(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu công viên, cây xanh nghiêm trọng. Do đó, ngoài phương án mở rộng diện tích đất công viên, việc trồng cây xanh dọc các tuyến đường, trên hành lang sông, rạch và khu đô thị mới được thành phố đặc biệt chú trọng.
Diện tích xanh còn thấp
Mỗi buổi sáng, hàng trăm người dân đổ về Công viên Lê Văn Tám (quận 1) để tập thể dục khiến nhiều lúc nơi đây trở nên quá tải. Bà Trần Thị Dung (ở phường 7, quận 3) cho biết: "Trên địa bàn quận 3 không có công viên lớn nên người dân phải sang quận 1 để sử dụng “ké”. Dù cũng bất tiện nhưng chúng tôi không còn cách nào khác".
Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, số công viên trên địa bàn thành phố vừa ít vừa phân bố không đều. Đơn cử, trên địa bàn quận 1 hiện có 4 công viên là Công viên văn hóa Tao Đàn, Công viên Lê Văn Tám, Công viên 30-4 và Công viên 23-9. Trong khi đó, quận 3 ngay cạnh lại không có công viên lớn nào. Còn tại các quận, huyện như quận 9, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi... dù sở hữu quỹ đất lớn nhưng cũng không có công viên.
Tính đến cuối năm 2018, thành phố Hồ Chí Minh có 369 công viên trên tổng diện tích đất hơn 491ha. Diện tích đất công viên đạt bình quân 0,49m2/người. Theo quy hoạch, diện tích cây xanh bình quân đầu người của thành phố Hồ Chí Minh phải đạt 6-7m2/người, nhưng hiện chỉ mới đạt 0,5m2/người.
Nói về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận: Dân số của thành phố trên 10 triệu người nhưng hiện chỉ có 102.000 cây xanh được đánh số, địa chỉ, trong khi dân số Singapore chỉ trên 5,5 triệu người nhưng có tới hơn 2 triệu cây xanh...
Xây dựng hạ tầng xanh đa chức năng
Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang có tốc độ đô thị hóa cao nên việc phát triển cây xanh tại các khu đô thị mới đã được thành phố rất chú trọng. Điển hình như tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (quận 7), giữ vai trò phủ xanh cho nơi đây hiện có gần 100 công viên. Nổi bật là công viên Hồ Bán Nguyệt (rộng 7ha) và tổ hợp các công viên tại khu Nam Viên (rộng 5,5ha), còn lại là các công viên nội khu xen lẫn các khu phố có diện tích trung bình khoảng 2.000m2.
Nhờ vậy, hiện diện tích cây xanh bình quân đầu người của khu đô thị đạt gần 9m2/người (cao nhất tại thành phố Hồ Chí Minh). Hiện nhiều khu đô thị mới khác cũng được các nhà đầu tư chú trọng dành diện tích cây xanh để tăng tiện ích cho cư dân.
Tuy nhiên, hiện quỹ đất dành cho phát triển công viên và trồng cây xanh khu vực nội thành rất ít và khó mở rộng. Do đó, việc phát triển cây xanh chủ yếu được trồng bổ sung trên các tuyến đường chưa có cây xanh. Kiến trúc sư Kevin Doan (Việt kiều làm việc tại Singapore) cho rằng, thành phố vẫn có thể tăng diện tích mảng xanh dọc các tuyến đường… Trên các vỉa hè có độ rộng nhất định, chỉ cần làm lối đi bộ vừa đủ (rộng 1,2-1,5m), còn lại có thể trồng cây xanh, cây bụi. Cây trồng trên vỉa hè có thể bố trí 3 tầng cao, vừa và thấp.
Cũng theo kiến trúc sư Kevin Doan, đối với các công trình mà nhà đầu tư đề xuất tiêu chuẩn xanh, cơ quan quản lý nhà nước phải yêu cầu chủ đầu tư bảo đảm diện tích xanh tương đương với diện tích đất. Cụ thể, diện tích xanh của công trình bằng diện tích xanh trên mái cộng với diện tích xanh trên mặt đứng. “Việc này ở Singapore đã làm rất hiệu quả và thành phố Hồ Chí Minh có thể tham khảo vì có nét tương đồng trong phát triển đô thị”, kiến trúc sư Kevin Doan cho hay.
Còn theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh), ngoài diện tích mảng xanh từ các công viên hay trên các tuyến đường, không gian xanh theo biên nước có tiềm năng không nhỏ bởi thành phố có diện tích sông, rạch lớn. Lợi thế này, nếu tận dụng, phát triển tốt có thể tạo nên đặc trưng cho thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó, khu vực ven kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - Tẻ, Nhiêu Lộc - Thị Nghè… có thể kết hợp với các dự án chỉnh trang đô thị với tăng cường mảng xanh đa chức năng, vừa tạo cảnh quan đặc trưng, vừa tạo không gian cho các hoạt động giải trí, văn hóa, du lịch sông nước.
“Với đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh, không gian cây xanh, mặt nước phải được xem như “xương sống” của một hạ tầng xanh đa chức năng và có vai trò liên kết, tích hợp các chức năng của một hệ thống hạ tầng bền vững”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
Tại hội thảo về định hướng quy hoạch và phát triển công viên, cây xanh trên địa bàn thành phố diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu phải đưa chỉ tiêu cây xanh vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI sắp tới. Ngay từ bây giờ, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch phát triển công viên, cây xanh trong thời gian tới, tầm nhìn có thể lên tới 25 năm để đến năm 2045, thành phố sẽ xanh hơn, đẹp hơn, đạt chỉ tiêu 6-7m2 cây xanh/người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.