(HNM) - Thời gian qua, dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra trên địa bàn cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và cả nền kinh tế. Trong khi đó, công tác quản lý thú y tiếp tục bộc lộ những bất cập, như: Thiếu cán bộ thú ý cơ sở hoặc chuyên môn yếu; cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn nhiều; công tác kiểm soát thú y chưa được thực hiện nghiêm... Đây cũng chính là những “điểm nghẽn” cần sớm tháo gỡ nhằm nâng cao năng lực hệ thống quản lý thú y trong thời gian tới.
Còn nhiều bất cập
Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long cho biết, tại Việt Nam thời gian qua, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm đã xảy ra trên diện rộng, gây tổn thất rất lớn. Có thể kể đến bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, bệnh Dịch tả lợn châu Phi... Chỉ tính riêng bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam khoảng 2.800 tỷ đồng. Dịch bệnh cũng là “rào cản” rất lớn đối với xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Trong khi đó, đa số các tỉnh, thành phố không có đủ nguồn nhân lực để thực hiện việc quản lý, kiểm soát thú y, đặc biệt trong khâu giết mổ (đến nay mới chỉ kiểm soát được 30% trong tổng số 27.700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ).
Cũng về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội cơ bản ổn định, tuy nhiên vẫn xuất hiện bệnh cúm gia cầm, bệnh Dịch tả lợn châu Phi ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đặc biệt, thành phố vẫn còn 673 cơ sở giết mổ thủ công chưa được kiểm soát vệ sinh thú y. Nguyên nhân chủ yếu là do mỗi xã, thị trấn chỉ có một cán bộ thú y, trong khi số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nhiều nên rất khó quản lý, kiểm soát.
Còn theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh, cùng với công tác quản lý các cơ sở giết mổ, việc giám sát, thống kê các hộ chăn nuôi để thực hiện tiêm phòng vắc xin theo quy định cũng gặp không ít khó khăn.
Nhận định về những khó khăn, bất cập của hệ thống thú y cơ sở, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết thêm, nhiều xã đã bố trí được nhân viên thú y nhưng phải kiêm nhiệm nhiều việc, thậm chí có tình trạng bố trí người không có chuyên môn nên hiệu quả công việc đạt thấp. Mặt khác, thời gian qua do sắp xếp lại hệ thống thú y các cấp nên nhiều nhân viên thú y tại các tỉnh, thành phố phải nghỉ việc, dẫn đến những bất cập trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ quản lý chuyên ngành thú y các cấp. Hiện tại, nhiều địa phương không có hoặc không đủ nhân viên thú y để thực hiện kiểm soát tại cơ sở giết mổ có công suất hơn 50 con gia súc hoặc hơn 200 con gia cầm/ngày… Đây chính là những “điểm nghẽn” trong quản lý thú y cần khẩn trương khắc phục.
Nâng cao năng lực hệ thống quản lý chuyên ngành
Tăng cường năng lực của hệ thống thú y các cấp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đông Anh Phạm Hồng Thái kiến nghị, trước mắt, các sở, ngành chức năng cần tham mưu thành phố đẩy mạnh việc quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung, quyết liệt dẹp bỏ những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh thú y…
Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, trong năm 2021, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ thúc đẩy việc kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống quản lý chuyên ngành thú y các cấp; tham mưu thành phố có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và xây dựng bản đồ dịch tễ để kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm thường xuyên xảy ra và dịch bệnh mới…
Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để phòng, chống dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, quản lý thuốc thú y, đồng thời triển khai có hiệu quả Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021-2030, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thú y các cấp là ưu tiên hàng đầu. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, nhất là việc khống chế các dịch bệnh ngoại lai, bệnh nguy hiểm trên động vật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.