(HNMO) - Sáng 8-12, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội đã thảo luận tại hội trường về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2022. Các đại biểu đã phát biểu đề xuất, hiến kế nhiều giải pháp tháo gỡ điểm “nghẽn” trong công tác đầu tư công, phân cấp nguồn thu, công tác chống dịch… nhằm phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô cả trước mắt và lâu dài.
Các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Thường trực HĐND, UBND thành phố tham dự kỳ họp.
Thí điểm tách hạng mục giải phóng mặt bằng riêng khỏi dự án đầu tư
Theo nhiều đại biểu, nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, nên công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như bảo đảm an sinh xã hội cho người dân được triển khai hiệu quả. Các doanh nghiệp, người dân dần thích nghi với tình hình dịch bệnh để vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, để phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19, thành phố cần tập trung tháo gỡ những điểm “nghẽn” về giải phóng mặt bằng, tập trung vào các dự án còn chậm tiến độ, qua đó thúc đẩy kinh tế phát triển.
Đại biểu Đàm Văn Huân (Tổ huyện Gia Lâm) nhận định, thực hiện đầu tư công trên địa bàn thành phố còn hạn chế do giải phóng mặt bằng. Công tác giải phóng mặt bằng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tách giải phóng mặt bằng riêng ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ.
Lấy ví dụ về các dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng, đại biểu Đàm Văn Huân đề nghị thành phố kiến nghị với Chính phủ để thực hiện thí điểm việc tách hạng mục giải phóng mặt bằng riêng với dự án đầu tư để tăng hiệu quả. Cùng với đó, thành phố cần công bố sớm giá vật liệu xây dựng, bởi nếu chậm công bố giá vật liệu xây dựng cũng ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các dự án.
Đại biểu Nguyễn Bích Thủy (Tổ quận Cầu Giấy) bày tỏ lo ngại về việc các dự án đầu tư bị chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng. Ngoài các nguyên nhân trên, đại biểu Nguyễn Bích Thủy cho rằng còn nguyên nhân một số thủ tục hành chính còn bất cập, vì thế, thành phố cần đánh giá về việc thích ứng linh hoạt trong công tác cải cách hành chính với tình hình dịch bệnh.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ huyện Mê Linh) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô đang mong đợi sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành trong bối cảnh các doanh nghiệp chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, trong đó cần có thêm những chính sách, giải pháp mang tính đột phá hơn. Để phát triển Thủ đô bền vững, vấn đề quy hoạch chung cần phải đi trước một bước, nhưng thành phố chưa làm được. Vì thế, tại các vùng nông thôn, các khu đô thị, công nghiệp…, tình trạng ô nhiễm môi trường, xây dựng trái phép vẫn diễn ra. Để phát triển các khu đô thị thông minh theo mục tiêu, Hà Nội cần chú trọng quy hoạch đi trước một bước và có thể thuê các chuyên gia nước ngoài hỗ trợ.
“Qua tiếp xúc cử tri cho thấy, hiện nay, có nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, vượt cấp từ 5 đến 10 năm chưa được giải quyết dứt điểm, liên quan đến cả những dự án đầu tư. Tôi cho rằng, chính quyền thành phố cần có giải pháp sớm giải quyết dứt điểm, để người dân tin tưởng vào các chính sách của thành phố”, đại biểu Phạm Đình Đoàn nhấn mạnh.
Nêu thực trạng thời gian qua nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ huyện Quốc Oai) cho rằng, trong bối cảnh dịch tác động thì ngành Nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Vì thế, thành phố cần quan tâm đầu tư hơn nữa để có các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai, về cơ chế chính sách để doanh nghiệp và người dân cùng hợp tác phát triển ngành kinh tế quan trọng này.
Đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Tổ quận Hà Đông) cho rằng, nguồn thu chủ yếu của các địa phương phần lớn từ đấu giá quyền sử dụng đất, vì vậy, việc phân chia tỷ lệ nguồn giữa thành phố và quận, huyện, thị xã cần phù hợp với tình hình thực tế, để thúc đẩy phát triển hạ tầng khung. Đối với các dự án ngoài ngân sách do thành phố giao cho các quận, huyện, thị xã, đại biểu đề nghị thành phố có kế hoạch cụ thể về tiến độ thực hiện, giá quy định nhằm bảo đảm nguồn thu cho thành phố.
Đại biểu Lê Anh Quân (Tổ huyện Gia Lâm) đề nghị thành phố quan tâm đến việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách để các huyện chuẩn bị thành quận có thể bảo đảm cân đối thu - chi ngân sách.
Trong phân cấp nguồn thu, đại biểu Lê Anh Quân đồng tình về việc HĐND đưa các dự án chuyển tiếp trước đây thuộc huyện, nay chuyển chủ quyền về thành phố là hợp lý. Tuy nhiên, để thúc đẩy nhanh công tác đầu tư công, đại biểu đề nghị thành phố cần giao cho các huyện những dự án mà địa phương có khả năng đảm nhận được, nhằm tránh chậm tiến độ; cùng với đó, thành phố cần cải tiến về giá bồi thường giải phóng mặt bằng, tiến độ thẩm định giá, để phù hợp với thực tiễn. Đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm đến tỷ lệ phân cấp nguồn thu cho địa phương để có thêm nguồn vốn đầu tư cho phát triển của địa phương.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch, thành phố đang phân cấp, giao cho các địa phương chữa trị các trường hợp F0 thể nhẹ tại cơ sở, song nhiều đại biểu cho rằng, khi thành phố chuyển trạng trái từ “không Covid-19” sang thích ứng an toàn, thì trong tư duy nhận thức cũng như công tác truyền thông cần thay đổi.
Đại biểu Lê Thị Thu Hằng (Tổ quận Tây Hồ) cho biết, hiện nay, tỷ lệ mắc F0 không triệu chứng tăng, cần chủ động trong các phương án điều trị, sự chuẩn bị kỹ lưỡng với phương châm “4 tại chỗ” để thu dung và điều trị các F0 không triệu chứng. Tuy nhiên, với các quận, huyện, thị xã chưa bảo đảm được tự chủ về tài chính, vẫn gặp khó khăn trong việc thích nghi với tình hình dịch mới, đặc biệt là công tác thu dung, điều trị các F0 không triệu chứng. Để có kết quả hơn nữa, thời gian tới, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở.
Tiếp tục công khai các dự án đầu tư chậm tiến độ
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đánh giá cao 40 ý kiến thảo luận tại tổ diễn ra chiều 7-12 và 10 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội trường sáng 8-12.
“Các ý kiến của đại biểu thẳng thắn, trách nhiệm và đi thẳng vào những vấn đề của thành phố cũng như đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, để tổ chức triển khai thực hiện trong năm 2022”, đồng chí Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, qua tổng hợp nhanh ý kiến của các đại biểu phát biểu tập trung vào các nhóm vấn đề lớn của thành phố như: Tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, thu - chi ngân sách năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu năm 2022; việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của thành phố; định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của thành phố năm 2022. Cùng với đó là một số nội dung hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021; kế hoạch đầu tư công năm 2022 của thành phố.
Đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng chí Hà Minh Hải cho biết: “Với trạng thái mới là thích ứng, an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thành phố đã đề ra giải pháp phù hợp nhất, hiệu quả nhất. Đó là thực hiện thông điệp “5K + vắc xin + thuốc điều trị + công nghệ”, trong đó vai trò của mỗi người dân, mỗi gia đình vẫn là quan trọng nhất, đó là tuân thủ theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng”.
Về chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 và giải pháp thực hiện, theo đồng chí Hà Minh Hải, để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP 7-7,5%, thành phố sẽ tập trung thực hiện một loạt nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 của Chính phủ, tập trung vào các nhóm chính sách gồm: Y tế và phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu đầu tư công và quản lý điều hành.
Trả lời kiến nghị của các đại biểu về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, trong năm 2021, Chính phủ giao phân bổ, giao cho thành phố nguồn vốn sau điều chỉnh là 41.688,2 tỷ đồng. Cụ thể, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công của thành phố từ đầu năm đến ngày 26-11 là 21.329 tỷ đồng, đạt 51,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đồng chí Hà Minh Hải cho biết, trong báo cáo của UBND thành phố đã đề cập đến các nguyên nhân, hạn chế liên quan đến công tác cải cách hành chính và sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm nội dung này trong báo cáo.
“Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố sẽ ban hành chỉ thị về tăng cường thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài việc giao rõ trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị, cơ quan chuyên môn trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thành phố cũng xác định việc đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, cấp bách. Đặc biệt sẽ gắn tiến độ thực hiện, giải ngân và hiệu quả dự án với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ và coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm”, đồng chí Hà Minh Hải nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.