chấp để kéo dài thời gian thi hành án. Theo đó, cần yêu cầu đương sự khi khởi kiện tranh chấp liên quan đến tài sản đang được thi hành án (bên thứ ba) phải ký quỹ một khoản tiền để bồi thường cho người được thi hành án (là ngân hàng), nếu đơn kiện đó bị bác. "Việc này hạn chế được các tranh chấp giả, nhằm trốn tránh trách nhiệm phải thi hành án, răn đe các đối tượng có ý định trây ỳ thi hành án để trục lợi", ông Nguyễn Văn Hải nói.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Chánh Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh Phan Tấn Trung cho rằng, cần phát triển thị trường mua bán nợ; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao và xử lý tài sản bảo đảm…
Cũng theo ông Phan Tấn Trung, lũy kế từ ngày 15-8-2017 đến 31-12-2020 toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 331.870 tỷ đồng nợ xấu. Riêng tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, tổng nợ xấu đã xử lý theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 chiếm khoảng 60% tổng số nợ xấu trong phạm vi cả nước.
"Trước khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hạn thí điểm vào ngày 15-8-2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét ban hành chính sách phù hợp, bảo đảm thu hồi hiệu quả các khoản nợ xấu", ông Phan Tấn Trung thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.