Tọa đàm trực tuyến trên Báo Hànộimới: Chung tay đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng
Nhóm phóng viên•10/07/2025 12:48
Trước tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang hoành hành ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, 14h chiều nay (10-7), Báo Hànộimới tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chung tay đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.
3h trướcCuộc chiến chống hàng giả cần sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía
Phát biểu tổng kết tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lại Bá Hà chia sẻ, qua hơn 20 ý kiến của các vị khách mời, chúng ta đã nhìn nhận rõ hơn về vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng hiện nay, cũng như lắng nghe những lo lắng của người tiêu dùng. Những chia sẻ thực tế từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng cho thấy, bài toán “diệt trừ” hàng giả không thể giải quyết đơn lẻ, mà cần sự phối hợp, đồng hành từ chính sách vĩ mô đến sự linh hoạt, chặt chẽ của các cơ quan quản lý, và thậm chí là cả sự tỉnh táo của người tiêu dùng.
Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lại Bá Hà phát biểu tổng kết tọa đàm. Ảnh: Quang Thái
Các ý kiến trao đổi đã khơi gợi nhiều vấn đề đáng chú ý, từ câu chuyện quản lý thị trường, kiểm soát thị trường, tư vấn người tiêu dùng… Báo Hànộimới sẽ tập hợp các ý kiến được trao đổi, thảo luận để chuyển đến các cơ quan chức năng, góp phần chung tay đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng, giúp người tiêu dùng được tiếp cận với sản phẩm sạch, an toàn; qua đây, cũng tạo cơ hội để doanh nghiệp chân chính phát triển lành mạnh.
"Với trách nhiệm là cơ quan báo chí, chúng tôi luôn đồng hành với doanh nghiệp làm ăn chân chính để đưa sản phẩm tốt nhất đến với người tiêu dùng. Chúng tôi mong rằng qua cuộc tọa đàm, công tác tuyên truyền sẽ giúp người sản xuất có trách nhiệm cao hơn, người tiêu dùng sẽ được tuyên truyền hiệu quả hơn, có lựa chọn thông minh hơn. Mong rằng, cơ quan chức năng có giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn để người tiêu dùng có thể tiếp cận những sản phẩm chất lượng, an toàn", ông Lại Bá Hà nhấn mạnh.
Các đại biểu chụp ảnh tại tọa đàm. Ảnh: Quang Thái
3h trước126 xã, phường Hà Nội được tập huấn nghiệp vụ về an toàn thực phẩm
Thông tin về các giải pháp để bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, ông Đỗ Anh Hùng, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông - Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) cho biết: Ngay khi thành phố vận hành chính quyền 2 cấp, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 4 tổ hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ và tập huấn tới 126 trạm y tế xã, phường, trong đó có vấn đề an toàn thực phẩm.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng phối hợp với các xã, phường thành lập ban chỉ đạo an toàn thực phẩm ở địa phương, làm việc với các chủ cơ sở, người trực tiếp tham gia sơ chế thực phẩm để bảo đảm duy trì an toàn thực phẩm; rà soát tất cả các cơ sở kinh doanh thực phẩm.
"Thời gian tới, chúng tôi đề nghị duy trì các mô hình điểm ở các xã, phường về an toàn thực phẩm để nhân rộng tới các xã, phường khác”, ông Đỗ Anh Hùng nói.
3h trướcCần công khai số điện thoại "Đường dây nóng" tiếp nhận phản ánh vi phạm
Là người tiêu dùng, chị Nguyễn Thùy Dương (phố Núi Trúc, phường Giảng Võ, Hà Nội) bày tỏ mong muốn, cơ quan chức năng đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng vì nhiều người không biết và không hiểu rõ nguồn gốc sản phẩm, cũng như cách nhận biết hàng thật, hàng giả.
Bên cạnh đó, chị Dương cũng đề xuất các cơ quan chức năng ở địa phương cung cấp số điện thoại “Đường dây nóng” để người tiêu dùng có thể phản ánh kịp thời khi phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng. Thông tin phản ánh cần được tiếp nhận nhanh chóng và xử lý kịp thời để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
3h trướcTăng cường kiểm tra, giám sát thị trường thực phẩm chức năng
Nêu kiến nghị tới cơ quan quản lý, ông Nguyễn Công Doanh – đại diện Công ty TNHH Thương mại Fucoidan (Fucoidan 3-Plus) Nhật Bản đề nghị các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường hơn nữa. Thời gian qua, thị trường thực phẩm chức năng xuất hiện hàng giả tràn lan, nguyên nhân là do nhiều đơn vị tự công bố sản phẩm là sữa, thực phẩm chức năng khi chưa được kiểm định, cấp phép...
Ông Nguyễn Công Doanh (phải), đại diện Công ty TNHH Thương mại Fucoidan (Fucoidan 3-Plus) Nhật Bản phát biểu. Ảnh: Quang Thái
Thay mặt Công ty TNHH Thương mại Fucoidan, ông Nguyễn Công Doanh bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng siết chặt quản lý thị trường. Đồng thời, ông cũng khuyến nghị người tiêu dùng khi mua hàng cần đến những công ty có địa chỉ rõ ràng, chọn sản phẩm có giấy tờ, số lô nhập khẩu, có mã QR… để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.
3h trướcCạnh tranh không sợ – sợ nhất cạnh tranh thiếu công bằng
Trước thực trạng các công ty đăng ký sản phẩm tràn lan, sản xuất gia công không kiểm soát chất lượng, ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Tâm Bình cho rằng, việc này đang ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp chân chính. Khi quy trình đăng ký quá dễ, việc kiểm soát chất lượng chưa chặt chẽ thì có thể khiến thị trường hỗn loạn. Khi thị trường được “làm sạch”, thì cơ hội cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính nhiều hơn.
Ông Nguyễn Minh Hoàng (phải). Ảnh: Quang Thái
“Chúng tôi không ngại cạnh tranh với các đơn vị có cùng quyết tâm mang đến sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Điều lo ngại nhất là khi mình làm việc chân chính nhưng lại phải cạnh tranh với những đơn vị không chân chính.
Vì thế, chúng tôi rất kỳ vọng, thời gian tới, việc thực hiện những quy định mới sẽ tạo ra thị trường công bằng hơn, các doanh nghiệp cùng nhau cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng sản phẩm, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất” - ông Nguyễn Minh Hoàng bày tỏ.
3h trướcDoanh nghiệp thiệt hại nặng vì tình trạng quảng cáo sai sự thật
Nhận định về tác động từ tình trạng gia công sản xuất hàng giả, thực phẩm giả tràn lan tới hoạt động của doanh nghiệp, ông Hàn Ngọc Anh, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Dược phẩm Thái Minh cho biết: “Chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì một số đơn vị quảng cáo sản phẩm như "thuốc thần" trên mạng xã hội nhưng thực tế không phải như thế. Điều này ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người tiêu dùng, làm mất cơ hội để người bệnh chữa trị. Những đơn vị sản xuất sản phẩm chân chính như chúng tôi không dám quảng cáo như vậy, mà chỉ quảng cáo đúng sự thật. Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng biết nên đã sử dụng những sản phẩm quảng cáo phóng đại, và chúng tôi bị thiệt hại rất nhiều khi có sự cạnh tranh không lành mạnh như vậy”.
Theo ông Hàn Ngọc Anh, việc có những quy định mới trong quản lý thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng, tạo cơ hội tốt cho những đơn vị sản xuất chân chính phát triển trong tương lai và doanh nghiệp rất mong chờ những quy định mới ra đời.
3h trướcThực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng chữa bệnh là phạm luật
Làm rõ hơn về việc quảng cáo, bán thuốc qua mạng, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho rằng, chỉ những cửa hàng thuốc đã được cấp phép kinh doanh mới được quảng cáo, bán thuốc qua mạng và phải thực hiện theo đúng quy định, có cam kết với cơ quan quản lý.
Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) trao đổi về việc quảng cáo, bán thuốc qua mạng. Ảnh: Quang Thái
“Việc quảng cáo thuốc có những quy định rất cụ thể và rõ ràng. Chỉ thuốc không kê đơn mới được phép quảng cáo, còn những thuốc kê đơn thì không được phép quảng cáo”, ông Tạ Mạnh Hùng khẳng định.
Về việc quảng cáo thực phẩm chức năng, đây là sản phẩm hỗ trợ, không phải là thuốc chữa bệnh, không có tác dụng chữa bệnh. Vì vậy, nếu sản phẩm được quảng cáo có tác dụng chữa bệnh, người tiêu dùng nên phản ánh tới cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Hiện nay, các dữ liệu liên quan sản phẩm thuốc được phép bán ra thị trường đã được Bộ Y tế và Sở Y tế các địa phương công khai trên website và gửi cho các cơ sở kinh doanh.
“Người dân nên mua thuốc theo đơn tại những cơ sở khám, chữa bệnh được phép hoạt động”, ông Tạ Mạnh Hùng lưu ý.
3h trướcMọi người dân đều có thể trở thành người quản lý thị trường
Về vấn đề tuyên truyền và bảo đảm an toàn thực phẩm tại các địa phương, ông Dương Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, người tiêu dùng cần trở thành những người tiêu dùng thông thái.
Ông Dương Mạnh Hùng nhấn mạnh, người dân cần lựa chọn các trang web uy tín, mua sản phẩm chính hãng và tham khảo kỹ đánh giá, phản hồi, bình luận từ người dùng khác về chất lượng của sản phẩm đó trước khi quyết định mua.
Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động bảo vệ sản phẩm của mình thông qua việc sử dụng mã QR để người tiêu dùng có thể tự kiểm tra, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
“Mọi người dân đều có thể trở thành người quản lý thị trường”, ông Hùng nói.
3h trướcThủ đô không thể để mất an toàn thực phẩm
Đại diện cơ quan quản lý thị trường, ông Dương Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trước sự phát triển nhanh của xã hội và thực tiễn đời sống, các quy định về an toàn thực phẩm hiện nay bộc lộ nhiều bất cập cần được sửa đổi, bổ sung, nhất là về quản lý việc buôn bán thuốc, thực phẩm chức năng trên môi trường thương mại điện tử.
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Quang Thái
Cụ thể, còn thiếu quy định rõ ràng về việc quản lý, phân cấp quản lý an toàn thực phẩm đối với các đơn vị vận tải, đơn vị giao hàng, cơ sở kinh doanh… Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Hoạt động kinh doanh trực tuyến trên mạng xã hội cũng như trên các ứng dụng xã hội ngày càng phổ biến, nhất là ở các thành phố lớn. Theo quy định, các cơ sở kinh doanh này phải thông báo, đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, không ít cơ sở không thực hiện việc này, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định địa điểm sản xuất, kinh doanh, kho tập kết hàng hóa cũng như công tác kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Bên cạnh đó, hình thức hoạt động của một số đơn vị kinh doanh trực tuyến ngày càng tinh vi (như một số trường hợp gần đây là có sự tham gia của người nổi tiếng, có ảnh hưởng trong xã hội).
"Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, cụ thể hóa chủ trương của thành phố là Thủ đô không thể để tình trạng mất an toàn thực phẩm, chúng tôi sẽ tuyên chiến quyết liệt hơn nữa với hàng giả, quyết tâm làm tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng", ông Dương Mạnh Hùng nhấn mạnh.
3h trướcThực phẩm được bán với giá cao cũng chưa chắc sạch
Một câu chuyện khác của một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm hữu cơ, đó là Công ty cổ phần Trà SACHS TEA.
Bà Lê Thị Huế, Đồng sáng lập Công ty cổ phần Trà SACHS TEA chia sẻ: “Chúng tôi sản xuất trà hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA của Mỹ. Việc khởi nghiệp sản xuất trà hữu cơ xuất phát từ việc bản thân tôi cũng là khách hàng mua thực phẩm hữu cơ. Một lần, tôi mua thực phẩm ở cửa hàng ghi là sạch, giá cao nhưng phải đổ đi vì khi sử dụng cho kết quả không như mong muốn. Tôi thấy, ngay cả người có tiền chưa chắc đã tiếp cận được sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực sự. Do đó, tôi khởi nghiệp từ "nỗi đau" của người tiêu dùng. Chúng tôi làm trà hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA của Mỹ với mong muốn đem sản phẩm ra thế giới và cũng muốn đem đến cho người tiêu dùng Việt những sản phẩm chất lượng”.
Bà Lê Thị Huế, Đồng sáng lập Công ty cổ phần Trà SACHS TEA. Ảnh: Quang Thái
Bà Lê Thị Huế cũng bày tỏ sự biết ơn khi thời gian qua, các cơ quan quản lý đã mạnh tay xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, tạo niềm tin để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất. Bà cho rằng, người tiêu dùng nên chủ động hỏi người bán về nguồn gốc sản phẩm để có lựa chọn tốt nhất.
4h trướcTừ chính sách “đổi vỏ lấy quà”, thu hồi được 500.000 sản phẩm bị làm giả
Là doanh nghiệp thành công trong việc chống hàng giả, ông Hàn Ngọc Anh, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Dược phẩm Thái Minh chia sẻ: "7 năm gần đây, trên thị trường không có hàng giả của Thái Minh. Chúng tôi may mắn có hệ thống cảnh báo sớm giúp Công ty ngăn chặn tình trạng hàng giả. Các sản phẩm đều có mã định danh riêng và có chính sách bảo hộ. Chúng tôi có hệ thống bảo vệ, giúp người tiêu dùng có thể cào mã định danh khi mua sản phẩm để kiểm tra có phải là hàng giả không. Mỗi sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng đều phải qua sự kiểm tra của 8 nhân sự".
Ông Hàn Ngọc Anh, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Dược phẩm Thái Minh. Ảnh: Quang Thái
Để bảo vệ được sản phẩm của mình, công ty có một hành trình dài nghiên cứu và thực hiện cách làm.
"Hơn 10 năm trước, Thái Minh còn là công ty nhỏ, chưa lo ngại đến vấn đề hàng giả. Trong một hội nghị, khách hàng đề nghị chúng tôi có giải pháp hỗ trợ khi mua số lượng lớn. Từ đó, chúng tôi triển khai chương trình đổi vỏ lấy quà để hỗ trợ khách hàng dùng lâu dài. Thời điểm đó, rất nhiều khách hàng của Thái Minh đã thực hiện đổi vỏ để lấy sản phẩm mới với mức giá ưu đãi tốt. Khách hàng của chúng tôi ngày một nhiều hơn, từ đó, chúng tôi phải nghĩ cách để bảo vệ sản phẩm của mình. Chúng tôi đã thực hiện cài mã định danh cho sản phẩm", ông Hàn Ngọc Anh thông tin.
Chia sẻ thêm, ông Hàn Ngọc Anh cho biết, có lần, khách hàng phát hiện một sản phẩm của Thái Minh bị làm giả khi thực hiện hình thức quét mã tích điểm. Sau khi được khách hàng thông báo, công ty đã báo cáo cơ quan chức năng và đã thu được hơn 500.000 sản phẩm. Sau thời điểm đó, công ty chưa phát hiện thêm sản phẩm của Thái Minh bị làm giả. Có lẽ, do Thái Minh bảo vệ tốt sản phẩm của mình nên các gian thương cũng không dám làm giả.
4h trướcChọn mua sản phẩm chính hãng để tránh hàng giả
Từ góc độ người tiêu dùng, bà Nguyễn Thùy Dương (phường Giảng Võ, Hà Nội), bạn đọc thường xuyên của Báo Hànộimới, chia sẻ rằng bản thân từng mua phải hàng giả, mà trường hợp điển hình là một sản phẩm collagen.
Dù đặt mua từ fanpage quen thuộc, song khi nhận hàng, bà Dương phát hiện sản phẩm có mùi khác lạ, nên nghi ngờ và phản hồi với cửa hàng. Tuy nhiên, sau đó bà bị cửa hàng chặn liên lạc. “Tôi quyết định không mua ở đó nữa và những lần sau chỉ tìm đến các trang web, các cửa hàng chính hãng của các công ty uy tín để yên tâm”, bà Dương nói.
4h trướcDoanh nghiệp kỳ vọng người tiêu dùng tiếp cận đúng sản phẩm chất lượng
Chia sẻ về hệ lụy của hàng giả, hàng kém chất lượng đối với sức khỏe cộng đồng cũng như ảnh hưởng đến doanh nghiệp chân chính, Thạc sĩ Nguyễn Minh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Tâm Bình, cũng là giảng viên Trường Đại học Dược Hà Nội, nhận định: Hàng giả, hàng kém chất lượng gây hại đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Với mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng, sữa…, nếu là hàng giả thì còn lấy đi cơ hội của người tiêu dùng được chữa trị, tiếp cận với hàng chất lượng.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Tâm Bình. Ảnh: Quang Thái
Ví dụ, các sản phẩm của Công ty Dược phẩm Tâm Bình đã có uy tín, được người tiêu dùng biết đến 15 năm qua. Nhưng đôi khi, người tiêu dùng ra đến nhà thuốc để hỏi mua sản phẩm của Công ty thì lại bị điều hướng sang các sản phẩm khác. Đây là thực tế, vì vậy, Công ty rất mong muốn người tiêu dùng được tiếp cận với sản phẩm tốt, an toàn, sản phẩm có chất lượng.
4h trướcPhát huy vai trò của chính quyền địa phương trong kiểm soát an toàn thực phẩm
Trả lời câu hỏi về giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm, ông Đỗ Anh Hùng, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) cho rằng, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, tập trung vào một số giải pháp chính.
Đầu tiên là nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở (UBND các xã, phường sau sắp xếp theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp) trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; phát huy vai trò của các phường, xã trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ cơ sở.
Ông Đỗ Anh Hùng. Ảnh: Quang Thái
Tiếp theo là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các chuyên đề và nhiệm vụ trọng tâm về bảo đảm an toàn thực phẩm, gắn với trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương, bảo đảm thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm với các hình thức trực quan, sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ; công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung tuyên truyền phải hướng mạnh về cộng đồng, tập trung tại các trường học, khu dân cư, làng nghề, chợ dân sinh, bếp ăn tập thể và khu vực có nguy cơ cao, góp phần nâng cao ý thức, thay đổi hành vi, đồng thời tránh gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Việc quan trọng là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành, không chỉ trong những đợt cao điểm. Việc xử lý vi phạm phải nghiêm minh, công khai, minh bạch, theo đúng quy định; kiên quyết không để lọt các sản phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm ra thị trường. Tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng công an, quản lý thị trường và các cơ quan liên quan để điều tra, xử lý các chuyên án, vụ việc phức tạp, quy mô lớn liên quan đến hành vi vi phạm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận, sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Cùng với đó, các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền hoặc tham gia ý kiến vào quá trình sửa đổi, bổ sung các dự thảo luật, nghị định và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan công tác an toàn thực phẩm; sửa đổi, bổ sung quy định về phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp nhằm tăng tính hiệu lực, hiệu quả, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quy định pháp luật hiện hành.
4h trướcNhiều khó khăn trong đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả
Trong đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, nhất là với mặt hàng thuốc, sữa, thực phẩm..., các lực lượng chức năng thường đối mặt với nhiều khó khăn.
Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội. Ảnh: Quang Thái
Ông Dương Mạnh Hùng chia sẻ: "Qua quá trình kiểm tra, chúng tôi đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đa số các đối tượng này thường hoạt động ở phạm vi rộng, trên tuyến đường liên tỉnh, liên tuyến; tổ chức sản xuất ở những nơi hẻo lánh, vùng giáp ranh các tỉnh, thành phố... Nhiều đối tượng lợi dụng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử, mạng xã hội để che giấu hành vi vi phạm, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh.
Ngoài ra, các đối tượng dễ dàng lập nhiều tài khoản khác nhau trên Zalo, Facebook, Tiktok…, không có địa chỉ hay kho hàng cố định, mà chủ yếu quảng bá sản phẩm trên website, mạng xã hội, rồi chuyển sản phẩm qua chuyển phát nhanh, thanh toán trực tuyến... nên quá trình kiểm tra gặp nhiều khó khăn".
Bên cạnh đó, theo ông Dương Mạnh Hùng, công tác phối hợp thông tin giữa các cơ quan chức năng có lúc, có nơi chưa đồng bộ nhất. Công tác giám định, đánh giá chất lượng sản phẩm, chỉ tiêu hàm lượng sản phẩm cũng như phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ. Công tác lưu giữ, bảo quản hàng hóa sau khi bị bắt giữ cũng là vấn đề khó khăn vì hiện nay, hệ thống kho còn đang thiếu.
4h trướcHàng giả khiến người bệnh bỏ lỡ “giai đoạn vàng” điều trị
Ông Nguyễn Công Doanh, Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm TDT (đại diện nhãn hàng Fucoidan 3-Plus Nhật Bản) tại Hà Nội chia sẻ: "Chúng tôi vô cùng quan ngại trước các thông tin hàng giả, hàng nhái và những đường dây buôn lậu thuốc tân dược giả bị phát hiện trong thời gian vừa qua, bởi dược phẩm giả ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh, làm cho người bệnh lỡ mất "giai đoạn vàng” để chữa bệnh, ngoài ra, còn gây tổn hại đến kinh tế của người bệnh, nhất là những bệnh nhân ung thư đã gặp rất nhiều khó khăn".
Ông Nguyễn Công Doanh, Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm TDT. Ảnh: Quang Thái
Là doanh nghiệp nhập khẩu dược phẩm, Công ty TDT đã triển khai nhiều biện pháp chống hàng giả như: Mỗi mặt hàng dược phẩm sẽ được gắn một mã QR, tem chống hàng giả, có logo và mã nhập khẩu chính hãng trên vỏ hộp. Công ty luôn khuyến cáo người mua cung cấp thông tin để xuất hóa đơn VAT cho khách hàng, qua đó để khẳng định TDT là đơn vị chính hãng và bảo đảm chất lượng cho bệnh nhân, đặc biệt với những người đang điều trị ung thư trong điều kiện khó khăn.
4h trướcHàng giả, hàng nhái ngày càng được làm tinh vi, người tiêu dùng khó phân biệt thật - giả
Là đơn vị có lịch sử kinh doanh phân phối mỹ phẩm tại Việt Nam 25 năm nay, ông Trần Việt Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ngôi Sao Châu Âu (Eurostars JSC) - đơn vị độc quyền phân phối các sản phẩm nhãn hiệu Tesori d’Oriente tại Việt Nam cho biết, doanh nghiệp của mình gặp nhiều vấn đề về hàng giả, hàng kém chất lượng. Tọa đàm là cơ hội để doanh nghiệp lên tiếng về vấn đề này.
Ông Trần Việt Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ngôi Sao Châu Âu. Ảnh: Quang Thái
Theo ông Trần Việt Hải, dân gian ta thường gọi những đối tượng làm hàng giả là “gian thương”. Trước đây, các đối tượng này đã làm giả giấy tờ nguồn gốc nước ngoài để đưa ra thị trường hàng trăm nghìn sản phẩm giả mà công ty độc quyền phân phối. Nhờ sự phối hợp với các lực lượng quản lý thị trường và y tế, ba nhóm đối tượng làm giả hàng của công ty đã bị đưa ra tòa.
Theo ông Trần Việt Hải, gần đây, có một số hành vi làm giả tinh vi hơn với những sản phẩm đưa ra thị trường “nhái” y hệt từ tem nhãn đến mã QR… và được bán với giá thấp hơn khiến người tiêu dùng không phân biệt được.
“Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng để xử lý những trường hợp này”, ông Trần Việt Hải khẳng định.
4h trướcThuốc giả chiếm tỷ lệ dưới 0,1%
Trả lời câu hỏi của độc giả về tình trạng hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực y dược hiện đang gây hoang mang dư luận, Cục Quản lý Dược có những giải pháp nào để quản lý tốt hoạt động này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua, số vụ việc liên quan vi phạm hàng giả, kém chất lượng bị phát hiện, triệt phá khá nhiều, trong đó có những vụ việc liên quan lĩnh vực dược.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng. Ảnh: Quang Thái
Tổng Bí thư Tô Lâm đã quyết liệt chỉ đạo cần tăng cường đấu tranh đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng. Thực hiện các chỉ đạo này, Bộ Y tế đã tổ chức các hội thảo, hội nghị trực tuyến... với các địa phương để bàn giải pháp tăng cường công tác quản lý; tổ chức 15 đoàn kiểm tra đột xuất tại các cơ sở, từ đó phát hiện nhiều vi phạm ở lĩnh vực thực phẩm chức năng (TPCN), thuốc cổ truyền.
Quá trình kiểm tra cho thấy, trong số các sản phẩm giả, quảng cáo không đúng sự thật, chủ yếu là TPCN; thuốc giả chiếm tỷ lệ không nhiều so với các mặt hàng khác. Cần khẳng định, TPCN không phải là thuốc nhưng việc phát hiện nhiều sai phạm cũng gây hoang mang cho người tiêu dùng và thị trường.
Hiện nay, Luật Y Dược bổ sung một số điều, hệ thống một số quy định bắt buộc phải thực hiện khi đăng ký doanh nghiệp, có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Sở Y tế, Bộ Y tế cấp. Các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực thuốc phải được cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá. Việc quảng cáo thuốc được quản lý chặt chẽ.
Hiện nay, trong số hơn 40.000 mẫu thuốc được cung cấp, tỷ lệ thuốc kém chất lượng dưới 1%, thuốc giả dưới 0,1%. Đợt cao điểm vừa qua, lực lượng chức năng không phát hiện thuốc giả, chủ yếu là thuốc xách tay, thuốc không có hóa đơn.
"Chúng tôi đã tích cực tham mưu Bộ Y tế tăng cường hơn nữa hoạt động tại các nhà thuốc nhỏ, lẻ để ngăn chặn việc tiếp tay cho việc bán thuốc không đúng quy định. Trong hệ thống bán buôn bảo đảm không có thuốc giả. Thời gian tới, mong các ngành, UBND các phường, xã tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường. Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền, hình thành phong trào người dân tham gia tố giác tình trạng kinh doanh hàng giả với mặt hàng thuốc, TPCN", ông Tạ Mạnh Hùng nói.
4h trước63/84 cơ sở bị kiểm tra có vi phạm về an toàn thực phẩm
Phát biểu tại tọa đàm, ông Đỗ Anh Hùng, Phó Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, trong những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, luôn được chỉ đạo quyết liệt và triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị.
Ông Đỗ Anh Hùng, Phó Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Quang Thái
Hằng năm, UBND thành phố ban hành kế hoạch và triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn. Đặc biệt, vào các dịp cao điểm về an toàn thực phẩm như Tết, Lễ hội Xuân, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu..., thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, tổ chức kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Trong năm 2025, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong kiểm soát thực phẩm giả, Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đợt Tết Ất Tỵ, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 và đoàn kiểm tra liên ngành sữa và thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong 6 tháng đầu năm 2025, các đoàn công tác liên ngành thành phố đã kiểm tra tại 84 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, có 21/84 cơ sở đạt, 63 cơ sở có các vi phạm về an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng đã yêu cầu 6 cơ sở tạm dừng hoạt động để khắc phục vi phạm trước khi được tiếp tục hoạt động; đồng thời, đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với 1 cơ sở, lấy 33 mẫu thực phẩm để gửi kiểm nghiệm chuyên sâu đánh giá chất lượng sản phẩm (32/33 mẫu đạt), tiêu hủy số lượng nguyên liệu, thực phẩm không đảm bảo an toàn với giá trị ước tính trên 500 triệu đồng.
Với việc kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm, nhiều vụ việc đã được chuyển cơ quan công an điều tra, danh sách cơ sở vi phạm được công khai để tăng tính răn đe. Một số vụ việc bị phát hiện đã gây "rúng động" dư luận như vụ bánh cốm Nguyên Ninh (phố Hàng Than, Hoàn Kiếm), bim bim Đức Vinh (Hoài Đức), bánh kẹo ở La Phù… cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm.
Không thể phủ nhận rằng, việc kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm minh các vi phạm đã góp phần nâng cao ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Điển hình như sau khi bị đoàn kiểm tra liên ngành chỉ ra sai phạm, cơ sở Bánh cốm Nguyên Ninh đã có sự thay đổi căn bản trong nhận thức và chủ động khắc phục, sửa chữa toàn diện để được phép hoạt động trở lại. Đồng thời, hoạt động kiểm tra cũng góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn, sử dụng các sản phẩm thực phẩm an toàn.
4h trướcSản phẩm vi phạm chủ yếu là thực phẩm đông lạnh, bánh kẹo, sữa
Phát biểu tại tọa đàm, ông Dương Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, trong đó có thực phẩm sữa, nhất là trong tháng cao điểm. Tuy nhiên, với sự gia tăng nhanh chóng và đa dạng của sản phẩm, lực lượng chức năng đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình kiểm tra, xử lý.
Ông Dương Mạnh Hùng (giữa), Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Quang Thái
Trong 6 tháng năm 2025, Chi cục đã kiểm tra 645 vụ, phạt hành chính hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị đã thu giữ 232 nghìn sản phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc, trong đó có khoảng 39 tấn sản phẩm đông lạnh.
Ông Dương Mạnh Hùng cũng nêu một số vụ việc điển hình thời gian qua. Thứ nhất là việc phát hiện các vi phạm tại cơ sở sản xuất bánh kẹo tại La Phù. Qua kiểm tra, đơn vị đã thu giữ hơn 23.000 sản phẩm. Toàn bộ các sản phẩm này đều có dấu hiệu vi phạm nguồn gốc xuất xứ. Xét thấy vụ việc có dấu hiệu phạm tội, Chi cục đã chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an điều tra.
Vụ việc thứ hai, qua kiểm tra 5 cơ sở kinh doanh gạo trên địa bàn Hà Nội, Chi cục đã phát hiện và tạm giữ 2,5 tấn gạo có dấu hiệu giả mạo.
Vụ việc thứ ba liên quan đến mặt hàng sữa, Chi cục đã phát hiện 3.000 lon sữa bột không có nhãn mác. Ngoài ra, Chi cục còn phát hiện hàng nghìn hộp, túi sữa có dấu hiệu bị tẩy xóa, sửa chữa hạn sử dụng...
Các vụ việc trên đều được chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý.
5h trướcHà Nội chống hàng giả "mạnh - nhanh - chính xác - nghiêm"
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lại Bá Hà cho biết, theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng của thành phố đã đạt nhiều kết quả trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đặc biệt, thành phố xử lý kịp thời nhiều vụ sản xuất, buôn bán sữa, thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng giả; kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả thương hiệu nổi tiếng... Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng bị phát hiện và xử lý đã tạo hiệu ứng xã hội, được dư luận ghi nhận, đánh giá cao.
Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lại Bá Hà phát biểu đề dẫn tọa đàm. Ảnh: Quang Thái
Song, đồng chí Lại Bá Hà cũng cho rằng, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục diễn biến phức tạp. Một số vụ việc báo chí phản ánh gần đây cho thấy các đối tượng tẩu tán, che giấu hàng giả, hàng lậu tinh vi hơn. Đặc biệt, hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc có xu hướng gia tăng. Các đối tượng vi phạm hoạt động chặt chẽ, tổ chức bài bản, trải rộng địa bàn hoạt động liên tỉnh, liên tuyến, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và triệt để khai thác công nghệ cao, mạng xã hội để che giấu hành vi. Việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng đôi khi chưa kịp thời, đồng bộ…
“Có thể thấy, tình trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái đang diễn ra phức tạp trên phạm vi cả nước. Thực trạng này gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp làm ăn chân chính... Dự báo những tháng cuối năm 2025, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại còn tiếp tục diễn biến phức tạp”, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới nhận định.
Theo đồng chí Lại Bá Hà, Hà Nội là trung tâm thương mại lớn, cũng là nơi hội tụ nhiều thương hiệu uy tín trong và ngoài nước. Nếu không quyết liệt chặn đứng hàng giả, uy tín hàng Việt sẽ dần bị bào mòn, gây tổn thất không thể đong đếm cho. Vì vậy, hơn lúc nào hết, công cuộc “làm sạch” thị trường cần được coi là nhiệm vụ cấp bách, liên tục và có chiến lược lâu dài.
Với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước như Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn Thủ đô và người tiêu dùng, tọa đàm sẽ phác họa bức tranh về tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường hiện nay; phân tích rõ những “kẽ hở”, bất cập về mặt chính sách khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái “lộng hành”; những khó khăn của cơ quan chức năng trong việc quản lý chất lượng hàng hóa; đồng thời, đưa ra các giải pháp phù hợp, hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện nay.
“Theo chỉ đạo của Trung ương, với tinh thần chống hàng giả trong thời gian tới, Hà Nội sẽ làm “mạnh – nhanh – chính xác – nghiêm”, tập trung vào các địa bàn trọng điểm như các khu công nghiệp, chợ dân sinh, chợ thuốc, các làng nghề… nhằm kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các hành vi vi phạm.
Tại Hà Nội sẽ không có vùng cấm trong xử lý hàng giả, buôn lậu. Địa phương nào để xảy ra tình trạng vi phạm thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm… Chúng ta hoàn toàn tin tưởng sẽ sớm đẩy lùi và tiến tới ngăn chặn hiệu quả hàng giả, góp phần bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới”, Phó Tổng Biên tập Lại Bá Hà khẳng định.
5h trước
Dự tọa đàm có: Phó Cục Trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng; Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Dương Mạnh Hùng; Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) Đỗ Anh Hùng.
Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Quang Thái
Về phía các doanh nghiệp có: Thạc sĩ Nguyễn Minh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Tâm Bình; ông Trần Việt Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ngôi Sao Châu Âu (Eurostars JSC); ông Hàn Ngọc Anh, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Dược phẩm Thái Minh; bà Lê Thị Huế, Đồng sáng lập Công ty cổ phần Trà SACHS TEA; ông Nguyễn Công Doanh, Giám đốc công ty cổ phần Dược phẩm TDT, đại diện nhãn hàng Fucoidan 3-Plus Nhật Bản tại Hà Nội.
Về phía Báo Hànộimới có Phó Tổng Biên tập Lại Bá Hà cùng trưởng các phòng, ban chuyên môn của Báo Hànộimới; và đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.
5h trước
Tọa đàm nhằm phác họa bức tranh toàn cảnh về tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường hiện nay; đi sâu phân tích những “kẽ hở”, bất cập về mặt chính sách khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái “lộng hành”.
Một số sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: Công an Hà Nội
Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp sẽ phân tích thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện nay, trong đó, phân tích diễn biến phức tạp nhất ở lĩnh vực thực phẩm chức năng.
Nhìn nhận vấn đề này đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp làm ăn chân chính và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, các đại biểu sẽ cùng thảo luận, nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp, hữu hiệu để người tiêu dùng có thể “chống đỡ” với “ma trận” hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện nay.
Cùng với đó, Báo Hànộimới mong muốn thông qua tọa đàm được lắng nghe những ý kiến của người tiêu dùng khi phải đối mặt với thực phẩm chức năng giả.
Ban tổ chức tin tưởng những chia sẻ thực tế từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ mang lại thông tin hữu ích, góp phần thúc đẩy sự phối hợp, đồng hành giữa các cơ quan quản lý và cộng đồng xã hội.
Tọa đàm trực tuyến “Chung tay đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng” trên Báo Hànộimới điện tử diễn ra từ 14h đến 16h ngày 10-7-2025. Độc giả có thể tương tác trực tuyến, đặt câu hỏi qua số điện thoại Đường dây nóng 0912438855; Email: dientu@hanoimoi.com.vn.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.