Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh toán không dùng tiền mặt: Thiếu chính sách khuyến khích

Đức Anh| 22/12/2015 06:53

(HNM) - Nếu như cách đây vài năm, chuyển khoản ngân hàng để chi trả vẫn là một việc khá xa lạ thì hiện nay nhiều người đã coi đây là phương tiện chủ yếu cho việc mua sắm, thanh toán chi phí sinh hoạt.



Việc tiếp cận các dịch vụ thanh toán điện tử (TTĐT) cũng dễ dàng hơn, vì người dân có thể sử dụng tài khoản cá nhân để mua sắm, thanh toán tiền điện, nước... thay vì chờ đợi người đến thu tiền hoặc trực tiếp mua sắm. Tuy nhiên, thói quen dùng tiền mặt vẫn phổ biến nên TTĐT ở nước ta còn nhiều rào cản…

Hầu hết những người sử dụng dịch vụ TTĐT đều có chung nhận xét, việc các ngân hàng triển khai thêm tiện ích cho người sử dụng tài khoản, thẻ thanh toán giúp khách hàng tiết kiệm thời gian. Người mua hàng không cần thiết đến cửa hàng để chọn, mà có thể xem trên máy tính, máy điện thoại, sau đó mua hàng trực tuyến để được nhận hàng tại nhà. Ngay cả việc mua hàng ở nước ngoài cũng dễ dàng hơn bằng tài khoản tín dụng quốc tế. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu và có thể sử dụng các dịch vụ thanh toán của ngân hàng, bởi thói quen sử dụng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, cộng với tâm lý sợ rủi ro khi tiếp cận với kênh thanh toán mới. Mặc dù các kênh TTĐT phát triển khá mạnh thời gian qua, song chưa được như kỳ vọng.

Ảnh minh họa


Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 80 triệu thẻ ghi nợ nội địa ATM và khoảng 2,5 triệu thẻ tín dụng, hơn 16.000 máy ATM, nhưng đây có vẻ như con số "ảo" do các ngân hàng muốn phát triển số lượng thẻ phát hành nên tìm mọi cách để "kích" số lượng phát hành thẻ. Trên thực tế, số người thực sự sử dụng thẻ chưa nhiều, có những người sở hữu 4-5 chiếc thẻ ngân hàng, nhưng chỉ sử dụng 1-2 thẻ, vì được ngân hàng quá chào mời, nhiều người đã làm thẻ chỉ để ở trong ví. Thanh toán chi tiêu, mua hàng hóa bằng thẻ cũng chưa rộng rãi, tại hầu hết cửa hàng đều được lắp đặt máy thanh toán qua thẻ (máy POS), thậm chí một cửa hàng có 2-3 máy của các ngân hàng khác nhau nên khá lãng phí hạ tầng. Tính đến cuối năm 2015, số lượng máy POS đạt khoảng 25.000 máy, song chưa được sử dụng nhiều vì người mua hàng vẫn thích chi trả bằng tiền mặt. Theo thống kê, trong mấy năm gần đây, mua bán trực tuyến đạt trung bình khoảng mấy tỷ USD/năm, nhưng TTĐT chỉ chiếm khoảng 5%.

Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, để thúc đẩy TTĐT tại Việt Nam, NHNN và các ngân hàng thương mại đã quan tâm đến các phương thức thanh toán mới, hiện đại. Quá trình triển khai đạt được những thành tựu đáng kể, tạo kết nối thông suốt trong toàn hệ thống, cung cấp nhiều hình thức TTĐT hiện đại, giúp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tăng luân chuyển vốn trong nền kinh tế và hỗ trợ đắc lực cho trao đổi, phân phối hàng hóa, dịch vụ của các ngành, lĩnh vực.

Gần đây, dịch vụ công điện tử đang được Bộ Tài chính đẩy mạnh triển khai, đến nay đã có 90% số doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký nộp thuế điện tử, tuy nhiên số lượng giao dịch còn chưa như kỳ vọng. Để thúc đẩy TTĐT, các bộ, ngành, đơn vị cần tăng cường việc trao đổi, đẩy mạnh phối hợp đồng bộ, hiệu quả trên mọi khía cạnh, từ cơ chế, chính sách, mô hình kết nối, đến các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ, tiêu chuẩn công nghệ. Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới của thế giới vào TTĐT, thay đổi cách thức hoạt động, giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm thời gian, chi phí, nguồn lực, cũng như nâng cao hiệu quả chung của nền kinh tế.

Còn với hầu hết người dân, các dịch vụ thanh toán bằng thẻ tín dụng, hay thanh toán qua internet, điện thoại… vẫn chưa thực sự trở thành kênh quen thuộc. Để các dịch vụ này đến gần với người dân hơn, các ngân hàng thương mại cần thông tin rộng rãi hơn để người dân hiểu về lợi ích khi sử dụng. Thao tác khi dùng tài khoản để thanh toán qua điện thoại hay trên máy tính cũng cần được hướng dẫn theo phương thức đơn giản, dễ tiếp cận hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh toán không dùng tiền mặt: Thiếu chính sách khuyến khích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.