Ngày 9-10, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.
Nhiều nỗi lo, điểm nghẽn đã được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh với kỳ vọng sẽ được Chính phủ và các bộ, ngành khẩn trương tháo gỡ.
Nhiều điểm nghẽn
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tại điểm cầu Trung ương có sự tham dự, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long - Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 được tổ chức nhằm tạo cầu nối để cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp “lắng nghe tiếng nói” của nhau; tiếp tục cùng nhau xác định những vấn đề pháp lý liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Trong chương trình, vấn đề lớn được đặc biệt quan tâm là: Giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất cùng giải pháp tháo gỡ. Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp phản ánh, đối tác nước ngoài từng nói thủ tục đầu tư như mê hồn trận, khó triển khai. "Trước kia theo cơ chế mỗi bộ, ngành soạn một luật nên thiếu sự đồng bộ, thống nhất của các luật. Vừa rồi có chiến dịch sửa đồng bộ các luật (Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở) nên đã đồng bộ hơn rất nhiều", ông Hiệp nói.
Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng vẫn còn có những điểm nghẽn, như thủ tục hành chính về giải phóng mặt bằng. "Riêng dự án của chúng tôi có 177 bước, qua 360 ngày mới đủ để đối thoại... Thủ tục giải phóng mặt bằng là gánh nặng mà các doanh nghiệp bất động sản phải chịu đựng", ông Hiệp nêu ý kiến. Cùng đó, nhà đầu tư cũng "vấp" về thủ tục điều chỉnh quy hoạch.
Bày tỏ đồng tình, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, nếu sản xuất kinh doanh không được tháo gỡ “rườm rà” về thủ tục hành chính, doanh nghiệp phải theo đuổi quy trình, giấy phép, sẽ gây nên những rào cản.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết, vướng mắc về thủ tục hành chính luôn nằm trong tốp 3 vướng mắc doanh nghiệp gặp phải. Theo khảo sát mới đây, vướng mắc này đã trở thành vấn đề đứng thứ 2. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực giải quyết, nhưng vẫn còn nhiều nội dung khó, nhất là liên quan đến dự án đầu tư nước ngoài, vì vậy cần tập trung cao độ để giải quyết “bài toán” liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và câu chuyện minh bạch thông tin tiến độ của các dự án đầu tư.
“Quy hoạch là vấn đề lớn, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Quy trình mỗi lần điều chỉnh liên quan nhiều sở, ngành, kéo dài quy trình nên chúng ta nên tinh gọn đầu mối, như vậy sẽ phần nào giải quyết vướng mắc hiện nay liên quan đến quy hoạch”, bà Thủy nhận định.
Hóa giải các bất cập bằng thể chế
Liên quan tới những đề xuất này, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, dự án nhà ở là loại dự án liên ngành, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật. Qua quá trình tổng kết việc thực hiện Luật Nhà ở 2014, Bộ Xây dựng đã nhận diện các vấn đề pháp lý doanh nghiệp còn vướng mắc; qua đó tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Nhà ở năm 2023. Trong đó giao Chính phủ quy định các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Nghị định 95/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở và Nghị định 100/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để hướng dẫn cụ thể việc thực hiện từng giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nhìn chung, các thủ tục hành chính liên quan đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng đã được giảm bớt, giảm áp lực cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đầu tư.
Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường. Mới đây nhất, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ tổng hợp vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.
Vừa qua, Bộ đã tham mưu trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản với nhiều quy định được cải cách. Bộ cũng đang được giao chủ trì đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi 4 luật bao gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức công tư, Luật Đấu thầu. Theo đó, Luật Đầu tư tiếp tục phân cấp thẩm quyền chủ trương đầu tư với một số dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi và tăng tính chủ động cho địa phương. Đối với các dự án PPP, thủ tục đấu thầu cũng tiếp tục được phân quyền.
Đối với những dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế, lĩnh vực công nghệ cao…, Bộ đang kiến nghị thực hiện theo quy trình đặc biệt không phải thực hiện một số thủ tục để tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ vướng mắc.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cũng cho hay, tại kỳ họp thứ tám sắp tới của Quốc hội, Chính phủ sẽ trình Quốc hội các dự luật quan trọng theo tinh thần một luật sửa nhiều luật về thuế, chứng khoán, đầu tư…
Ông Nguyễn Hải Ninh khẳng định, Hội đồng Phối hợp phổ biến pháp luật Trung ương, các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng đồng hành, theo sát và cùng cộng đồng doanh nghiệp “tháo gỡ đến cùng” các khó khăn, vấn đề pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi một cách thực chất.
Đây cũng là sự cụ thể hóa việc đổi mới tư duy triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật theo hướng thể chế nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quyết tâm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới của Đảng và Nhà nước ta.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp để có phương án hoàn thiện thể chế, hỗ trợ, giải quyết kịp thời. Quá trình triển khai, cần lắng nghe tiếng nói của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý và đặc biệt là từ cộng đồng doanh nghiệp - đối tượng thụ hưởng trực tiếp của quá trình này; đổi mới tư duy trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy khơi thông nguồn lực; phân cấp, phân quyền một cách thực chất; đảm bảo đủ khả năng để những người được phân cấp, phân quyền thực hiện được công việc.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp tổng hợp các ý kiến, đồng thời tham mưu Chính phủ giao việc cho các bộ, ngành rà soát, trình sửa đổi các cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.