(HNM) - Với địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh như thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng công tác quy hoạch không đi trước một bước hoặc quy hoạch không gắn với thực tế đã và đang gây ra nhiều hệ lụy. Đây là vấn đề cần sớm được ưu tiên tìm hướng tháo gỡ, giải quyết.
Nhiều hệ lụy
Khi thành phố Hồ Chí Minh đang chuẩn bị khởi công dự án đường Vành đai 3 và khi dự án đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ đang được nhắc đến nhiều hơn cũng là lúc các chuyên gia đưa ra câu hỏi: “Có nên thay đổi quy hoạch hướng tuyến của dự án đường sắt quan trọng này?”.
Theo quy hoạch từ năm 2013, hướng tuyến đoạn đường sắt chạy dọc tuyến Vành đai 2 thành phố Hồ Chí Minh đi xuyên qua nhiều quận nội thành, sau đó rồi chạy về miền Tây. Nếu triển khai thực hiện dự án thì công tác giải phóng mặt bằng sẽ là trở ngại lớn. Bởi hiện nay, theo tính toán, mức giá đền bù cao gấp 3 lần so với giải tỏa mặt bằng đường Vành đai 3.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải Phạm Hoài Chung nhận định, phương án lý tưởng là chuyển hướng tuyến của đoạn đường sắt này chạy dọc theo đường Vành đai 3 sắp được xây dựng. Khi đó, công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng những đầu mối giao thông lớn giữa đường bộ và đường sắt sẽ nhanh và chi phí thấp hơn, do đi qua vùng ít dân cư, chủ yếu là đất nông nghiệp…
“Nhưng có thể đã quá muộn, bởi các địa phương có tuyến Vành đai 3 đi qua đã phê duyệt quy hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch chỉ có thể nếu các địa phương có dự án đi qua và các cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông - Vận tải cùng thống nhất kiến nghị Chính phủ xem xét”, ông Chung nói.
Các dự án khác của thành phố Hồ Chí Minh cũng gặp vấn đề tương tự. Ngay trước dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5-2023, nhà đầu tư bến tạm và tàu cao tốc chạy tuyến đường thủy thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu đã suýt phải hủy hàng nghìn vé đã bán trước đó. Nguyên nhân là thành phố quyết định giải tỏa bến tạm đường thủy nội địa Bạch Đằng, vốn là nơi đón trả khách đi tàu cao tốc và taxi đường thủy đã tồn tại nhiều năm qua. Theo ông Trần Song Hải, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xanh DP (nhà đầu tư), sau một loạt kiến nghị, đề xuất, thành phố đã cho phép doanh nghiệp sử dụng bến tạm đến hết kỳ nghỉ lễ.
Nhưng có một thực tế là hệ thống bến thủy của thành phố lại rất thiếu và yếu. Thậm chí, dù xác định du lịch đường thủy là thế mạnh, nhưng thành phố lại không có bến chuyên dụng đón tàu khách trong nước và quốc tế, phải sử dụng cảng hàng hóa, rất bất tiện.
Cần các giải pháp căn cơ
Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang lập Quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn năm 2060 và Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, để tránh lặp lại bất cập cũ, cần thực hiện tốt hai việc. Một là, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trong lập và quản lý quy hoạch. Hai là, huy động các nguồn lực để đẩy nhanh công tác lập quy hoạch.
Đơn cử, với dự án ga đầu mối đường sắt Thủ Thiêm đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2013. Đây là ga đầu mối đường sắt Bắc - Nam, khổ ray 1.435mm, có tổng diện tích khoảng 17,2ha. Tuy nhiên, theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, sau 10 năm, ga đầu mối này cần được quy hoạch tổng thể để đảm nhận thêm nhiều chức năng mới.
Cụ thể, đây còn phải là ga đầu mối cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành; là nhà ga đường sắt cho tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm). “Khi bộ, ngành trung ương bổ sung chức năng mới, sẽ tạo căn cứ để thành phố lập và quản lý quy hoạch, thống nhất triển khai khớp với các dự án khác của thành phố”, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm nói.
Về đẩy nhanh công tác lập quy hoạch, thành phố đã kiến nghị Chính phủ cho phép được kêu gọi các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước tham gia lập quy hoạch. Kiến nghị này xuất phát từ thực tế theo quy định hiện hành, công tác lập quy hoạch được kêu gọi qua đấu thầu, kinh phí từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nguồn chi chưa dồi dào, thủ tục đấu thầu lâu, nên công tác lập quy hoạch chậm.
Vướng mắc trên là một trong những nguyên nhân chính khiến thành phố chưa hoàn thành lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 để trình Chính phủ. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết: “Thủ tướng đã giao các bộ, ngành nghiên cứu, cho phép thành phố Hồ Chí Minh được nhận tài trợ kinh phí và huy động chuyên gia làm quy hoạch tỷ lệ 1/2000 trở lên. Đây là những quy hoạch chưa có nhà đầu tư, chưa phân biệt ranh giới đất, quy hoạch cả một vùng rộng lớn, nên có thể tránh được việc lồng ghép lợi ích nhà đầu tư vào quy hoạch”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.