Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh tra các dự án sân gôn: Cấp kỳ giải tỏa bức xúc

Đặng Loan - Nguyên Hoàng| 12/06/2010 08:11

(HNM) - Báo cáo tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) cho biết, trong tháng 7 tới sẽ thanh tra toàn bộ các dự án sân gôn, kiên quyết loại bỏ các dự án chuyển mục đích đất làm sân gôn sang xây dựng nhà ở để bán, kinh doanh bất động sản.

Sân gôn chỉ phục vụ cho bộ phận nhỏ người dân.


Đất "vàng" thành đất hoang!
Gần 10 năm qua, dự án sân gôn An Phú (quận 2) do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI) làm chủ đầu tư là cái tên thường xuyên được nhắc đến trong hàng loạt văn bản của các cơ quan chức năng về sự chậm trễ trong đền bù giải tỏa, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Dự án này nằm ở vị trí đắc địa, nhưng hơn 132ha đất vẫn đang phơi mưa nắng, còn hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất đang hết sức bức xúc khi phải sống chung với dự án treo.

Ông Nguyễn Văn Luân, người có hơn 5.000m2 đất mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp bị thu hồi rất bất bình với việc bố trí một sân gôn tại quận 2. Theo ông, dự án này bên cạnh sân gôn còn xây biệt thự, khách sạn, nhà hàng để kinh doanh, mà đã là dự án kinh doanh thì phải thỏa thuận mức giá đền bù đất với những người dân chứ không thể áp giá đền bù chỉ trên dưới 300.000 đồng/m2. Câu hỏi của ông là vì sao không thu hồi đất của dự án sân gôn để bố trí cho những công trình công cộng như bệnh viện, trường học... để đáp ứng nhu cầu của người dân?

Một vấn đề nữa mà dư luận TP Hồ Chí Minh quan tâm là có nên đặt một sân gôn hơn 132ha sát ngay trung tâm thành phố, vị trí đắc địa, giá thấp nhất cũng lên đến hàng chục triệu đồng/m2 và có khả năng sinh lợi rất cao. Các sân gôn cũng được quy hoạch với mật độ khá dày, chiếm hàng ngàn hécta, trong khi TP Hồ Chí Minh đang thiếu đất trầm trọng để xây dựng nhà tái định cư, các công trình công cộng như bệnh viện, trường học, công viên…

Cần quyết liệt với sân gôn
Kết quả kiểm tra dự án sân gôn đã được cấp phép trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, diện tích sử dụng làm sân gôn chiếm khoảng 50% (724,5ha), còn lại được sử dụng cho việc mở nhà hàng, trung tâm thương mại, biệt thự cho thuê, khu nghỉ dưỡng… Lý do là việc thu phí của khách chơi gôn không thể thu hồi vốn đầu tư. Hiệu quả kinh doanh chủ yếu từ các dự án sân gôn chính là bất động sản đi kèm. Dự án sân gôn An Phú là ví dụ điển hình khi chủ đầu tư đã xin điều chỉnh từ 50 căn biệt thự lên thành 325 căn biệt thự, nhà liên kế có sân vườn, chung cư cao cấp trong khu đất 22ha. Dự án sân gôn Hoa - Việt (quận 9) có diện tích 300ha, được đánh giá là một trong những sân gôn đẹp của TP Hồ Chí Minh, thế nhưng lợi nhuận để nộp thuế của công ty này chủ yếu thu từ các hoạt động tài chính. Ngay cả khu vui chơi giải trí (công viên nước và khu dã ngoại) diện tích 34ha nằm trong dự án này cũng đã đóng cửa từ tháng 7-2003 do hoạt động thua lỗ. Sau đó, chủ đầu tư xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất này xây dựng nhà biệt thự cho thuê và bán.

Báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh về tình hình sử dụng sân gôn trên địa bàn cũng đã thừa nhận, việc thực hiện quá nhiều dự án sân gôn chiếm diện tích đất nông nghiệp rất lớn; hơn nữa chơi gôn không phải là bộ môn thể thao quần chúng, trong khi các công trình công cộng và phúc lợi xã hội đang thiếu cả địa điểm và quy mô. Mặt khác, việc đền bù giải tỏa kéo dài, chậm triển khai dự án ảnh hưởng tới đời sống của người dân bị thu hồi đất và nền nông nghiệp thành phố.

Trước thông tin Bộ TN-MT sẽ tổ chức thanh tra các dự án sân gôn trong tháng 7, ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, việc tổ chức thanh tra là cần thiết. TP Hồ Chí Minh vốn đất chật, người đông, thiếu cây xanh thì có thể làm sân gôn, nhưng càng ít và càng nhỏ càng tốt. Với những dự án đã được cấp phép xây dựng sân gôn của TP Hồ Chí Minh, Bộ TN-MT nên có sự rà soát hết sức quyết liệt, phù hợp với quy hoạch. Bên cạnh những dự án bị chuyển mục đích sang kinh doanh bất động sản, dự án triển khai ì ạch, thì những sân gôn nằm trong nội thành, khu dân cư đông đúc cũng nên xem xét thu hồi. Bởi, thành phố thiếu rất nhiều cây xanh, khu vui chơi công cộng trong khi sân gôn với một diện tích đất rất lớn lại chỉ phục vụ cho một số ít người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh tra các dự án sân gôn: Cấp kỳ giải tỏa bức xúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.