(HNM) - Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và UBND tỉnh Kiên Giang đã công bố hoàn thành giai đoạn 1 Đề án
Để vận hành đề án này, VNPT có 1 năm để triển khai sau khi ký thỏa thuận hợp tác xây dựng Phú Quốc trở thành một smart city với UBND tỉnh Kiên Giang vào ngày 29-9-2016. Cũng trong thời gian này, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của VNPT đã bắt tay xây dựng hàng loạt hệ thống công nghệ thông tin thông minh để hoàn thành giai đoạn 1 của đề án.
Với trọng tâm là hướng tới người dân, VNPT và Ban Chỉ đạo đề án đã xây dựng hệ thống chính quyền điện tử. Tại thời điểm này, hệ thống đã sẵn sàng kết nối liên thông từ cấp xã tới các sở, ngành trong toàn tỉnh, giúp người dân, doanh nghiệp tại Phú Quốc có thể thực hiện các thủ tục hành chính như các dịch vụ cấp phép, đăng ký giấy tờ... trực tuyến. Hiện, hệ thống cung cấp gần 450 thủ tục hành chính công mức 3 cấp huyện và cấp xã. Mỗi công dân được cấp một tài khoản điện tử duy nhất để giao dịch với chính quyền các cấp.
Cũng liên quan mật thiết đến đời sống người dân, việc đưa ứng dụng thông minh vào môi trường được đặc biệt coi trọng. VNPT đã triển khai 4 trạm quan trắc không khí và 1 trạm quan trắc nguồn nước tại Phú Quốc. Các trạm đang thực hiện đo các tham số chính cho không khí và cho nguồn nước. Hệ thống này đồng thời cũng thu thập, xử lý, phân tích và đưa ra các dữ liệu trong thời gian thực để tự động nhận biết tình trạng môi trường hiện tại, cảnh báo môi trường khi phát hiện ô nhiễm không khí, nguồn nước... và đưa ra khuyến cáo cho người dân.
Hệ thống giao thông thông minh tại Phú Quốc hiện có 19 camera giám sát tại các vị trí thích hợp. Cùng với đó, còn có đường truyền chuyên dụng cho toàn bộ hệ thống và kết nối về trung tâm chỉ huy tại công an tỉnh, tích hợp 31 camera hiện hữu về trung tâm giám sát của Công an huyện Phú Quốc. Hệ thống này đang thực hiện giám sát, ghi nhận lại hình ảnh các phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông, giúp lực lượng cảnh sát giao thông giảm bớt số lượt tuần tra, nhanh chóng tiếp nhận và ứng cứu trong các trường hợp khẩn cấp, tiết kiệm thời gian, công sức trong việc xử phạt… Ngoài ra, hệ thống này cũng giúp giám sát các khu vực công cộng, khu dân cư trọng điểm, phức tạp... Bên cạnh đó, VNPT còn xây dựng giải pháp thành phố an toàn (safe city) với nhiều ứng dụng trên di động giúp người dân có thể báo cáo sự cố (tai nạn, trộm cắp, các hành vi vi phạm trật tự an ninh đô thị…) cho cơ quan quản lý cũng như giúp cơ quan và lực lượng có trách nhiệm nhanh chóng tiếp nhận, điều động xử lý.
Tập đoàn VNPT còn đưa ra mô hình du lịch thông minh bằng việc xây dựng giải pháp quản lý lưu trú trực tuyến. Hệ thống đã được triển khai và sử dụng chính thức cho Công an huyện Phú Quốc và 268 cơ sở lưu trú trên địa bàn. Tính đến ngày 11-9-2017, hệ thống đã ghi nhận thông tin về gần 11.000 khách đang lưu trú, trong đó có gần 1.500 khách nước ngoài. Giải pháp này đang hỗ trợ đắc lực cho Công an huyện Phú Quốc trong việc theo dõi tình hình đăng ký thông tin lưu trú, cập nhật biến động lưu trú của các cơ sở trên địa bàn. Với các cơ sở lưu trú, việc đưa hệ thống vào sử dụng đã giúp tiết kiệm đáng kể thời gian làm báo cáo hằng tuần, hằng quý cũng như đơn giản hóa việc quản lý thông tin của khách.
Theo ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, để xây dựng các hệ thống thông minh cho Phú Quốc phải cần tới Trung tâm điều hành thông minh của huyện đảo. Trung tâm này được trang bị một màn hình ghép 12 màn hình 46 inches, có khả năng hiển thị các kịch bản giám sát, quản lý linh hoạt. Ngoài trung tâm này còn có hệ thống máy chủ (server) lưu trữ và tổng đài tiếp nhận sự cố, tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân, du khách và tổ chức trên địa bàn huyện. Cùng với đó là hệ thống wifi công cộng miễn phí giúp người dân và du khách khi lưu trú được sử dụng internet tốc độ cao.
Với việc chính thức đưa vào hoạt động các hệ thống thông minh trong giai đoạn 1, Phú Quốc đã trở thành smart city. Những kết quả này sẽ là tiền đề, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thành phố thông minh Phú Quốc trong tương lai, trở thành một thành phố hiện đại, với năng lực cạnh tranh cao và phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.