Hà Nội kết nối

Thành phố Huế: Mở bán vé tham quan lăng vua Dục Đức

Vương Nguyễn 01/01/2025 - 11:02

Từ ngày 1-1-2025, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mở cửa bán vé đón khách tham quan lăng vua Dục Đức, di tích nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia.

a250.jpg
An Lăng ngày mở cửa. Ảnh: TTBT

Lăng Dục Đức (An Lăng) là khu mộ chung của ba thế hệ: vua Dục Đức (cha), vua Thành Thái (con) và vua Duy Tân (cháu).

a252.jpg
Khu lăng mộ có kiến trúc đơn giản. Ảnh: TTBT

So với lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Dục Đức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn hơn. Lăng gồm hai khu vực: Điện Long Ân và lăng mộ vua cùng hoàng hậu, đều lấy cồn Phước Quả ở phía trước làm tiền án, khe Mụ Niệm chảy qua trước mặt làm yếu tố minh đường và dùng ngọn núi Tam Thai ở đằng sau làm hậu chẩm.

a245.jpg
Lối vào An Lăng. Ảnh: TTBT

Khu vực lăng mộ hình chữ nhật, có diện tích 3.445m2, bên trong không có bi đình và tượng đá như các lăng vua khác. Muốn vào lăng phải đi qua hai cổng tam quan, có mái giả bằng xi măng.

a246.jpg
Nhà Huỳnh Ốc dạng phương đình bên trong An Lăng. Ảnh: TTBT

Chính giữa Bửu Thành có một nhà Huỳnh Ốc dạng phương đình, thay thế cho nhà bia. Bên trong nhà Huỳnh Ốc không có bi ký, thay vào đó là một sập đá và kỷ đá dùng để bày hương án và hào soạn mỗi khi cúng giỗ nhà vua. Hai bên tả, hữu là mộ vua Dục Đức và hoàng hậu Từ Minh.

a247.jpg
Điện Long Ân. Ảnh: TTBT

Điện Long Ân ở trung tâm khu vực tẩm là một công trình được xây cất theo khuôn mẫu của các ngôi điện ở Huế. Bên trong hiện có 3 án thờ thờ bài vị của các vua: Dục Đức và vợ (ở giữa), Thành Thái (bên trái) và Duy Tân (bên phải).

a249.jpg
Khu vực yên nghỉ của các vị vua. Ảnh: TTBT

Phía sau điện Long Ân là nơi yên nghỉ của vua Thành Thái và Duy Tân - những người dám đổi ngai vàng để giành độc lập, chủ quyền cho dân tộc để rồi chọn cái chết và chôn cất trong những nấm mồ đơn sơ, giản dị.

a248.jpg
Trong An Lăng còn có nhiều phần mộ của hoàng thân. Ảnh: TTBT

Trong khu vực này còn có mộ của các bà vợ vua Thành Thái: Mộ bà Hoàng Quý Phi Nguyễn Gia Thị Anh, bà Nguyễn Thị Định (mẹ vua Duy Tân) và bà Khoan Phi Hồ Thị Phương; mộ công chúa Lương Linh (em vua Duy Tân), mộ bà Mai Thị Vàng (cải táng) vợ vua Duy Tân và một số lăng mộ của các hoàng thân anh em với vua Duy Tân.

a244.jpg
Khu vực An Lăng. Ảnh: TTBT

Khu vực An Lăng còn có 39 lăng mộ các ông hoàng, bà chúa và 121 ngôi mộ đất thuộc Đệ tứ Chánh hệ (Nguyễn Phúc Tộc). Lăng Dục Đức được công nhận là di tích cấp quốc gia (loại hình kiến trúc nghệ thuật) theo Quyết định số 2890-VH/QĐ ngày 27-9-1997 của Bộ Văn hóa và Thông tin.

Dục Đức là ông vua thứ năm của triều đại nhà Nguyễn, chế độ phong kiến cuối cùng trong lịch sử nước ta. Ông sinh năm 1852, mất năm 1883, tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Ái, sau được vua Tự Đức đổi thành Nguyễn Phúc Ưng Chân.

Ông là 1 trong 3 người con nuôi của vua Tự Đức (vua không có con) và được vua yêu quý nhất. Năm 1883, vua Tự Đức mắc bệnh nan y và truyền ngôi cho vua Dục Đức, dù người này bị tật ở mắt và đã mắc một số tội lớn. Trong lễ lên ngôi ngày 19-7-1883, vua Dục Đức lệnh cho bỏ một số đoạn nói không tốt về mình trong di chiếu, nên bị 2 đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phản ứng.

Mấy ngày sau, hai đại thần dâng biểu lên bà Từ Dũ, vạch ra 4 tội của nhà vua, trong đó có tội cố tình sửa di chiếu của vua Tự Đức. Vua Dục Đức sau đó bị phế truất chỉ sau 3 ngày lên ngôi. Ông bị giam cầm, bỏ đói và lìa trần 1 tháng sau đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Huế: Mở bán vé tham quan lăng vua Dục Đức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.