(HNM) - Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển Thủ đô 60 năm qua, có thể thấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội đã đạt nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng Thủ đô thanh lịch, văn minh, hiện đại.
Minh chứng sống động
Quan điểm nhất quán của lãnh đạo TP Hà Nội là dù làm việc gì cũng phải tạo được đồng thuận trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Không có đồng thuận, việc không thể thành công. Đây là nhân tố quyết định giúp Thủ đô liên tục hoàn thành 3 mục tiêu quan trọng trong những năm qua: Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; duy trì tăng trưởng kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội.
Phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận, Hà Nội đang từng bước phát triển vững chắc. Ảnh: Viết Thành |
Nhiều việc lớn, việc khó, việc "nóng" đã được các cấp ủy, chính quyền thành phố giải quyết hiệu quả nhờ tích cực thực hành dân chủ. Đơn cử như vụ việc tại xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên cách đây hai năm. Một số người dân thôn Tư Sản chiếm đất trên cánh đồng Soi của thôn Lưu Thượng, rồi be bờ, cấy lúa. Bằng sự kiên trì với các biện pháp tuyên truyền, vận động, cấp ủy, chính quyền địa phương đã thuyết phục được người dân tự giác xuống đồng phá bỏ bờ bao, trả lại nguyên trạng cho cánh đồng. Một ví dụ khác là một phường như Long Biên (quận Long Biên) đã vận động thuyết phục người dân bàn giao diện tích đất lên đến 250ha phục vụ các dự án trong 6 năm qua mà không xảy ra khiếu kiện đông người hay khiếu kiện phức tạp. Cũng với biện pháp như vậy, Hà Nội đã đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới, cơ bản hoàn thành một việc rất khó là dồn điền, đổi thửa. Đến nay toàn thành phố đã hoàn thành trên 96% diện tích dồn điền, đổi thửa. Còn nhớ, tại nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền đã kiên trì tổ chức hàng chục cuộc họp, có xã tổ chức đến 60 cuộc họp với dân để trao đổi, bàn bạc, giải thích trước khi đi đến thống nhất về việc dồn điền, đổi thửa. Kết quả dồn điền đổi thửa là biểu hiện có tính tập trung cao về phát huy sức mạnh dân chủ trong dân.
Minh chứng rõ ràng nhất là nhờ thực hành dân chủ nghiêm túc, người dân tin tưởng, góp sức, góp của cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Chỉ tính riêng trong 5 năm (2008-2013), người dân thành phố đã đóng góp gần 4.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nguồn lực to lớn từ nhân dân đã giúp cho thành phố bê tông hóa đường giao thông nông thôn được 75%, cải tạo nâng cấp, xây dựng kiên cố trên 90% đường liên thôn, liên xã; xây dựng mới hơn 4.000km đường giao thông trên địa bàn các huyện. Người dân còn hiến trên 2.000m2 đất cho thành phố để xây dựng hạ tầng cơ sở và các công trình phúc lợi công cộng khác. Số công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm hoặc hoàn toàn do nhân dân tổ chức trên địa bàn Hà Nội trong 15 năm qua lên tới gần 4.000 công trình.
Không ngừng hoàn thiện định chế dân chủ
Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của người dân trong mọi mặt đời sống. Thành phố dành sự quan tâm, đầu tư lớn cho công tác cải cách hành chính, công tác cán bộ. Các cuộc kiểm tra công vụ được thực hiện thường xuyên. Qua đó, những cán bộ, công chức có thái độ ứng xử không đúng mực với người dân được kịp thời chấn chỉnh. Công tác tiếp công dân được tăng cường. Trong 5 năm qua, lãnh đạo thành phố đã tiếp 176.508 lượt công dân và 1.335 đoàn khiếu kiện đông người. Kết quả tiếp công dân đã giúp cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn đạt 90%. Hiện nay, hằng tháng, lãnh đạo UBND thành phố, trong đó có Chủ tịch UBND thành phố đều dành thời gian tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nhằm tiếp thu ý kiến dư luận báo chí, dư luận nhân dân một cách đầy đủ, nghiêm túc và thường xuyên, hiện nay, ngành tuyên giáo thành phố đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội với hàng trăm người là cán bộ, đảng viên và nhân dân có uy tín trong cộng đồng, có khả năng tổng hợp thông tin, dám nói lên sự thật. Định kỳ hằng tháng, từ Ban tuyên giáo cấp quận, huyện đến thành phố tổ chức giao ban dư luận xã hội. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Thành ủy báo cáo Thường trực Thành ủy làm cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo. Với những vấn đề liên quan trực tiếp đến các địa phương, các sở, ngành, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổng hợp và làm công văn đề nghị làm rõ hoặc đề nghị giải quyết. Cơ chế tổng hợp, tiếp thu thông tin từ báo chí cũng được thực hiện tương tự. Không chỉ vậy, nhằm tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền về công khai, minh bạch, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 21-1-2014 về việc cung cấp thông tin và trả lời báo chí. Trong đó nêu rõ các cấp ủy, chính quyền phải coi việc cung cấp thông tin cho báo chí là việc làm thường xuyên, bắt buộc.
Hà Nội còn không ngừng triển khai các biện pháp nhằm tăng cường thực hành dân chủ tại cơ sở. Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của TP Hà Nội xác định mục tiêu từ nay đến hết nhiệm kỳ sẽ kiểm tra 100% phường, xã, thị trấn về việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Đến nay, việc kiểm tra đã được thực hiện với trên 100 phường, xã, thị trấn. Qua kiểm tra, một số phường, xã, thị trấn chưa làm tốt đã được chấn chỉnh kịp thời.
Phát huy dân chủ, lắng nghe dân, tôn trọng ý kiến của người dân, để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đã trở thành một nhân tố quan trọng góp phần xây dựng Thủ đô thanh lịch, văn minh, hiện đại hôm nay. Và chắc chắn đây cũng là một nhân tố quan trọng, tích cực đối với sự phát triển của Thủ đô trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.