Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam: Liên kết tiêu thụ nông sản sau dịch bệnh

Minh Điền - Quang Sơn| 04/10/2021 07:47

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam đã bước sang giai đoạn mới trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tại một số địa bàn. Lúc này, vấn đề hỗ trợ sản xuất, kết nối cung - cầu trong vùng lại được các cấp, ngành, địa phương đặt ra nhằm giúp đỡ nông dân, doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng nhu cầu của thị trường đang tăng cao sau dịch bệnh.

Lượng cá tra ở tỉnh An Giang đã quá lứa, nhưng các nhà máy chưa thể sản xuất được khiến nông dân không tiêu thụ được sản phẩm.

Hàng hóa khó tiêu thụ

Đồng Nai và Bình Dương là 2 địa phương có lượng gia súc, gia cầm lớn, cung ứng tới 80% nhu cầu thị trường các tỉnh phía Nam cùng nhiều địa phương miền Bắc. Tuy nhiên, trong cao điểm chống dịch Covid-19 vừa qua, do 19 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ đều thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, nên 2 địa phương này tồn đọng nhiều sản phẩm chăn nuôi.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, giai đoạn vừa qua, tỉnh dư gần 500.000 con chim cút, gà lông trắng; khoảng 1.000 tấn thủy sản. Trong khi đó, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương thông tin, địa phương tồn hơn 1,2 triệu con gà lông trắng; 2 triệu quả trứng gà và 200.000 quả trứng chim cút... Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, việc tồn đọng nông sản, thủy sản cũng diễn ra trên diện rộng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang Trương Kiến Thọ cho hay, lượng cá tra quá lứa đang rất lớn, nhưng các nhà máy chế biến chưa thể sản xuất như trước dịch, dẫn đến nông dân không tiêu thụ được sản phẩm, thiếu vốn để tái đầu tư. Về phía doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (tỉnh Cà Mau) Lê Văn Quang nhận định: “Người nuôi thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long không có vốn để thả giống trong tháng 9, đến cuối năm, nhu cầu thị trường tăng cao sẽ không có hàng. Doanh nghiệp chế biến quay lại sản xuất sau dịch cũng sẽ thiếu nguyên liệu”.

Trong khi đó, một trong những thị trường tiêu thụ nhiều nông, thủy sản của toàn vùng là thành phố Hồ Chí Minh lại thiếu hàng hóa. Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, với hơn 10 triệu dân, mỗi ngày thành phố tiêu thụ 10.000-12.000 tấn nông, thủy sản. Tuy nhiên, do đứt gãy chuỗi cung ứng nên có thời điểm lượng hàng về thành phố chỉ khoảng 6.000 tấn, đến tháng 9 mới tăng dần lên 8.000-9.000 tấn, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Cần những trợ lực hiệu quả

Để khắc phục tình trạng thiếu vốn tái đàn, hiện hữu nguy cơ thiếu nông, thủy sản dịp cuối năm nay, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang Trương Kiến Thọ đề xuất, ngành Ngân hàng cần triển khai các gói vay ưu đãi để nông dân có vốn tái sản xuất, cung ứng hàng hóa ra thị trường dịp cuối năm 2021.

Về vấn đề này, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã tăng dư nợ tín dụng 5.000 tỷ đồng cho việc thu mua lúa Đồng bằng sông Cửu Long; mở hạn mức tín dụng 1.500 tỷ đồng cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ nông sản; chỉ đạo các ngân hàng thương mại mở rộng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp, thương lái vay. Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á Hà Huy Cường cho biết, ngoài việc giảm lãi suất 0,5-1%/năm, ngân hàng sẽ tài trợ lãi suất cho vay khoảng 7-7,5%/năm đối với lĩnh vực nông nghiệp để hỗ trợ nông dân tái sản xuất.

Cùng với nguồn vốn, việc kết nối cung - cầu được coi là giải pháp quan trọng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết, thực hiện tốt việc liên kết tiêu thụ, các doanh nghiệp trong tỉnh đã ký 31 hợp đồng cung ứng hàng hóa cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh, nên tiêu thụ được nhiều nông sản.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) Ngô Tường Vy chia sẻ: “Người nông dân đã thấy rõ hơn vai trò của doanh nghiệp trong việc kết nối tiêu thụ nông sản. Mong bà con sẽ gắn kết hơn với doanh nghiệp thông qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm để được bảo đảm quyền lợi trong mọi tình huống”. Còn Chủ tịch UBND thành phố

Cần Thơ Trần Việt Trường nhấn mạnh: “Đề nghị Bộ NN&PTNT bố trí Trung tâm Logistics của vùng tại Cần Thơ nhằm tăng cường kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông, thủy sản, kết nối chuỗi cung - cầu hiệu quả hơn”.

Để giải quyết căn cơ việc phục hồi sản xuất, kết nối tiêu thụ nông, thủy sản tại khu vực phía Nam, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ đề án sắp xếp lại hệ sinh thái từng ngành hàng. Mục tiêu là làm cho hệ sinh thái vùng không còn bị địa giới hành chính chia cắt, tạo ra sự bền vững cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. “Cần thay đổi tư duy mùa vụ của nông dân; tư duy thương vụ của doanh nghiệp và tư duy nhiệm kỳ của chính quyền. Khi nào tam giác phát triển nhà nước - thị trường - xã hội được liên kết chặt chẽ, ngành Nông nghiệp mới bớt rủi ro”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam: Liên kết tiêu thụ nông sản sau dịch bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.