(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang quá tải về hạ tầng giao thông đô thị bởi sự gia tăng dân số và phương tiện cá nhân hằng năm. Trong khi chờ đợi những công trình giao thông trọng điểm đi vào hoạt động, các cơ quan hữu quan đã thực hiện các giải pháp tổ chức giao thông linh hoạt, mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.
Theo thống kê từ Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đang quản lý hơn 8,6 triệu phương tiện, gồm hơn 760 nghìn xe ô tô và gần 8 triệu xe mô tô. Tốc độ tăng trưởng ô tô con và mô tô hằng năm lần lượt khoảng 12%/năm và 6,5%/năm. Trong khi đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị rất thấp, chỉ chiếm 8,8%.
Chưa kể, phần lớn các tuyến đường đều hẹp, hiện có khoảng 35% số đường có lòng đường rộng dưới 7m. Thực trạng này khiến tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn luôn diễn biến phức tạp.
Để khắc phục phần nào tình trạng trên, các sở ngành liên quan đã thực hiện các giải pháp mềm và linh hoạt trong tổ chức giao thông. Điển hình là xe máy rẽ trái 2 nhịp tại giao lộ lớn và điểm dừng 2 bậc cho ô tô và xe máy tại các ngã tư; ngoài ra, còn phải kể đến ứng dụng online (trực tuyến) cập nhật thông tin giao thông đến người dân.
Anh Lê Xuân Trường, 37 tuổi, từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh du lịch, đã rất ngạc nhiên khi thấy những xe máy tại các ngã tư trên đường Nguyễn Văn Linh rẽ trái lúc đèn xanh theo cách rất khác lạ. Anh Trường miêu tả: "Thay vì từ làn trong rẽ trái cắt đầu các phương tiện (phần lớn là ô tô), những xe máy này đi thẳng và dừng tại một khu vực được kẻ ô rõ ràng trước đèn đỏ của chiều đường cắt ngang ngã tư, chờ đèn xanh mới đi. Cách tổ chức giao thông này hạn chế tối đa xung đột giao cắt giữa xe máy rẽ trái và ô tô đi thẳng ở các ngã tư lớn".
Cách thức tổ chức giao thông này được Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng phối hợp với Sở GT-VT thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Đến nay, cách thức này đã được nhân rộng ở nhiều đường lớn trong thành phố như Đồng Văn Cống và Mai Chí Thọ (quận 2), xa lộ Hà Nội (quận 9), Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức).
Tại các giao lộ nhỏ hơn, vẫn với tiêu chí không để xe máy rẽ trái cắt ngang luồng phương tiện đi thẳng, Sở GT-VT thành phố Hồ Chí Minh còn có cách tổ chức giao thông khác, đó là dành riêng một làn đường phía trái hướng di chuyển, ngay giữa ngã tư, cho xe máy rẽ trái đứng chờ. Cách tổ chức giao thông này đã phát huy tác dụng tốt tại nhiều ngã tư dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt đoạn chạy qua những phố đông đúc của quận 1.
Còn tại ngã tư trên các phố nhỏ thuộc các quận 1, 3, 4, 5 để phù hợp với đặc tính của người đi xe máy luôn có xu hướng "luồn lách", Sở GT-VT thành phố Hồ Chí Minh bố trí 2 vị trí dừng đèn đỏ cho ô tô và xe máy. Theo đó, trước ngã tư, xe máy sẽ dừng đèn đỏ theo vạch phía trên. Ô tô sẽ dừng đèn đỏ theo vạch phía dưới. Khi đèn xanh, xe máy đi trước, nhanh chóng thoát khỏi giao lộ. Ô tô đi sau vì thế sẽ có phần đường rộng hơn để di chuyển, tránh xảy ra va chạm.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác và Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GT-VT thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, những cách thức tổ chức giao thông này phù hợp với thực tế đô thị Việt Nam, khi xe máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu. Việc tổ chức rẽ trái theo làn đường riêng và dừng đỗ 2 bậc trước ngã tư đã cải thiện đáng kể tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GT-VT thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mới đây, Sở đưa vào hoạt động ứng dụng Thông tin giao thông. Qua ứng dụng này, người sử dụng thiết bị di động có thể theo dõi trực tiếp tình hình giao thông khắp thành phố, thông qua 685 camera. Ứng dụng còn ngay lập tức thông báo đến người dùng tình hình giao thông, các phương án tổ chức giao thông mới, các cung đường hạn chế qua lại...
Thời gian tới, Sở GT-VT thành phố sẽ phối hợp với cơ quan thương mại và phát triển Hoa Kỳ (USTDA) nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển Trung tâm Điều hành giao thông thông minh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.